Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đạt Tuyên bố chung

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Kong-un đã kết thúc kỳ họp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore hôm 12/6 vừa qua bằng việc ký kết một tuyên bố chung. Tuyên bố này cam kết 'giải giáp hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên' dù không nêu rõ chi tiết cụ thể.

Cú bắt tay tạo nên lịch sử tại Singapore giữa lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên trong hôm 12/6. (Nguồn: Guardian).

"Mở ra một kỷ nguyên mới"

"Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un đã tham dự một buổi trao đổi ý kiến toàn diện, chuyên sâu và chân thật về các vấn đề liên quan tới việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, và xâu dựng một cơ chế hòa bình vững mạnh, lâu bền trên bán đảo Triều Tiên" - Tuyên bố chung Singapore nêu rõ.

"Tổng thống Trump cam kết sẽ cung cấp sự đảm bảo về mặt an ninh đối với CHDCND Triều Tiên" - Tuyên bố chung nhấn mạnh - "Và Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết vững chắc của ông đối với việc giải giáp hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên".

Hai nhà lãnh đạo đã đặt bút ký vào tuyên bố chung trong một buổi lễ mà trong đó ông Kim, thông qua phiên dịch viên của mình, nói rằng ông và ông Trump "đã quyết định bỏ qua quá khứ" và "chuẩn bị tạo nên sự thay đổi lịch sử". Ông cũng thể hiện "lòng biết ơn" đối với ông Trump vì đã tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này.

Về phần mình, Tổng thống Trump nói rằng ông và ông Kim sẽ khởi động tiến trình giải giáp hạt nhân "rất nhanh chóng", để đáp lại một số câu hỏi từ báo giới, thêm rằng hai nhà lãnh đạo sẽ còn "gặp gỡ thêm nhiều lần nữa" trong tương lai.

Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo đều mô tả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên như "sự kiện mở ra một kỷ nguyên mới, vượt qua nhiều thập kỷ căng thẳng và tình trạng thù địch giữa hai quốc gia, và mở ra một tương lai mới". Tuyên bố trên cũng được phản ánh lại trong rất nhiều phát ngôn mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đưa ra trong các cuộc họp tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, Singapore trong hôm thứ Ba.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên kể từ đất nước này được thành lập vào năm 1948, khi mà bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Trong suốt 70 năm sau đó, Mỹ xét về mặt kỹ thuật vẫn đang trong một cuộc chiến với chính quyền Bình Nhưỡng, bởi cuộc chiến liên Triều kết thúc vào năm 1953 chỉ với một lệnh ngừng bắn chứ không có một hiệp ước hòa bình chính thức.

Đến hôm 12/6 vừa qua, hình ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên cùng sánh bước và trao cho nhau những ngôn từ tốt đẹp trước hàng loạt ống kính phóng viên dường như đối lập hoàn toàn với tình hình căng thẳng giữa hai nước trong năm đầu tiên mà ông Trump nắm quyền - khi mà hai nhà lãnh đạo thường xuyên trao đổi luận điệu đe dọa lẫn nhau.

Hành trình của Tổng thống Trump tới hội nghị thượng đỉnh vừa qua bắt đầu từ năm ngoái, khi ông Kim đưa ra hàng loạt đề xuất thương thảo với Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, và dẫn tới kết quả đáng mừng là các kỳ họp thượng đỉnh liên Triều. Lãnh đạo Kim cũng thể hiện rõ thiện chí của mình đối với Mỹ khi trao trả tự do cho các tù nhân Mỹ hồi tháng trước.

Hai nhà lãnh đạo có cú bắt tay thứ hai trước cuộc thảo luận riêng. (Nguồn: AP).

Dù hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim được cho là thành công rực rỡ khi ra được một tuyên bố chung, nhưng tuyên bố mà họ ký kết chỉ đưa ra rất ít chi tiết về cách thức mà họ đưa ra trong nỗ lực hướng tới hòa bình.

Tuyên bố chung không mô tả chi tiết về các chương trình mà Triều Tiên sẽ tạm ngừng trong tiến trình giải giáp hạt nhân, hay cơ chế kiểm tra tiến trình giải giáp hạt nhân. Triều Tiên và Mỹ cũng chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Dù tuyên bố chung cam kết rằng sẽ hai bên sẽ thiết lập mối quan hệ "mới", nhưng lại không nêu sẽ ở mức độ nào hay cung cấp thông tin cụ thể về việc Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.

4 trụ cột của Tuyên bố chung

Tuyên bố chung mà ông Trump và ông Kim ký kết tại Singapore bao gồm 4 điểm mấu chốt:

"Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới, theo nguyện vọng của người dân hai nước về hòa bình và thịnh vượng" - Luận điểm đầu tiên của Tuyên bố chung nêu rõ.

Luận điểm này thể hiện việc Mỹ và Triều Tiên sẽ ngừng các luận điểm đe dọa, khiêu khích lẫn nhau. Nó cũng phản ánh rõ nguyện vọng của lãnh đạo Kim Jong-un trong việc chú trọng vào phát triển kinh tế đất nước, mà trong thời gian tới có thể với sự giúp đỡ từ nước Mỹ.

"Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ đưa ra nỗ lực chung nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên" - Luận điểm thứ hai nêu rõ.

Luận điểm này thể hiện rõ cam kết của hai bên trong nỗ lực hướng tới hòa bình, mà kết quả cuối cùng sẽ là một hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc chiến liên Triều 1950-1953. Tuy nhiên, để thay thế lệnh ngừng bắn hiện tại bằng một thỏa thuận hòa bình, hai nước cần có sự tham gia của Trung Quốc và nhiều nước khác từng liên quan tới cuộc xung đột này.

"Tái xác nhận Tuyên bố Panmunjom ký ngày 27/4/2018, CHDCND Triều Tiên cam kết sẽ nỗ lực hướng tới giải giáp hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên" - Luận điểm thứ ba nêu rõ.

Đây được xem là điểm quan trọng nhất trong tuyên bố chung được ký kết tại Singapore, nhưng cũng hàm chứa nhiều vấn đề. Luận điểm này không trùng với mục tiêu mà Washington đang theo đuổi là giải giáp hạt nhân "toàn diện, không thể đảo ngược và có thể xác nhận (CVID)", mà đơn giản chỉ là nhắc lại quan điểm của ông Kim trong kỳ thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

"Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm hài cốt tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), và sẽ lập tức đưa những những bộ hài cốt đã được nhận dạng về nước" - Luận điểm cuối cùng nêu rõ.

Một trong những di sản của cuộc chiến liên Triều 1950-1953 để lại chính là quá trình tìm kiếm hài cốt tù binh và binh sỹ hy sinh hoặc mất tích trong lúc làm nhiệm vụ. Phía Mỹ từng cho hay khoảng 5.300 thành viên quân đội Mỹ mất tích ở Triều Tiên trong chiến sự năm xưa, nhưng do quan hệ giữa căng thẳng giữa hai nước mà những nỗ lực tìm kiếm đã bị tạm ngừng kể từ năm 2005.

Theo giới quan sát, kết quả đáng mừng nhất từ tuyên bố chung mà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên ký kết hôm 12/6 ở Singapore chính là cam kết "tổ chức thêm các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và một vị quan chức cấp cao tương đương của CHDCND Triều Tiên vào thời điểm sớm nhất có thể".

Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim đã bắt tay thân mật trước khi rời khỏi Singapore vào chiều hôm thứ Ba. Trong lúc chào từ biệt, ông Trump đã đáp trả một câu hỏi của các phóng viên, nói rằng ông có kế hoạch sẽ gặp gỡ ông Kim "nhiều lần nữa". Lãnh đạo Mỹ cũng cho hay ông "chắc chắn" sẽ mời ông Kim tới Nhà Trắng.

"Chiến tranh Triều Tiên sẽ sớm chấm dứt"

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngay sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử, Tổng thống Trump nói rằng ông hy vọng Chiến tranh Triều Tiên sẽ chấm dứt, hơn 70 năm sau khi nó bắt đầu.

"Gần 70 năm trước, một cuộc xung đột cực kỳ đẫm máu đã diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Vô số người đã thiệt mạng, bao gồm hàng chục nghìn người Mỹ dũng cảm. Dù đã có một lệnh ngừng bắn, nhưng cuộc chiến này chưa chấm dứt, chưa từng. Nhưng giờ tất cả chúng ta đều có thê rhy vọng rằng nó sẽ sớm chấm dứt. Và nó sẽ chấm dứt" - ông Trump nói.

Khoảnh khắc sau khi hai nhà lãnh đạo ký kết Tuyên bố chung. (Nguồn: AFP).

Lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh thêm rằng quá khứ không thể định hình tương lai, "các cuộc xung đột của ngày hôm qua không thể trở thành một cuộc chiến của ngày mai" và lịch sử đã chứng minh điều đó hết lần này tới lần khác rằng "những bên thù địch hoàn toàn có thể trở thành những người bạn".

Tại kỳ họp thượng đỉnh liên Triều tổ chức hồi tháng Tư vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cũng từng cam kết chấm dứt cuộc chiến liên Triều.

Nhằm đáp lại cam kết của phía Triều Tiên trong tuyên bố chung, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận, có khả năng đề cập tới các cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Hàn Quốc, mà từ lâu Triều Tiên đã xem như hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

Ông Trump cũng nói rằng, ông hy vọng cuối cùng sẽ rút hết lực lượng Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc.

"Tôi muốn rút hết binh sỹ của chúng tôi. Tôi muốn mang binh sỹ của chúng tôi trở về nhà" - ông Trump nói - "Nhưng vấn đề này chưa được thảo luận ở hiện tại. Tôi hy vọng cuối cùng cũng sẽ làm được điều đó".

Ông Trump cũng nói rằng ông thấy cần phải ngừng các cuộc tập trận này bởi ông coi chúng là "rất khiêu khích" và cho rằng Mỹ sẽ tiết kiệm được "một đống tiền" nếu ngừng tập trận.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/hoi-nghi-thuong-dinh-my-trieu-dat-tuyen-bo-chung-tintuc406988