Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga: Ít kỳ vọng nhưng khó 'trắng tay'

Ý nghĩa, dư chấn của mỗi sự kiện quốc tế phụ thuộc vào giá trị đích thực, chủ thể và bối cảnh của sự kiện. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga lần đầu tiên cũng vậy. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.

Hai bên chính thức xác nhận Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ diễn ra vào ngày 16/6 ở Geneva, Thụy Sỹ. Còn gần ba tuần nữa, nhưng sự kiện quan trọng này đã thu hút nhiều quan tâm của quốc tế. Cố vấn, quan chức cấp cao hai bên đang nỗ lực thống nhất chương trình hội đàm và công tác chuẩn bị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin sẽ có cuộc chạm trán tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 16/6 tới. (Nguồn: Getty Images/MCT)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin sẽ có cuộc chạm trán tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 16/6 tới. (Nguồn: Getty Images/MCT)

Tâm điểm của thế giới

Từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay, mỗi đời lãnh đạo cấp cao Nga (Liên Xô trước đây) và Mỹ, có ít nhất 1 lần tổ chức Hội nghị thượng đỉnh. Trong 18 năm cầm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gặp gỡ chính thức với các Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Donald Trump.

Các hội nghị trước đây đã thảo luận nhiều vấn đề song phương, quốc tế quan trọng, có thành công và không thành công. Thậm chí, từng xảy ra sự cố hi hữu.

Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Barack Obama tháng 8/2013 bên lề Thượng đỉnh G20 tại St-Petersbourg bị hủy bỏ do nhiều bất đồng, trong đó có việc Nga cấp giấy tị nạn tạm thời cho cựu nhân viên tư vấn an ninh Edward Snowden mà Mỹ yêu cầu dẫn độ.

Vì sao Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga lần này được quốc tế chú ý như vậy?

Thứ nhất, quan hệ giữa hai cường quốc đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Các đòn trừng phạt kinh tế, ngoại giao liên tiếp; cùng với những cáo buộc can thiệp bầu cử, can thiệp nội bộ, tấn công mạng, vi phạm nhân quyền, tự do báo chí; xung đột Ukraine, vấn đề Bắc cực, kiểm soát vũ khí hạt nhân và mới nhất là vụ không chế máy bay bắt giữ nhân vật đối lập của Belarus...

Hai bên công khai thừa nhận tồn tại nhiều mâu thuẫn, “sự khác biệt nghiêm trọng”... Tổng thống Joe Biden đánh giá Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”, nhưng sự căng thẳng, đối đầu trong quan hệ với Nga là vấn đề địa chính trị gắn với an ninh, xung đột vũ trang.

Thứ hai, mâu thuẫn, đối đầu căng thẳng Mỹ và Nga vượt qua khuôn khổ quan hệ song phương, chi phối, tác động đến ổn định chiến lược của thế giới, khu vực, quan hệ đồng minh, đối tác. Đó là xung đột ở Ukraine, chiến tranh ở Syria, sự hiện diện quân sự ở Biển Đen, là việc chế tạo và triển khai vũ khí hạt nhân, vũ khí chiến lược trên lãnh thổ đồng minh, đối tác, nhắm vào lãnh thổ của nhau.

Mỹ có kế hoạch thảo luận với đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ về định hình quan hệ với Nga, trước khi tiến hành Hội nghị thượng đỉnh. Nga cũng sẽ hội đàm, điện đàm với một số đồng minh, đối tác trước ngày 16/6. Nga, Trung Quốc và Iran gia tăng liên thủ với nhau trước sức ép từ Mỹ và phương Tây.

Thứ ba, những phát ngôn cứng rắn nhưng vẫn để lối mở, với nhiều ẩn ý, gây tranh cãi, buộc dư luận phải quan tâm giải mã. Moscow tuyên bố “vả gãy răng” bất cứ kẻ nào cắn xé lãnh thổ Nga, nhưng sẵn sàng thảo luận bất cứ vấn đề gì.

Tổng thống Mỹ nói sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Nga gây tổn hại lợi ích của Mỹ và đồng minh, đối tác, nhưng mong muốn xây dựng quan hệ “ổn định và có thể đoán được”.

Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh lần này đụng đến “toàn bộ những vấn đề cấp bách” nhất của hai nước và quốc tế. Nếu để quan hệ Mỹ-Nga tụt đáy, chưa biết sẽ xảy ra biến cố gì? Và như vậy, quốc tế quan tâm là chuyện đương nhiên.

Nhiều tài liệu trênbàn nghị sự

Hội nghị thượng đỉnh rõ ràng là cơ hội để hai bên trao đổi trực tiếp, thẳng thắn về thông điệp, mối quan ngại sâu sắc, các bất đồng, thách thức, vấn đề nóng của quốc tế; tìm kiếm lĩnh vực hợp tác...

Nga quan tâm thảo luận “thực trạng và triển vọng tương lai” quan hệ song phương.

Mỹ sẽ đề cập về xây dựng quan hệ “ổn định và có thể đoán được”. Các học giả cho rằng nội hàm của Mỹ là giữ ổn định quan hệ, ổn định chiến lược trên cơ sở trật tự hiện hành, không có hành động đột biến, gây tổn hại cho Mỹ và đồng minh…

Điều cốt lõi, quan hệ, hợp tác với Nga phải phù hợp lợi ích quốc gia của Mỹ và Mỹ có thể kiểm soát được quan hệ đó.

Cả hai bên sẽ trao đổi về “ổn định chiến lược”, trong đó có kiểm soát vũ khí chiến lược, an ninh, xung đột khu vực. Moscow quan ngại việc Mỹ và NATO triển khai lực lượng, vũ khí chiến lược trong không gian hậu Xô viết, áp sát biên giới Nga, hệ thống đánh chặn tên lửa nhằm vào Nga.

Washington lo ngại việc Nga triển khai binh lực ở Bắc cực, gần biên giới Ukraine… Đặc biệt là Nga triển khai vũ khí chiến lược (máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tên lửa hành trình tầm xa…) ở Khmeimim, Syria, có khả năng hoạt động trên toàn bộ không gian phía Nam của Mỹ, NATO, Địa Trung Hải và một phần Đại Tây Dương, vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa…

Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để hai bên trao đổi trực tiếp, thẳng thắn về thông điệp, mối quan ngại sâu sắc, các bất đồng, thách thức, vấn đề nóng của quốc tế.. (Nguồn: Getty Images)

Trông chờ và mâu thuẫn

Dư luận dường như đang mâu thuẫn, vừa quan tâm, trông chờ Hội nghị thượng đỉnh, vừa rào đón đừng quá kỳ vọng! Quan chức Mỹ nói không đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh. Tương tự, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov dự báo “Sự kiện quan trọng song không nên kỳ vọng quá mức vào kết quả…” và không dự kiến ký kết bất cứ văn kiện nào.

Điều đó cũng không khó hiểu, bởi có quá nhiều “hồ sơ”, quá nhiều mâu thuẫn trong hiện trạng và tính toán của hai bên, cả trong quan hệ song phương, đa phương và trong nội bộ.

Điều cốt lõi, quan hệ, hợp tác với Nga phải phù hợp lợi ích quốc gia của Mỹ và Mỹ có thể kiểm soát được quan hệ đó.

Tổng thống Joe Biden không giấu diếm ý đồ chủ động gặp gỡ, “giành thế chủ động dẫn dắt quan hệ (với Nga) phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ”; muốn thể hiện, chứng tỏ Mỹ giành thắng lợi ngoại giao trước Nga, bác bỏ ý kiến Nhà Trắng “nhượng bộ”, “tặng quà” cho Điện Kremlin.

Nga mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, hợp tác bình đẳng, dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhưng không bao giờ chịu khuất phục và đủ lực để bảo vệ lợi ích của mình.

Từ đó, có thể dự báo Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sẽ không tạo ra một bước đột phá nào trong quan hệ Mỹ-Nga. Hai bên sẽ không thể giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính nền tảng cho quan hệ song phương.

Nhưng có thể tìm kiếm những vấn đề mà hai bên cần và buộc phải hợp tác, như chống biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và có thể là kiểm soát vũ khí chiến lược… Đầu năm 2021, hai bên đã thảo luận, nhất trí hợp tác lâm nghiệp, năng lượng hạt nhân, Bắc cực và cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ chủ trì ngày 22-23/4.

Đó có thể là những hành động mang tính bắc cầu.

Dẫu không đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cả hai nhà lãnh đạo cũng không muốn trắng tay trong Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Quan trọng hơn, cả hai bên đều thừa nhận vai trò quan trọng không thể thiếu của nhau, trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và giải quyết xung đột.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói “chính sách ngoại giao chỉ mang lại hiệu quả khi các bên đồng ý đối thoại với nhau”. Rộng ra, khi hai bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán nghĩa là nguy cơ xung đột đang tạm lùi phía sau, đồng nghĩa với việc mở ra một cơ hội.

Đó là ý nghĩa quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga.

Dù không kỳ vọng nhiều, nhưng vẫn chứng tỏ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga lần đầu tiên là sự kiên rất quan trọng và có ích cho cả hai nước và cho thế giới, khu vực. Như vậy, dư luận không tự mâu thuẫn khi vừa quan tâm vừa quan ngại.

Chúng ta hãy chờ xem.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-my-nga-it-ky-vong-nhung-kho-trang-tay-146647.html