Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga: Geneva 2021 liệu có khác Helsinki 2018?

Bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga nào đều được coi là một sự kiện quốc tế quan trọng. Ở nhiều khúc cua lịch sử, những kỳ thượng đỉnh như vậy có thể đóng vai trò quyết định xu thế dịch chuyển của cả thế giới.

Ông Donald Trump (trái) và Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Helsinki, Phần Lan tháng 7/2018

Ông Donald Trump (trái) và Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Helsinki, Phần Lan tháng 7/2018

Theo trang tin Moderndiplomacy, kỷ nguyên lưỡng cực đã chấm dứt và quan hệ Nga - Mỹ giờ không còn là trục trung tâm của chính trị quốc tế. Giống như trước đây, Mỹ và Nga vẫn chọn cách tiếp cận can dự theo hình chóp.

Gặp gỡ thượng đỉnh giúp tạo ra động lực mới cho những cỗ máy chính trị tại Moskva và Washtington, để các nhà ngoại giao, tướng lĩnh quân sự, quan chức cấp cao khởi động những công việc, xử lý từng vấn đề cụ thể, mở ra hợp tác giữa khu vực tư nhân, giảm giọng điệu chỉ trích lẫn nhau trên truyền thông và dần khôi phục lại các sáng kiến trao đổi văn hóa, giáo dục, khoa học trong tương lai.

Thế nhưng cũng có ngoại lệ đối với nguyên tắc phổ quát này. Đó là kỳ thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki tháng 7/2018, một sự kiện đã không thể kích hoạt cải thiện đà quan hệ song phương. Ngược lại, cuộc gặp giữa ông Donald Trump với đồng cấp người Nga Vladimir Putin chỉ gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong giới chính trị dòng chính có tư tưởng chống Nga tại Mỹ. Cuối cùng, khi trở về nước, ông Trump buộc phải đưa ra những phát biểu xoa dịu mang tính chất xin lỗi cả những người ủng hộ và phản đối ông. Quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi sau cuộc gặp thượng đỉnh ấy.

Đương nhiên, chẳng ai muốn chứng kiến một “kịch bản Helsinki” trong tháng 6 này ở Geneva, khi Tổng thống Joe Biden có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin. Nhưng liệu có lý do để tin rằng sẽ có một kết cục khác biệt tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này? Để trả lời được câu hỏi đó, cần so sánh cách tiếp cận về Nga của ông Biden và người tiền nhiệm, cũng như xem xét tổng thể quan hệ Nga-Mỹ.

Tại Helsinki, ông Trump rất mong đợi nhà lãnh đạo Nga thể hiện tình cảm nồng nhiệt với cá nhân ông. Tổng thống Mỹ trước luôn tránh chỉ trích công khai đồng cấp người Nga và không ngại đưa ra những đánh giá tán dương ông chủ điện Kremlin – một động thái không chỉ gây ra sự bực bội ở Washington, mà ngay trong nội các của ông Trump.

Ngược lại, ông Biden là người hiểu rõ ông Putin sau nhiều năm và ông cũng không tự đặt ra yêu cầu phải lấy được thiện cảm từ lãnh đạo Nga. Hai nhà lãnh đạo đương nhiệm hiện nay dường như không ai cảm mến ai và xu hướng đó có lẽ còn tiếp tục sau cuộc gặp ở Geneva.

Kế đến, ở Helsinki, ông Trump muốn chứng tỏ cá nhân ông giành được thành tựu đối ngoại ấn tưởng. Ông tin rằng mình có thể làm tốt hơn người tiền nhiệm Barack Obama trong việc “tái khởi động quan hệ Mỹ-Nga”, đưa Nga chí ít cũng trở thành một đối tác chiến lược của Mỹ, dù chưa thể tới mức đồng minh. Ông Biden không có những tính toán như vậy. Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã nói rõ quan hệ Mỹ-Nga mang nặng tính cạnh tranh trong giai đoạn trước mắt và sẽ phát triển theo chiều hướng đối đầu ở một số lĩnh vực.

Cuối cùng, ông Trump có nhiều thời gian chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống Putin dài hơn so với ông Biden. Ông tới Helsinki với quãng thời gian đã nắm quyền 18 tháng ở Nhà Trắng. Ngược lại, ông Biden lên kế hoạch cho kỳ thượng đỉnh ở Geneva chỉ năm tháng sau ngày nhậm chức. Chuẩn bị cho cuộc gặp ở Geneva gấp gáp hơn và vì thế kỳ vọng vào kết quả tích cực cũng có thể giảm đi.

Những khác biệt giữa hai ông Joe Biden và Donald Trump trên đây cho thấy, gần như có rất ít lý do để tin vào một cuộc gặp thượng đỉnh đặc biệt thành công ở Geneva hôm 16/6 tới. Nhưng cũng không được phép quên lãng bức tranh tổng thể liên quan đến điểm đặc trưng trong đường hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Điều này cho phép dư luận có thể lạc quan thận trọng.

Một là, ông Donald Trump chưa bao giờ nỗ lực trong vấn để kiểm soát vũ trang, vì cá nhân ông tin rằng Mỹ dư sức giành phần thắng trong bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào trước Trung Quốc và Nga. Đó là lý do nước Mỹ dưới thời ông Trump đã hủy hoại gần như toàn bộ nền tảng hợp tác với Nga trong lĩnh vực đặc biệt thiết yếu này. Không những vậy, bước đi của ông Donald Trump còn gây ra những hệ quả tiêu cực cho những mặt hợp tác còn lại trong quan hệ Nga – Mỹ, gây mất ổn định chiến lược toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và đồng cấp người Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngược lại, ông Biden là người ủng hộ nhiệt thành kiểm soát vũ khí, với minh chứng rõ nhất là quyết định gian hạn hiệu lực của Hiệp ước New START ký với Nga. Có lý do để tin rằng, tại Geneva, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ ít nhất cũng sẽ khởi động thảo luận về nghị trình mới cho kiểm soát vũ trang, trong đó có vũ trang hóa không gian, không gian mạng, vũ khí siêu vượt âm, vũ khí tự động sát thương…

Hai là, ông Donald Trump chưa bao giờ tỏ ra hứng thú với các mô thức hợp tác đa phương, cho rằng thiết chế đa phương chỉ phản tác dụng với Mỹ. Ông hoàn toàn tin rằng cá nhân mình có thể một tay giải quyết các vấn đề hóc búa của thế giới, từ xung đột Israel-Palestine cho tới chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden dường như không có quan điểm đó. Ông liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, hiểu rõ rằng hợp tác Mỹ-Nga là nhân tố cần thiết để xử lý nhiều khủng hoảng, xung đột khu vực. Đó là lý do để tin rằng tại Geneva, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có thể sẽ khởi động đối thoại về tình hình Afghanistan, Syria, Triều Tiên hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Rất khó để khẳng định ông Biden sẽ ngay lập tức đạt thỏa thuận với Nga về những chủ đề này, nhưng việc ông và đồng cấp người Nga sẵn sàng thảo luận cũng đã là tín hiệu đáng được hoan nghênh.

Ba là, ông Trump tỏ ra không thích thú với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp và dường như không để ý đến vai trò của ngoại giao trong chính sách đối ngoại. “Cuộc chiến sứ quán” Nga-Mỹ liên quan đến đóng cửa cơ sở ngoại giao, trục xuất nhân viên ngoại giao đã nổ ra trước thời điểm Donald Trump nhậm chức. Nhưng chính ông là người không những không dập tắt, mà còn đẩy cuộc chiến lên tầm mức chưa có tiền lệ.

Đáng buồn là “cuộc chiến sứ quán” vẫn tiếp diễn sau khi ông Trump rời Nhà Trắng. Là người có kinh nghiệm ngoại giao, ông Biden đánh giá cao vai trò của kênh ngoại giao, hiểu ngoại giao có thể thúc đẩy hợp tác tốt hơn. Kết quả cụ thể ở tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva có thể bao gồm việc khôi phục hoạt động đầy đủ của phái bộ ngoại giao ở Washington và Moskva, xây dựng lại mạng lưới các văn phòng lãnh sự vốn gần như bị hủy hoại gần hết trong vài năm trở lại đây.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Moderndiplomacy)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/hoi-nghi-thuong-dinh-mynga-geneva-2021-lieu-co-khac-helsinki-2018-20210607150240642.htm