Hội nghị thượng đỉnh liên Triều: Thông điệp hòa bình - món quà cho toàn thế giới

Những bước chân lịch sử đã mạnh mẽ bước qua đường phân định biên giới giữa hai miền Triều Tiên. Những cái bắt tay nồng ấm và nụ cười thân thiện làm dấy lên hy vọng Bán đảo Triều Tiên sẽ bước sang trang sử mới hòa bình và phi hạt nhân hóa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp lịch sử ngày 27-4-2018

Đó là những cảm nhận đầu tiên khi thế giới được chứng kiến cuộc hội đàm liên Triều lịch sử lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom.

Những bước chân lịch sử

Tờ Washington Post bình luận: “Đó là một khoảnh khắc cực kỳ xúc động với tất cả mọi người”. Tổng thống Hàn Quốc đích thân đến đón nhà lãnh đạo Triều Tiên. Và ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng đầu tiên trong lịch sử bước qua đường phân định biên giới quân sự để vào Hàn Quốc. Trong một động thái bất ngờ, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã mời ông Moon Jae-in bước qua đường ranh giới vào lãnh thổ miền Bắc. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tay trong tay cùng nhau trở lại làng đình chiến để tiến hành các cuộc hội đàm, “gửi thông điệp tới toàn thế giới rằng họ đang cùng nhau khởi xướng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên”.

Sau các nghi lễ mang tính biểu tượng tại đường ranh giới phân định hai miền Triều Tiên, đúng 10h30 (giờ Hàn Quốc) ngày 27-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chính thức bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử. Phát biểu tại cuộc gặp, ông Moon khẳng định chuyến thăm Hàn Quốc của ông Kim đã khiến làng đình chiến Panmunjom trở thành một biểu tượng của hòa bình, chứ không phải của sự chia rẽ. Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã viết vào sổ lưu bút một thông điệp, nhấn mạnh: “Một trang sử mới đã bắt đầu từ nay - từ điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình”.

“Ngày hôm nay, thay vì chỉ tạo ra những kết quả mà chúng ta chưa thể đạt được trong quá khứ, chúng ta cần đạt được những kết quả tốt đẹp bằng việc thẳng thắn nói về những vấn đề trước mắt, những vấn đề về lợi ích”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tôi đồng ý sẽ đạt được việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đó là mục tiêu chung của hai bên”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Hai cuộc gặp cấp cao trong lịch sử giữa lãnh đạo hai miền, được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào các năm 2000 và 2007, đã không thể ngăn chặn chương trình vũ khí và hạt nhân của Triều Tiên, cũng không giúp cải thiện quan hệ song phương theo hướng bền vững, tốt đẹp. Ông Kim Jong-un nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, thay vì chỉ tạo ra những kết quả mà chúng ta chưa thể đạt được trong quá khứ, chúng ta cần đạt được những kết quả tốt đẹp bằng việc thẳng thắn nói về những vấn đề trước mắt, những vấn đề về lợi ích”.

Trong cuộc gặp này, hai bên bàn thảo các vấn đề quan trọng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng; cải thiện quan hệ song phương, giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, vấn đề các gia đình ly tán, thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế, ngoại giao nhân dân...

Hy vọng về một Hiệp ước hòa bình

Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng “Thước đo thành công cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 có thể chỉ dừng lại ở việc trước hết thiết lập lòng tin, sau đó là một chương trình nghị sự có nội dung bao quát lớn”. Nhiều khả năng, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể đạt được sự nhất trí chung về một Hiệp định hòa bình để thay thế hiệp ước đình chiến 1953, mở ra cơ hội hướng tới giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhất trí ra Tuyên bố chung Panmunjom và cùng trồng “cây hòa bình” tại làng đình chiến

Nhân tố quan trọng nhất và cũng là nội dung chính trong phiên họp diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên là việc phi hạt nhân hóa. Tổng thống Hàn Quốc trước đó nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân mà không đi kèm điều kiện. Tuy nhiên, trong chương trình nghị sự được Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA phát đi trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un rời Bình Nhưỡng tới làng đình chiến đã không hề đề cập tới nội dung phi hạt nhân hóa.

Ở đây, cần phải lưu ý sự khác biệt giữa hai miền khi đề cập vấn đề phi hạt nhân hóa. Khi Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc, nói tới phi hạt nhân hóa là đồng nghĩa với việc Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân. Còn Bình Nhưỡng lại muốn đề cập tới phi hạt nhân hóa toàn bộ khu vực với những hệ quả sâu rộng hơn.

Một chuyên gia nghiên cứu cấp cao về chính sách Mỹ - Hàn nhận định Triều Tiên có thể dành vấn đề phi hạt nhân hóa cho cuộc thảo luận riêng với Mỹ, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới. Điều này đồng nghĩa với việc “Hàn Quốc có thể hỗ trợ đối thoại về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên song không thể dẫn dắt cuộc đối thoại này”.

Do đó, trong phạm vi một cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra sau 11 năm căng thẳng quan hệ, để đạt được một định nghĩa về “phi hạt nhân hóa” đầy đủ, được tất cả các bên chấp nhận và có thể kiểm chứng, dường như vẫn là một tham vọng. Điều này cũng phù hợp với thông điệp nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc: “Chúng tôi mong muốn viết nên một chương mới trong quan hệ hai nước. Tôi tin tưởng chúng tôi có thể đạt được một sự khởi đầu mới và đó chính là cam kết tôi mang đến cho hội nghị hôm nay”.

Những hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn đã thực sự được ươm mầm khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau trồng lưu niệm một cây thông, loài cây biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng được người dân hai miền yêu thích, tại làng đình chiến Panmunjom.

Vấn đề ở chỗ, để cây hòa bình có thể vươn lên mạnh mẽ thì việc tiếp xúc, đối thoại liên Triều, hay tương lai là đối thoại Mỹ - Triều đều chỉ là biện pháp chứ không phải mục đích. Để giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân Triều Tiên, các bên cần nhanh chóng tái khởi động Đàm phán 6 bên, bởi đây không chỉ là một cơ chế đa phương, mà còn là một nỗ lực hợp tác an ninh khu vực, nhằm điều phối lợi ích và mối quan tâm của các bên liên quan.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay

Kết thúc hội đàm thượng đỉnh, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã ký Tuyên bố chung Panmunjom, trong đó cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, đồng thời sẽ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay. Hai bên cũng thống nhất nối lại việc đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuyên bố cũng cho biết hai miền Triều Tiên nhất trí tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác, như với Mỹ, đồng thời nhất trí với đề xuất giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn.
Minh Thu (Theo Sputnik)

Hoàng Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-lien-trieu-thong-diep-hoa-binh-mon-qua-cho-toan-the-gioi/765921.antd