Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều: Mong đợi… 'cái bắt tay'

Thế giới vẫn ngập tràn hi vọng cho một nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên sau khi hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều nhất trí 'phi hạt nhân hóa hoàn toàn'.

Hiện nay, mọi con mắt đổ dồn về cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Hội nghị thượng đỉnh này được coi là bước ngoặt lịch sử sau hàng thập niên Mỹ và Triều Tiên đối đầu.

Trên thực tế, Bình Nhưỡng và Washington từng nhiều lần nỗ lực đối thoại, song đều không đạt được kết quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn lạc quan cho rằng những chuyển biến nhanh chóng trong môi trường chính trị khu vực và toàn cầu, cùng phong cách lãnh đạo khác biệt của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tích cực.

Quan hệ thăng trầm

Kể từ sau cuộc chiến đẫm máu trên Bán đảo Triều Tiên 65 năm trước, mối quan hệ Mỹ - Triều luôn trong trạng thái đối đầu, dẫn tới một chặng đường đàm phán đầy chông gai.

Năm 1994, Mỹ và Triều Tiên đã ký kết một thỏa thuận khung, theo đó Triều Tiên nhất trí dừng việc xây dựng 2 lò phản ứng có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ về dầu hỏa và Mỹ sẽ giúp xây dựng 2 lò phản ứng nước nhẹ để sản xuất năng lượng, thay vì nhiên liệu hạt nhân.

Năm 1999, một năm sau vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên, Triều Tiên tuyên bố hoãn các vụ thử trong tương lai. Để đáp lại, Washington nới lỏng lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, thỏa thuận khung sụp đổ vào năm 2002 sau khi Mỹ phát hiện chương trình làm giàu uranium bí mật của Triều Tiên. Mỹ cũng dừng việc vận chuyển dầu cho Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tới được coi là bước ngoặt lịch sử sau hàng thập niên Mỹ và Triều Tiên đối đầu.

Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã diễn ra với các đại diện của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.

Năm 2005, Triều Tiên tuyên bố sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân đang phát triển để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh. Thế nhưng, 1 năm sau, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Nỗ lực đàm phán 6 bên đã sụp đổ vào năm 2009.

Năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền điều hành đất nước. Trong thời gian này, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi chiến lược tăng cường trừng phạt Triều Tiên và gọi đây là “sự kiên nhẫn chiến lược”.

Một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên dường như đã đạt được vào ngày 29-2-2012 khi Bình Nhưỡng cho phép các thanh tra viên quốc tế về vũ khí hạt nhân quay trở lại Triều Tiên và nhất trí dừng các chương trình vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng “chết yểu” sau khi Triều Tiên phóng tên lửa để mang vệ tinh lên quỹ đạo - điều mà Mỹ cho là nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa.

Dưới thời ông Donald Trump, quan hệ Mỹ - Triều càng trở nên căng thẳng. Tổng thống Donald Trump tuyên bố không cho phép Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công vươn tới lãnh thổ nước Mỹ.

Thế nhưng, Triều Tiên liên tiếp thử 2 vụ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tuyên bố “toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa”. Bình Nhưỡng cũng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay.

Điều này đã châm ngòi cho cuộc “khẩu chiến” giữa hai nhà lãnh đạo khi ông Trump dọa trút “hỏa lực và thịnh nộ” và “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên.

Tín hiệu tích cực

Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Triều xuất hiện tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 ở Hàn Quốc. Trong một nỗ lực phá băng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Triều Tiên đồng ý tham dự Thế vận hội PyeongChang. Động thái này giúp giảm nhiệt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ cũng cử 2 đoàn quan chức cấp cao do Ivanka Trump - con gái Tổng thống Trump, và Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu tới Hàn Quốc. Tiếp đó, sự cải thiện trong quan hệ Hàn - Triều đã kéo theo những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Triều.

Vào ngày 8-3, trở về sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng, phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc thông báo tại Washington rằng ông Kim Jong-un mời Tổng thống Trump gặp gỡ vào tháng 5 đồng thời cam kết “không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa hay hạt nhân”.

Giới quan sát nhận định, lý do khiến Bình Nhưỡng đề nghị gặp gỡ có thể là quan điểm cứng rắn của chính quyền Donald Trump cuối cùng cũng khiến Triều Tiên lo ngại phương án sử dụng vũ lực của Washington.

Ngày 21-4, Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng mọi vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời đóng cửa bãi thử hạt nhân. Đa số các nước hoan nghênh tuyên bố này của Bình Nhưỡng, nhưng cũng còn đó những hoài nghi khi Triều Tiên không hứa từ bỏ các vũ khí hạt nhân hiện có.

Bản thân Nhà Trắng cũng xem đây là “tín hiệu tốt”, nhưng cũng nhấn mạnh, như vậy là chưa đủ để thuyết phục. Dù còn nhiều hoài nghi, tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng cũng cho thấy thái độ mềm mỏng hiếm có của nhà lãnh đạo Kim Jong-un như một cách để “lấy điểm” với các nước trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng Mỹ - Triều.

Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế của Triều Tiên đang bị tổn thương do các lệnh trừng phạt, điều đó có nghĩa là ông Kim Jong-un đang tiếp cận cuộc đàm phán này từ một vị thế yếu hơn.

Nhưng có ý kiến cho rằng, khi ông Kim Jong-un đến hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Mỹ, ông đã có nhiều con đường để giành chiến thắng. Tất nhiên, nhiệm vụ ưu tiên là nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nỗ lực để Mỹ đi đến quyết định giảm các biện pháp trừng phạt và từ đó làm lung lay liên minh quân sự Mỹ - Hàn.

Ngoài ra, Triều Tiên có thể “đang kéo dài thời gian” để đạt được một số thỏa thuận hay nhượng bộ từ phía Mỹ, chứ không thể từ bỏ chương trình hạt nhân chỉ sau một vài cuộc hội đàm.

Bởi lẽ, hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên, ngoài sức mạnh răn đe, còn có tác dụng trong việc đưa họ lên ngang hàng với Mỹ, ít nhất là trong cuộc hội đàm song phương sắp tới.

Không nên mừng vội

Sau nhiều tháng công kích lẫn nhau, Mỹ - Triều đã đồng ý ngồi lại để tháo gỡ vướng mắc. Hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt này đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ gặp gỡ trực tiếp một lãnh đạo Triều Tiên. Tổng thống Trump liên tục ca ngợi cuộc gặp được lên kế hoạch này và nhận định đây sẽ là sự kiện “tuyệt vời”.

Lần này, Washington sẽ quyết tâm tránh mắc lại sai lầm rơi vào các cuộc thương lượng kéo dài với Bình Nhưỡng. Tất nhiên, Washington vẫn luôn tìm cách chặn đứng chương trình hạt nhân của Triều Tiên “càng sớm càng tốt” trước khi Bình Nhưỡng đạt đến công nghệ chín muồi.

Triều Tiên cũng có thể đề nghị đình chỉ hoặc giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Mỹ cho rằng, ông Kim Jong-un có khả năng ra quyết định dưới chế độ độc tài và hệ thống chuyên chế. Nước Mỹ dường như tin rằng thuyết phục ông Kim Jong-un là cách tối ưu để tác động đến tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, không nên mừng vội. Việc Washington tuyên bố kiên quyết không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa như “sóng ngầm” có nguy cơ phá hỏng bàn hội đàm thượng đỉnh.

Ngoài ra, còn tồn tại những quan ngại về việc Bình Nhưỡng có thể từ chối từ bỏ các tên lửa tầm trung. Đối với Mỹ, việc yêu cầu Triều Tiên loại bỏ các tên lửa có thể đánh trúng Nhật sẽ là điều khó khăn bởi chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ ra điều kiện Washington rút các căn cứ quân sự khỏi nước Nhật.

Và rồi, các tên lửa tầm trung có khả năng vẫn còn đó trong khi Nhật cùng Mỹ - Hàn phải đặt ưu tiên hàng đầu vào việc phi hạt nhân hóa lâu dài Triều Tiên. Triều Tiên cũng có thể đề nghị đình chỉ hoặc giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, nhưng khả năng Washington và Seoul chấp thuận là điều rất khó xảy ra.

Rõ ràng, trách nhiệm nặng nề đang đổ dồn trên vai Tổng thống Trump. Bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng thận trọng cho rằng “chỉ có thời gian mới có thể trả lời”.

Điều này khiến nhiều chuyên gia khá bi quan về kết quả của cuộc gặp sắp tới khi nhận định ông Trump không có kinh nghiệm ngoại ngao và cũng không phải là nhà đàm phán giỏi. Rủi ro nằm ở chỗ, ông Trump, tự cho rằng mình là một nhà đàm phán giỏi, sẽ đồng ý những vấn đề gây bất lợi cho các bên liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Dù không mấy lạc quan về viễn cảnh phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên trong nay mai, song giới quan sát cho rằng Mỹ - Triều vẫn có thể đạt được một số thành tựu như hai bên cùng nhượng bộ trong một số vấn đề liên quan tới việc tập trận trong khu vực, hay thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa quân đội hai nước.

Sau cùng, việc Mỹ - Triều sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc so với các cuộc tiếp xúc trong quá khứ, mặc dù những yêu cầu do hai bên đưa ra trước khi bước vào bàn đàm phán từ trước đến nay không có sự thay đổi. Mỹ vẫn yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.

Trong khi đó, Triều Tiên kỳ vọng Mỹ đưa ra sự bảo đảm về an ninh, bao gồm cam kết không tấn công Triều Tiên hoặc gây tổn hại tới chính quyền Triều Tiên.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng muốn thay thế thỏa thuận đình chiến tạm thời trên Bán đảo Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình. Nếu điều này diễn ra, đây có thể là bước đầu tiên dẫn tới việc ký kết hiệp ước hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trước khi Mỹ - Triều bình thường hóa quan hệ ngoại giao...

Hồng Hạnh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/3githang__-hoi-nghi-thuong-dinh-lich-su-my-trieu-mong-doi-cai-bat-tay-490513/