Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á lần thứ 10: Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á (ABS) lần thứ 10.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch ABS lần thứ 10 phát biểu tại buổi họp báo.

Đây là sự kiện do Keidanren khởi xướng từ năm 2010 và được tổ chức luân phiên hàng năm tại các nền kinh tế lớn của châu Á. Năm nay, Hội nghị diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao đến từ 12 tổ chức kinh tế chủ chốt của châu Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Việt Nam, Hội nghị ABS lần thứ 10 đã thông qua Bản tuyên bố chung thể hiện cam kết và nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp châu Á nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và thịnh vượng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch ABS lần thứ 10, Hội nghị đã thống nhất sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế trong khu vực là chìa khóa để phát triển bền vững và bao trùm. Đặc biệt, trong thời kỳ kỷ nguyên số với những thay đổi công nghệ mạnh mẽ, sự hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực như: công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, môi trường và tài chính...

Tuyên bố chung của ABS lần thứ 10 có tiêu đề: "Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững". Theo đó, thống nhất 2 nội dung gồm: châu Á kỹ thuật số đề cập tới chiến lược tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển và đổi mới; xây dựng xã hội thông minh về nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, đô thị hóa và môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Châu Á toàn cầu đề cập tới chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại tự do để thúc đẩy tính toàn diện về kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường hợp tác trong khu vực.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức về số hóa và sáng tạo đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội theo nhiều cách khác nhau. Các nền kinh tế châu Á cần cam kết xây dựng một khung chính sách mở và tìm kiếm các cơ hội đến từ cuộc cách mạng đổi mới kỹ thuật số, thúc đẩy việc thực hiện các tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Các cộng đồng doanh nghiệp châu Á cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là với những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội liên quan tới vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và công nghệ xanh cũng như phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Á cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an ninh mạng và nhu cầu tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu, từ cấp độ doanh nghiệp đến Chính phủ.

Liên quan tới phát triển xã hội thông minh để đảm bảo sự phát triển bền vững, ông Lộc cho hay, các doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ để hợp tác trong việc thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất xanh và sử dụng nguồn nước tại các dòng sông. Đây là yếu tố quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi các thành phố châu Á tăng cường giao lưu kết nối và sẻ chia kinh nghiệm trong thực tiễn để xây dựng và phát triển xã hội thông minh.

Về nội dung "Châu Á toàn cầu: Quan hệ đối tác để phát triển toàn diện", tuyên bố chung cũng nêu rõ, dù có một số bất ổn được đưa ra bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc, song cộng đồng doanh nghiệp châu Á cam kết thương mại tự do và cởi mở là lựa chọn tốt nhất để mang lại sự tăng trưởng bền vững và toàn diện, dẫn tới sự thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế trong khu vực châu Á.

Song song đó, các Hiệp hội doanh nghiệp châu Á cũng thống nhất cho rằng, các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ tiếp tục là trụ cột của nhiều nền kinh tế châu Á trong tương lai. Do đó, cần thiết phải khuyến khích các doanh nghiệp siêu nhỏ vận hành để trở thành các doanh nghiệp xuyên biên giới thành công và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời mở rộng khả năng đổi mới thông qua nền kinh tế kỹ thuật số, Internet và nền tảng thương mại điện tử.

Cộng đồng doanh nghiệp châu Á cũng ủng hộ mạnh mẽ và đánh giá cao vai trò quan trọng của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, khuyến khích tăng trưởng thương mại, đặc biệt đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó, cần thiết phải giải quyết ngay cuộc khủng hoảng trong hệ thống giải quyết tranh chấp WTO và cải cách các quy tắc hiện hành của WTO để cập nhật các mô hình kinh doanh hiện đại, nhất là trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực qua việc tăng cường hợp tác khu vực, đồng Chủ tịch ABS lần thứ 10 nhấn mạnh đây là những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển mất cân đối cơ sở hạ tầng giữa các nền kinh tế đang làm chậm dòng chảy hàng hóa và dịch vụ; cản trở thương mại nội khối và liên khu vực. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Á kêu gọi một cơ chế hiệu quả để hỗ trợ hợp tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng; tập trung hơn nữa vào nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm thiểu những thủ tục hành chính phức tạp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án cơ sở hạ tầng.

PV

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-kinh-doanh-chau-a-lan-thu-10-chau-a-sieu-ket-noi-vi-su-phat-trien-ben-vung-102912.html