Hội nghị thượng đỉnh khó khăn của NATO

Ngày 11.7, tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo Châu Âu bước vào hội nghị thượng đỉnh NATO khó khăn nhất trong nhiều năm qua, khi nội bộ liên minh quân sự mạnh nhất thế giới có tuổi đời 50 năm này bị chia rẽ và đối mặt nhiều thử thách hơn bao giờ hết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chống lại sự ngờ vực chứ không phải chủ nghĩa khủng bố có thể là mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự của NATO, khi các thành viên nhóm họp trong 2 ngày 11-12.7, giữa bối cảnh bất đồng sâu sắc giữa Washington và các đồng minh Châu Âu về nhiều vấn đề, từ chi tiêu quốc phòng đến vấn đề thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Trước hội nghị thượng đỉnh NATO, thậm chí, các quan chức Châu Âu còn đặt câu hỏi, liệu liên minh xuyên Đại Tây Dương có thể được duy trì hay không, và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận “mối liên kết xuyên Đại Tây Dương không được tạc trên đá rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi”.

Đóng góp tài chính

Phát biểu tại Brussels ngày 11.7, ông Donald Trump nói rằng, những nỗ lực của ông thúc đẩy các nước NATO đóng góp nhiều hơn cho liên minh vẫn không đủ để bù đắp gánh nặng cho người nộp thuế Mỹ. “Trong năm qua, các nước đã đóng góp khoảng 40 tỉ USD cho NATO nhưng không đủ. Mỹ đang chi quá nhiều trong khi các nước, đặc biệt là một số nước, không đóng góp đủ. Điều này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và chúng tôi sẽ làm cho nó công bằng” - ông Donald Trump nói. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ không ngần ngại có những lời gay gắt khi nói về NATO, tổ chức mà ông gọi là “lỗi thời”. Ông cũng không ngần ngại phát đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ rằng, Washington sẽ không tiếp tục gánh đỡ tất cả như trước đây. Trong năm 2017, Mỹ đã chịu 74% chi tiêu quốc phòng của toàn bộ NATO.

Sau những cảnh báo dồn ép của ông Donald Trump, các nước NATO vội vàng thực hiện cam kết với liên minh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ ký thông qua 1 khoản tăng chi tiêu quốc phòng trị giá 18,8 tỉ USD vào ngày 13.7. Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tuần qua cam kết, Berlin sẽ tăng chi tiêu quốc phòng để đáp mức mục tiêu 2% GDP của NATO. Tuy nhiên, tính đến cuối năm nay, sẽ chỉ có 8 trong số 29 thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

Châu Âu đặt cược với các kế hoạch an ninh

Tổng thống Mỹ đã phàn nàn về NATO kể từ năm 2016 khi ông thực hiện chiến dịch tranh cử và cho biết, Mỹ có thể từ chối cam kết bảo vệ quốc phòng chung vì các nước đồng minh không chịu đóng góp 2% GDP như đã cam kết. Có thông tin, ông Donald Trump muốn rút một phần quân số 35.000 binh sĩ đang đồn trú ở Đức để phản đối việc Berlin không đóng góp ngân sách đầy đủ.

Mối đe dọa thực tế hay giả định này khiến Châu Âu gấp rút đánh giá lại sự khôn ngoan của việc phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ để phòng thủ tập thể. Sự không chắc chắn về cam kết của Washington với an ninh Châu Âu khiến EU phải tự mình thực hiện các biện pháp. Khối này bắt đầu tìm cách tăng sức mạnh quân sự độc lập với NATO trong năm 2017, khi 23/28 nước thành viên EU ký kết hiệp ước quốc phòng có tên “Cơ chế hợp tác thường xuyên” (PESCO), đóng góp 5,8 tỉ USD vào ngân sách quốc phòng chung để mua sắm vũ khí và phục vụ các hoạt động quân sự.

Các nhà lãnh đạo EU đã trấn an đồng minh NATO rằng, PESCO và các dự án quân sự chung của Châu Âu sẽ không vượt mặt hoặc làm suy yếu liên minh quân sự, nhưng sáng kiến này đã làm dấy lên nghi ngờ về sự mất lòng tin. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập “Liên minh phòng thủ Châu Âu chính thức” vào năm 2025, càng đặt ra những câu hỏi về tương lai của NATO trong việc đảm bảo an ninh Châu Âu.

“Không thể có 1 quân đội Châu Âu và NATO tồn tại cạnh nhau. Thách thức lớn tiếp theo là công dân Châu Âu cần phải tìm ra ai là người họ cảm thấy sẽ bảo vệ họ tốt nhất” - cựu lãnh đạo Đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage phát biểu tại 1 phiên tranh luận tuần trước ở Nghị viện Châu Âu. “Quân đội Châu Âu, hay Mỹ, hay NATO? Tôi nghĩ, tôi biết quyết định của mọi người. Chúng ta cũng có thể tìm ra trong hội nghị thượng đỉnh NATO” - ông Farage nói.

Các vấn đề khác

Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng ông có các vấn đề khác muốn thảo luận, không liên quan đến NATO, như quan hệ thương mại với Châu Âu. Ông đã áp đặt thuế quan với sản phẩm nhôm, thép của EU, đồng thời đe dọa áp thuế với ôtô. “Chúng tôi đã mất 151 tỉ USD khi làm ăn với EU” - ông Donald Trump viết trên Twitter, đề cập đến thâm hụt thương mại của Mỹ với EU.

Bên cạnh đó, sẽ ít người ngạc nhiên, nếu các cuộc thảo luận tại thượng đỉnh NATO đề cập đến Nga, với các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, tấn công mạng... Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nga dự kiến vào ngày 16.7 tại thủ đô Helsinki của Phần Lan sẽ được theo dõi sát sao để xem liệu ông Donald Trump sẽ lớn tiếng hay hoan nghênh Tổng thống Vladimir Putin - người đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc rằng, Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

VÂN ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-kho-khan-cua-nato-618120.ldo