Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai: Khoảng cách đã rút ngắn hơn so với một năm trước

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai đã kết thúc tại Hà Nội, mà chưa có được một thỏa thuận chung, nhưng các bên đều đang trên con đường đi tới hòa bình. Trên con đường đó, Việt Nam là một đối tác tin cậy.

Khoảng cách giữa hai bên đã gần hơn

“Không có thỏa thuận nào đạt được trong lần này”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ra thông cáo sau khi lãnh đạo Mỹ - Triều rời khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên ở khách sạn Metropole, Hà Nội vào trưa 28/2.

Trong buổi họp báo ngay sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng thừa nhận, mọi việc không dễ dàng vì còn những khác biệt trong tầm nhìn của Triều Tiên và mong ước của Mỹ. “Nhưng khoảng cách đã gần hơn so với một năm trước”, Tổng thống Donald Trump nói với báo chí.

Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cũng có tin tốt khi các bên mong chờ sẽ gặp lại trong tương lai. “Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc họp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào ngày 27 và 28/2”, thông cáo viết.

Đặc biệt, các nhóm làm việc vẫn đang tiếp tục trong thế hiểu giới hạn của nhau, như cách nói của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Phải thẳng thắn, kết quả trên nằm ngoài kỳ vọng rất lớn của cả thế giới về một thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được ký tại Hà Nội. Nhưng những động thái cho thấy, các bước tiến đến hòa bình của Triều Tiên và cả thế giới dù khó khăn, nhưng đã không còn quá xa.

Chính Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã nói trong cuộc họp báo quốc tế trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên rằng: “Nhiều người hoan nghênh Hội nghị và cũng có nhiều người hoài nghi về cuộc gặp, nhưng tôi chắc chắn, tất cả họ đều đang theo dõi giây phút chúng ta ngồi xuống bên cạnh nhau, như họ đang xem bộ phim viễn tưởng”.

Các bước tiến trong quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên và sự có mặt của hai nhà lãnh đạo tại Hà Nội đã chứng tỏ, nỗ lực của các bên là có thật. Thậm chí, điều ông Donald Trump kỳ vọng về một Triều Tiên sẽ trở thành một thế lực kinh tế không có hạt nhân cũng không còn là bộ phim viễn tưởng…

“Triều Tiên có tiềm năng khổng lồ, khu du lịch rất đẹp. Nằm giữa Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên chắc chắn sẽ trở thành cường quốc kinh tế”, ông Donald Trump đã nói trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.

Việt Nam vẫn là người chiến thắng

Cho dù kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần này thế nào, thì với vai trò chủ nhà, Việt Nam vẫn là người chiến thắng. Tờ nhật báo The Australian của Australia đã viết như vậy khi đề cập những gì mà thế giới đang nhìn thấy ở Việt Nam, về cơ hội quảng bá hình ảnh của Hà Nội, của Việt Nam ra thế giới.

Cả hai chúng tôi đều cảm thấy rất tuyệt vời khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh quan trọng này tại Việt Nam. Bởi vì nước bạn thực sự là một biểu tượng cho những điều tích cực sắp tới. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Không chỉ có một tờ báo của Australia viết về điều này, những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trở thành tâm điểm của nhiều hãng thông tấn hàng đầu thế giới suốt một tuần qua.

Tất nhiên, vị thế chiến thắng của chủ nhà không chỉ bởi những nỗ lực cao nhất mà Chính phủ Việt Nam đã làm, vì sự thành công của Hội nghị. Giới chuyên gia đã phân tích, hình ảnh Việt Nam trong vai trò là nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, một đối tác tin cậy trong các vấn đề quốc tế là lý do để Việt Nam được chọn là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.

Trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói trong bài phát biểu chính thức: “Tôi đã rời Air Force One đêm qua. Xe của tôi di chuyển trên đường lớn. Tôi thấy các tòa nhà đang được xây dựng, thấy Việt Nam đang phát triển mạnh như thế nào”.

Ông cũng nhắc tới những số liệu của nền kinh tế đang ở trạng thái tốt nhất từ trước đến giờ, tới những thỏa thuận thương mại lớn đã ký giữa các doanh nghiệp hai nước trong lần thăm Việt Nam vào năm ngoái và lần này. “Các bạn sẽ nhập khẩu rất nhiều sản phẩm khác nhau từ Hoa Kỳ, điều mà chúng tôi đánh giá cao”, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhấn mạnh.

Với chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại, Tổng thống Donald Trump chắc hẳn nhìn thấy cơ hội kinh doanh rất lớn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Chỉ riêng các hợp đồng được ký với sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên tới 21 tỷ USD.

Cho tới thời điểm này, sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 1995, Việt Nam đã là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ. Năm 2018, kim ngạch hai chiều đạt trên 60 tỷ USD, tăng 133 lần so với con số 450 triệu USD vào năm 1995, trong đó xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng 46%. Vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam lũy kế đến tháng 2/2019 đạt khoảng 9 tỷ USD, với 920 dự án…

Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều và đây là thời điểm để chứng minh điều đó với ông và cả thế giới. Đó là lý do tại sao chúng ta đang ở Hà Nội cùng nhau và có một cuộc gặp này.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un

Nhưng, các con số này sẽ rất nhanh lạc hậu. Thông tin từ cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy, các cơ chế hợp tác mới đang được đặt ra thảo luận, nhất là khả năng nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ thương mại - đầu tư, phù hợp với sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại và tính chất của quan hệ Đối tác toàn diện.

Phải nhắc lại, dù thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ tính từ năm 1995, nhưng Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) thực sự tạo nên những bước đột phá trong quan hệ hai nước, cũng như trong tiến trình mở cửa và cải cách của Việt Nam.

Lấy ví dụ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Trần Toàn Thắng, chuyên gia kinh tế quốc tế của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) muốn nhắc tới kỳ vọng vào những cơ hội mới với nhiều đối tác lớn của Việt Nam sẽ xuất hiện, hoặc những cam kết đang được bàn thảo sẽ nhanh được hiện thực hóa.

“Cũng cần chú ý là, xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thu hút FDI, cũng như cải thiện thương mại với các đối tác khác. Chính vì vậy, có thể nói ‘hàm lượng Hoa Kỳ’ trong kinh tế Việt Nam là lớn, không chỉ nhìn ở con số nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ hoặc đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thậm chí, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược còn nhìn tới khả năng Việt Nam sẽ trở thành mô hình phát triển với nhiều điểm tương đồng mà Triều Tiên có thể nghiên cứu. “Tôi đã nói điều này khi trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn của Hàn Quốc. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vì lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân Việt Nam, để Việt Nam mở cửa, hội nhập”, ông Lược chia sẻ.

Nhưng điều cốt lõi, theo đánh giá của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cái được lớn nhất của Việt Nam là uy tín và vị thế của Việt Nam với thế giới. “Hơn 3.000 phóng viên và các hãng truyền thông thế giới đến đây, họ không chỉ đưa tin về Hội nghị, mà còn truyền thông về Việt Nam. Tôi tin rằng, những luồng đầu tư, giao dịch trao đổi kinh tế, văn hóa, du lịch sắp tới sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Vinh nói.

Theo Bảo Duybaodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-tri/hoi-nghi-thuong-dinh-hoa-ky-trieu-tien-lan-thu-hai-khoang-cach-da-rut-ngan-hon-so-voi-mot-nam-truoc-258575.html