Hội nghị thượng đỉnh G7: Những vấn đề nổi cộm

Cuối tuần này, lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh thường niên diễn ra ở Biarritz, Pháp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người sẽ chủ trì hội nghị, mong đợi sự kiện lớn này sẽ là cơ hội để xốc lại chủ nghĩa đa phương, khuyến khích dân chủ và kiểm soát tiến trình toàn cầu hóa vì mục tiêu đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng lợi.

Theo phân tích của Tạp chí Chính trị Thế Giới (World Politics Review), hội nghị lần này sẽ cho thấy những sai lầm liên quan tới kinh tế, chính trị, hệ tư tưởng đã đe dọa tới tình đoàn kết của phương Tây và đe dọa cả tiến trình hợp tác quốc tế như thế nào.

Vào năm 2014, nhóm G7 đã chứng kiến một điều bất ngờ: Nga sáp nhập Crimea và sau đó bị loại ra khỏi nhóm G8. Những nước còn lại mong muốn tiếp tục đảm trách vai trò một thời của mình là diễn đàn kín điều phối chính sách giữa các nước dân chủ có cùng chung chí hướng, có thị trường phát triển cấp cao, và đương nhiên có sự khác biệt với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vốn cồng kềnh và không đồng nhất.

Tuy nhiên, viễn cảnh khả quan ấy tất nhiên đã không xảy ra. Giữa lúc đó, thế giới lại chứng kiến cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), và kéo theo đó là những bất ổn và tác động liên quan đến tiến trình này. Kế đến, ông Donald Trump lên giữ chức Tổng thống Mỹ, và quan điểm đi ngược lại toàn cầu hóa nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu.

Những rạn nứt và quan ngại từ hàng loạt những sự kiện như vậy đã làm suy yếu sức mạnh ngoại giao của một nhóm nước mà mới cách đây ba thập kỷ chiếm tới 70% GDP của cả thế giới. Ngày nay, các nước G7 chỉ chiếm 50% GDP thế giới.

Sự kiện ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã đem lại nhiều thay đổi. Khi tham dự Hội nghị G7 ở Sicily, Italy lần đầu tiên năm 2017, ông Trump đã phủ nhận sự ủng hộ bấy lâu nay của nước Mỹ đối với thương mại tự do và tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và ông đã làm vậy không lâu sau đó.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Charlevoix, Canada. Ông Trump đã từ chối ký bản thông cáo chung mà việc đó vốn là một thông lệ vô hại.

Năm nay, Chính phủ Pháp cũng có thể phải chuẩn bị tinh thần với những diễn biến tương tự khi muốn đưa vào hội nghị thượng đỉnh những mục tiêu đầy tham vọng của ông Macron, mà một trong những mục tiêu trung tâm là giải quyết những ảnh hưởng không mong muốn của quá trình toàn cầu hóa.

Chính phủ Pháp giải thích rằng: “Ưu tiên của chúng tôi là đấu tranh chống bất bình đẳng. Mục tiêu là kiểm soát tốt hơn vấn đề toàn cầu hóa để không ai bị bỏ lại phía sau.”

Nội các của ông Macron đã xác định 5 lĩnh vực mà các thành viên G7 có thể hợp tác nhằm ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.

Đó là tăng cơ hội phát triển kinh tế cho người dân bất kể nguồn gốc và giới tính; giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu đang xuống cấp hiện đang ảnh hưởng tới những nhóm cộng đồng yếm thế; chống bất ổn an ninh, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố khiến xã hội bị cuốn vào những vòng xoáy bạo lực; ngày càng làm chủ công nghệ kỹ thuật số và phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người là trung tâm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đối tác G7 và châu Phi để châu lục này có cơ hội được chia sẻ một phần sự thịnh vượng của toàn cầu.

Chính phủ Pháp cũng cam kết sẽ cải tổ mô hình G7 để tổ chức này không chỉ là những cuộc họp kín giữa các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo nhà nước.

Trong 8 tháng vừa qua, nước Pháp đã vận động kêu gọi ý kiến đóng góp từ nhiều thành phần trong xã hội, đó là phụ nữ, thanh niên, người lao động, giới kinh doanh, giới học giả, các nhà khoa học và đại diện các tổ chức dân sự cũng như các chuyên gia nhiều lĩnh vực.

Bình đẳng giới luôn là vấn đề cực kỳ quan trọng và Pháp đã tiếp nối Canada, nước chủ nhà G7 năm ngoái, đưa ra cam kết về một “chính sách đối ngoại vì quyền bình đẳng của phụ nữ.”

Danh sách khách mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 của ông Macron cũng được mở rộng, phản ánh đúng niềm tin rằng “thời mà một số nước giàu có thể định hình sự cân bằng của thế giới đã qua từ khá lâu”.

Những hoạt động thực chất của hội nghị thượng đỉnh này, như thường lệ, có lẽ sẽ không được phản ánh qua chương trình nghị sự chính thức mà nằm ở những vấn đề chính trị, kinh tế, địa chính trị mà các nước lớn phải đối mặt và những sự kiện này lại thường diễn ra bên lề. Sau đây là một số vấn đề đáng chú ý:

Các cuộc chiến tranh thương mại: Các đối tác G7 của Mỹ mong muốn chứng kiến những dấu hiệu ngừng chiến trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vốn khiến các thị trường tài chính chao đảo thời gian qua.

Những mối nguy cơ về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn dần và ngay lúc này nước Đức đang đứng bên bờ vực suy thoái. Gần đây, Chính quyền của ông Trump lại nhằm vào rượu vang xuất khẩu của Pháp để trả đũa quyết định của Pháp áp thuế 3% với hàng công nghệ kỹ thuật số và như vậy, làm ảnh hưởng tới một số công ty công nghệ lớn của Mỹ.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, có lẽ việc đưa ra một tuyên bố ủng hộ cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quy định thương mại mới chống lại những biến tướng của thị trường cũng khó có thể thực hiện.

Kết cục Brexit và tương lai châu Âu: Tổng thống Trump dự kiến có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson nhân Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, đồng thời thúc giục ông Johnson theo hướng không đạt được thỏa thuận Brexit.

Toàn cầu hóa kỹ thuật số: Tại cuộc họp giữa tháng Bảy ở Chantilly, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng đã giám sát kế hoạch phát hành đồng tiền số Libra của Facebook, bởi họ đều cho rằng đồng Libra là mối nguy tiềm ẩn đối với chủ quyền quốc gia và chức năng của hệ thống tiền tệ thế giới.

Các quan chức cũng sẽ thảo luận sự cần thiết đánh thuế công bằng hơn với các công ty công nghệ đa quốc gia vốn thường trốn thuế thông qua việc chuyển dịch lợi nhuận.

Tuy nhiên, vấn đề nói trên có khả năng sẽ ít được đề cập đến tại hội nghị thượng đỉnh lần này, bởi cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang nóng, chưa kể mức thuế mới đối với rượu vang Pháp mà ông Trump định dùng để trả đũa thuế công nghệ kỹ thuật số của Pháp.

Hành động chống biến đổi khí hậu: Kể từ khi ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 6/2017, ông Macron lại trở thành người công khai ủng hộ hiệp định này nhất, cũng như kêu gọi thế giới đoàn kết để đạt được mục tiêu nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Chắc chắn Tổng thống Pháp sẽ hối thúc G7 đưa ra cam kết chắc chắn về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn đại dương, dù ông Trump có muốn đứng ngoài cuộc./.

Hải Vân (TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g7-nhung-van-de-noi-com/131959.html