Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản và những kỳ vọng

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo kinh tế G20 sẽ được tổ chức tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6. Đây là hội nghị quốc tế quan trọng với hai loạt sự kiện là hội nghị nhóm G20 và các cuộc họp song phương bên lề. Đặc biệt cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump - giả sử điều đó xảy ra- đang và sẽ thu hút sự chú ý của thế giới.

Mặc dù kỳ vọng được giữ ở mức thấp cho cả hai sự kiện, nhưng sự thành công của mỗi sự kiện sẽ được đo lường bằng hai yếu tố, đó là: có giải quyết được các vấn đề hiện tại hay không và có đặt ra một chương trình nghị sự đáng tin cậy cho tiến trình trong tương lai hay không.

Có rất nhiều vấn đề thảo luận trong sự kiện chính. Đầu tiên và quan trọng nhất là những rủi ro đối với mục tiêu trung tâm của G20 là "tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”. Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, đã gọi triển vọng toàn cầu hiện tại là “mỏng manh và sự phục hồi bấp bênh”, đặc biệt quan tâm đến căng thẳng thương mại.

Mới đây, IMF ước tính rằng thuế quan trả đũa do Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa của nhau có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu tới 0,5% (tương đương khoảng 455 tỷ USD, lớn hơn cả nền kinh tế Nam Phi). Vì nhiều lý do, đây không phải là một chủ đề dễ dàng cho G20. Thứ nhất, ý nghĩa về mục tiêu chung đưa các nhà lãnh đạo lại gần với nhau giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 phần lớn đã tan biến. Thứ hai, không gian mà các nước lớn dành cho chính sách tài khóa hoặc tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng bị hạn chế nghiêm trọng bởi tình trạng nợ nần và lãi suất thấp.

Cùng với các nội dung này là phản ứng từ việc chính quyền Mỹ áp thuế quan hoặc đe dọa áp thuế đối với đa số thành viên G20, và quan điểm của Mỹ đã đưa WTO đến bờ vực nguy hiểm, sự bất đồng về tác động của các hành động này đối với tăng trưởng. Tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 ở Fukuoka hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy tranh chấp với Trung Quốc đang làm chậm nền kinh tế Mỹ. Trong khi hội nghị thượng đỉnh tại Osaka không có khả năng giải quyết vấn đề thương mại, nhiều người cho rằng có thể hy vọng vào kết quả như của hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 12/2018 tại Argentina.

Trong thông cáo tại Buenos Aires, các nhà lãnh đạo G20 đã lưu ý trong một đoạn ngắn rằng thương mại và đầu tư là động cơ quan trọng của tăng trưởng, năng suất, đổi mới, tạo việc làm và phát triển. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi cải cách cần thiết WTO. Osaka sẽ đánh dấu một bước tiến nếu xác định các ưu tiên cụ thể cho cải cách, có thể bao gồm cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp và đòi hỏi sự minh bạch cao hơn xung quanh các chính sách thương mại như trợ cấp. Các nhà lãnh đạo nên giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng thương mại với việc đạt được thỏa thuận trong hội nghị bộ trưởng tiếp theo của WTO dự kiến vào tháng 6 năm 2020 tại Kazakhstan.

Nước chủ nhà Nhật Bản đã đưa ra một số vấn đề khác cho Osaka, nơi G20 có thể đóng một vai trò hữu ích trong thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu. Một là cơ sở hạ tầng toàn cầu, nơi Nhật Bản có thể đưa ra một bộ nguyên tắc G20 cho đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, bao gồm các vấn đề quan trọng như bền vững nợ, bảo vệ xã hội và môi trường và tăng cường quản trị. Điều đáng khích lệ là các bộ trưởng tài chính G20 - bao gồm cả Trung Quốc - đã tán thành các nguyên tắc tại phiên họp đầu tháng 6. Ưu tiên khác của Nhật Bản là quản trị dữ liệu.

Trong một bài phát biểu tại Davos hồi tháng 1, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra khái niệm luồng dữ liệu tự do với sự tin tưởng và mong muốn hội nghị thượng đỉnh Osaka G20 được nhớ đến khi bắt đầu các cuộc đối thoại toàn cầu về chủ đề này. Do sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận giữa và thậm chí bên trong Mỹ, châu Âu và Trung Quốc về quyền bảo mật dữ liệu, nội địa hóa và các vấn đề liên quan, không thể đạt được sự đồng thuận tại Osaka. Nhưng Nhật Bản đã xác định được một vấn đề quan trọng và G20 có thể đóng góp giá trị bằng cách đưa vào chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu. Các ưu tiên khác của Nhật Bản cho hội nghị thượng đỉnh G20 bao gồm hợp tác quốc tế về toàn cầu, vấn đề già hóa dân số, tiền điện tử và tránh thuế. Rất ít giải pháp cho những vấn đề này có thể sẽ xuất hiện tại Osaka, nhưng một lần nữa lại có giá trị thiết lập chương trình nghị sự cho các nhà lãnh đạo trong các cuộc đối thoại sau đó.

Tuy nhiên, đối với tất cả những nỗ lực đầy tham vọng của Tokyo, điều mà thế giới đang chờ đợi từ lâu là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề G20. Câu hỏi lớn là liệu hai nhà lãnh đạo có thể đảo ngược sự xuống cấp mạnh mẽ trong quan hệ song phương kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại bị phá vỡ vào đầu tháng 5.

Tổng thống Trump đã tăng mức thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, đưa ra các thủ tục áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD còn lại của Trung Quốc và gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách tăng thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ và lập danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy. Nước này cũng ngụ ý rằng có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm, các khoáng sản quan trọng của sản xuất toàn cầu mà Trung Quốc hiện đang thống trị.

Một thỏa thuận Mỹ-Trung về thương mại tại Osaka là có thể vì cả hai bên đều có động cơ để xoa dịu tranh chấp. Thuế quan đang làm phức tạp việc quản lý của Bắc Kinh về một nền kinh tế đang chậm lại và đặt ra câu hỏi về khả năng kiểm soát mối quan hệ quan trọng. Còn Tổng thống Trump phải đối mặt với sự biến động của thị trường chứng khoán, dữ liệu kinh tế và gia tăng sự tổn thương cho những đối tượng cốt lõi trong chiến thuật thuế quan.

Thỏa thuận với Mexico trước đó vào tháng 6 là ví dụ mới nhất về xu hướng các thỏa thuận nhanh chóng nhưng đáng ngờ về giá trị trong dài hạn. Các nhà phân tích cho rằng có thể sẽ dẫn đến một đợt thuế quan mới, và nhiều khả năng là một kết quả tương tự như tại Buenos Aires vào tháng 12 năm ngoái, theo đó hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung thống nhất tạm thời ngừng chiến trong khi các nhà đàm phán làm việc về một thỏa thuận. Điều này có thể sẽ trì hoãn những tác động tồi tệ nhất của sự leo thang hiện tại nhưng khó có thể giải quyết được sự rạn nứt sâu sắc và nguy hiểm trong quan hệ Mỹ-Trung.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g20-tai-nhat-ban-va-nhung-ky-vong-121227.html