Hội nghị thượng đỉnh G20: Căng thẳng và kỳ vọng

Trong bối cảnh thế giới đang tồn tại nhiều căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay được trông đợi là nơi để các bên giải quyết những bất đồng và kiểm soát căng thẳng.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nước thành viên vẫn đang thảo luận căng thẳng để có thể đạt được một thỏa thuận trong các vấn đề then chốt như thương mại, di cư và biến đổi khi hậu trước khi các lãnh đạo G20 chính thức nhóm họp vào ngày 30/11.

Việc Mỹ quyết tâm buộc Trung Quốc phải "hành động thay đổi" như tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 ở Papua New Guinea mới đây, trong khi Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chính sách thương mại của mình, khiến dư luận lo ngại về những tác động tới sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20.

Chính vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới bên lề hội nghị G20 tại Argentina được kì vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay. Mặc dù giới quan sát cho rằng cuộc gặp này khó có thể giải quyết ngay lập tức những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, song đây có thể sẽ là một tín hiệu tích cực hướng tới tương lai.

Một phiên họp trong khuôn khổ G20 năm 2018.

Một sự kiện khác trong khuôn khổ hội nghị lần này cũng thu hút sự quan tâm của dư luận là những căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau sự cố trên biển Azov. Tổng thống Mỹ Trump đã chính thức tuyên bố hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin cho dù phía Nga vẫn khẳng định đây là cơ hội cần thiết đối với cả hai bên để giải quyết những bất đồng trong một loạt vấn đề.

Một nguồn tin của Chính phủ Đức khi đề cập tới khả năng thông qua một tuyên bố chung của hội nghị đã thừa nhận “đây không phải là năm tốt đẹp đối với chủ nghĩa đa phương”, đồng thời khẳng định các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra một cách hết sức khó khăn.

Mặc dù không chỉ rõ những điểm vướng mắc song giới quan sát đều nhận định đó chính là cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Cùng với đó, sự “thờ ơ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với vấn đề Trái đất nóng lên cũng khiến cho dư luận e ngại về khả năng các nền kinh tế thành viên đạt được sự đồng thuận trong văn kiện cuối cùng của hội nghị.

Một quan chức giấu tên cho biết, sau hơn 2 ngày đàm phán gần như liên tục, vẫn còn nhiều tranh cãi về các vấn đề liên quan và đến nay các bên mới chỉ thống nhất được gần 2/3 số nội dung của tuyên bố chung. Các vấn đề vẫn đang còn bỏ ngỏ và chưa đạt được sự đồng thuận bao gồm thương mại, khí hậu, di cư, người tị nạn và chủ nghĩa đa phương.

Trong bối cảnh đó, mặc dù còn một số chủ đề cơ bản khác được nước chủ nhà Argentina đề xuất và các nền kinh tế thành viên G20 thống nhất thảo luận tại hội nghị lần này như tương lai của việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển hay tương lai của lương thực bền vững, song giới quan sát đều cho rằng những vấn đề liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu và một số căng thẳng mang tính song phương nhưng có khả năng tác động lớn tới cục diện thế giới mới thực sự là những chủ đề “nóng” trong 2 ngày diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires.

Nước chủ nhà Argentina nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận tại một diễn đàn đa phương như G20, song sự chia rẽ trong các vấn đề toàn cầu cho thấy con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.

PV Đài THVN thường trú tại Mỹ đưa tin trước giờ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20

Ông Nicolas Dujovne - Lãnh đạo nhóm Bộ trưởng tài chính G20 - Bộ trưởng Tài chính Argentina nhận định: "Chúng ta ngay bây giờ đang đối mặt với những căng thẳng thương mại giữa các thành viên G20. G20 có thể cung cấp diễn đàn cho việc thảo luận nhưng một phần của những căng thẳng này phải được các thành viên G20 giải quyết với nhau".

Một vấn đề khác là biến đổi khí hậu, một chủ đề quan trọng, nhưng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, quốc gia thành viên G20 có tiếng nói quyết định tới tiến trình lại không tỏ ra mặn mà.

Ông Satya Tripathi - Trưởng Cơ quan môi trường LHQ tại New York khẳng định: "Rõ ràng, các nước G20 chiếm tới khoảng 80% khí thải trên toàn cầu đã không đi theo đúng lộ trình triển khai cam kết của chính họ về giảm khí thải".

Thượng đỉnh G20 là diễn đàn đa phương nhưng mọi sự chú ý lần này lại tập trung vào các cuộc gặp song phương như song phương Mỹ - Nga và Mỹ - Trung. Nhiều vấn đề nóng sẽ được đưa ra bàn thảo như căng thẳng thương mại; xung đột Nga - Ukraine, vụ nhà báo Saudi Arabia bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia chính trị quốc tế Pedro Brieger dự đoán: "Tôi nghĩ rằng mọi sự chú ý đổ dồn về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề G20 do căng thẳng thương mại giữa hai bên đã lên tới đỉnh điểm".

Căng thẳng Mỹ - Trung cũng được coi là một lý do chính khiến Hội nghị cấp cao APEC hơn 10 ngày trước kết thúc mà không ra được một tuyên bố chung.

Báo chí trước giờ khai mạc thượng đỉnh G20 dẫn lời một số quan chức chủ nhà Argentina nói rằng, họ sẽ rất hài lòng nếu kết thúc hai ngày hội nghị, G20 ra được một tuyên bố chung, dù tuyên bố chung đó chỉ bàn về chuyện thời tiết ở Thủ đô Buenos Aires mà không cần phải đề cập tới thương mại hay biến đổi khí hậu. Rõ ràng là, họ có lý do để nói như vậy.

Theo TTXVN/VTV

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/hoi-nghi-thuong-dinh-g20-cang-thang-va-ky-vong-278568.html