Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc: Cân bằng quan hệ đối tác

Trái với những dự đoán ban đầu không mấy lạc quan, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ) đã đạt nhiều kết quả, được đánh giá là mang tính đột phá và đầy triển vọng cho quan hệ hợp tác song phương trên hàng loạt lĩnh vực.

Giới phân tích tiếp tục đánh giá tích cực về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên

 Việc đạt được Tuyên bố chung được đánh giá là thành công của Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 21.

Việc đạt được Tuyên bố chung được đánh giá là thành công của Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 21.

Cuộc họp thường niên với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các quan chức hàng đầu của EU cũng có ý nghĩa như một phép thử cho mối quan hệ giữa thị trường hơn 1 tỷ dân với khối giao dịch thương mại lớn nhất thế giới.

Trước khi hội nghị bắt đầu đã xuất hiện những lo ngại về việc sự kiện tại Brussels có thể kết thúc mà không có tuyên bố nào được ký kết. Điều này xuất phát từ thực tế dù đã nỗ lực trong nhiều tuần song đến sát ngày khai mạc, hai bên vẫn không thể đi đến thống nhất và phê duyệt dự thảo văn bản cuối cùng. Các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục cho tới khi hội nghị chính thức diễn ra chiều 9-4.

Bất đồng lớn nhất là việc EU yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tình trạng trợ giá công nghiệp và ép buộc chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ mở cửa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các công ty EU khi tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Đây là những vấn đề mà người khổng lồ châu Á vẫn chưa đưa ra nhượng bộ đáng kể. Bên cạnh đó, hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh EU đang ở “thế khó” trước những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sự kiện liên quan đến tập đoàn Huawei khi Washington không muốn các đồng minh truyền thống có quan hệ kinh doanh với tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, dẫu có những khác biệt, EU vẫn duy trì quan điểm đối thoại hơn là phát động chiến tranh thương mại.

Trước những khó khăn đó, tuyên bố chung được lãnh đạo các bên thống nhất ký kết vào phút chót được xem là thành quả đáng ghi nhận của hội nghị. Văn kiện dài 7 trang tái khẳng định việc thực hiện chặt chẽ Chương trình hợp tác chiến lược Trung Quốc - châu Âu đến năm 2020, hướng tới xây dựng sự tin cậy, hiểu biết và mối quan hệ cùng có lợi; cam kết tiếp cận thị trường rộng rãi và thuận tiện hơn, không phân biệt đối xử; đồng thời đề cập tới việc phát triển mạng 5G trở thành xương sống cho phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai. Bên cạnh tuyên bố chung thể hiện quan hệ hợp tác sâu rộng, hàng loạt văn kiện mang tính nền tảng về kiểm soát trợ cấp chính phủ, hệ thống giám sát cạnh tranh, hợp tác năng lượng… cũng đã được thông qua.

Điểm đáng chú ý trong những thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo đạt được lần này là việc Bắc Kinh và Brussels đều đồng ý không ép buộc chuyển giao công nghệ - vấn đề chính gây khúc mắc giữa hai bên. Cả hai cũng khẳng định sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp, không phân biệt, mở và công bằng với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là nền tảng cốt lõi. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý tham gia cùng EU trong việc cải cách WTO và tiến trình này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc còn Trung Quốc cũng là thị trường hàng hóa và dịch vụ lớn thứ hai của châu Âu sau Mỹ. Việc tái cân bằng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, hướng tới sự bình đẳng và công bằng trong xâm nhập thị trường là ưu tiên của Lục địa già khi những ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng mở rộng.

Cam kết về mở cửa kinh tế và tăng cường quan hệ với EU mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra tại hội nghị được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá là thành công bước đầu trong việc triển khai thực chất các thỏa thuận chung, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương phù hợp với các quy tắc và luật lệ quốc tế.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/931864/hoi-nghi-thuong-dinh-eu---trung-quoc-can-bang-quan-he-doi-tac