Hội nghị thượng đỉnh EU: Điều chỉnh chiến lược chung để đối mặt với đại dịch COVID-19

Ngày 25/2, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khai mạc, trong đó 27 nước thảo luận về cách tiếp cận chung được áp dụng khi đối mặt với các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Đây là cơ hội cho các lãnh đạo châu Âu giải quyết chiến lược vắc xin của khối, hạn chế việc di chuyển tự do của người dân, lưu thông hàng hóa và dịch vụ.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo EU khai mạc hôm 25/2

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo EU khai mạc hôm 25/2

Trong chương trình nghị sự của hội nghị, vấn đề chi phối bao trùm là làm thế nào để giúp chấm dứt đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho hay ưu tiên vẫn là tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn EU, trong đó tập trung vào quá trình cấp phép cũng như sản xuất và phân phối vắc xin. Ông Michel nhấn mạnh rằng vấn đề trong cung ứng vắc xin là có thể dự đoán được và các công ty dược phẩm tôn trọng các cam kết của họ. Chủ đề này sẽ được thảo luận song song tại Nghị viện châu Âu.

Lãnh đạo 27 nước đang xem xét một đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc thành lập vào năm 2023 một cơ quan mới, tương đương với Cơ quan nghiên cứu và phát triển nâng cao trong y sinh (BARDA) ở Mỹ, được gọi là Cơ quan ứng phó khẩn cấp y tế (HERA). Cơ quan mới này sẽ "giúp các nhà sản xuất phát triển vắc xin chống lại các biến thể".

Các lãnh đạo EU cảnh báo rằng các hạn chế chặt chẽ trong đi lại vẫn phải duy trì trong bối cảnh khối này đang nỗ lực để đưa chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 vào đúng quỹ đạo. Các lãnh đạo EU thừa nhận sẽ mất vài tháng chứ không phải vài tuần, để đảm bảo đủ nguồn cung vắc xin.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, từng là bác sĩ y khoa trước khi chuyển sang làm chính trị, cho biết biến thể B117 của virus ở Anh hiện đã có mặt ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU, trong khi biến thể Nam Phi được ghi nhận ở 14 quốc gia thành viên và biến thể ở Brazil xuất hiện tại 7 quốc gia. Đây là những biến chủng có khả năng lây nhiễm cao khiến các quan chức y tế cộng đồng lo lắng. Vì vậy, rất nhiều thách thức đang được đặt ra ở phía trước.

Sự thiếu hụt về số lượng vắc xin dự tính được chuyển giao trong quý đầu tiên của năm - sau khi tập đoàn dược phẩm khổng lồ AstraZeneca của Anh-Thụy Điển giảm đáng kể mức độ cam kết - đã khiến chiến lược tiêm chủng của Brussels suy yếu. Các Giám đốc điều hành dược phẩm, trong đó có ông Pascal Soriot của AstraZeneca, đã hứa tại một phiên làm việc với Nghị viện châu Âu là sẽ làm tốt hơn để các thuốc mới và vắc xin mới được đưa ra thị trường.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết cố gắng áp dụng một chiến lược chung khi đối mặt với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Theo đó, các lãnh đạo châu Âu tập trung thảo luận về những biện pháp hạn chế của một số quốc gia siết chặt hoạt động di chuyển qua lại biên giới, khả năng thiết lập chứng chỉ tiêm chủng ở châu Âu và việc cung cấp vắc xin cho các nước thứ ba, đặc biệt là ở châu Phi.

Một số nhà lãnh đạo mong muốn châu Âu phát triển một hình thức được gọi là "hộ chiếu xanh" để cho phép những người đã tiêm chủng có thể lấy lại cuộc sống bình thường. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Nhưng Chủ tịch EC von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng sẽ cần ít nhất là 3 tháng để có thể triển khai kế hoạch trên. Bà Merkel nói rằng trong thời gian đó, nhiều quốc gia thành viên có thể cấp thẻ vắc xin quốc gia và những thẻ này sẽ phải tương thích "thông qua một cổng ở cấp độ châu Âu" để có thể đi du lịch với nhiều thông tin hơn. Nhưng bà cảnh báo rằng điều này không có nghĩa là những người không có hộ chiếu vắc xin sẽ không được phép đi du lịch.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nếu tất cả người dân đều chưa được tiếp cận với vắc xin, một chứng nhận như vậy sẽ không mang lại cho những người được tiêm chủng các quyền đặc biệt. Ông Macron chỉ ra rằng vắc xin trước hết dành cho người già và dễ bị tổn thương, đồng thời nhấn mạnh rằng ông sẽ không để giới trẻ bị phân biệt đối xử khi đi du lịch. Ông cho biết sẽ không bao giờ cho phép một người có thể đến quốc gia này hay quốc gia khác mà chỉ phụ thuộc vào một hay một số loại chứng chỉ.

Bất chấp những lo ngại dai dẳng rằng một số quốc gia đang thiếu hàng triệu liều vắc xin trong quá trình tiêm, Chủ tịch von der Leyen vẫn trung thành với mục tiêu là có 70% người trưởng thành ở EU được tiêm chủng đầy đủ vào giữa tháng 9. Bà chia sẻ các số liệu được công bố trong Hội nghị thượng đỉnh cho thấy từ nay đến cuối tháng 6, EU sẽ nhận được tổng cộng gần 600 triệu liều vắc xin. Điều này sẽ đủ để tiêm hai mũi cho 255 triệu người trưởng thành của EU, nếu lịch trình giao hàng đã hứa được thực hiện nghiêm túc. Bà von der Leyen còn cho biết rằng cho đến nay, khoảng 6,4% trên tổng số 450 triệu người dân EU đã nhận được ít nhất một mũi tiêm. Nếu ngoại trừ trẻ em và thanh thiếu niên, thì con số đó tương đương với 8% dân số trưởng thành của EU.

Brussels cũng lo ngại trước sự xuất hiện của các biến thể và tình trạng trên có thể đòi hỏi các mũi tiêm nhắc lại, điều đó cũng đồng nghĩa với việc giấy chứng nhận vắc xin sẽ phải được cập nhật liên tục.

Một cuộc tranh cãi cũng đang diễn ra xung quanh những hạn chế về biên giới do một số quốc gia EU đưa ra nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus, điều mà EC coi là không cân xứng. EC đã viết thư cảnh báo cho Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển về các biện pháp siết chặt biên giới mà các quốc gia này đang áp dụng và gia hạn cho họ thời gian trả lời đến cuối tuần tới.

Hà Anh

(Theo Guardian, BBC)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-eu-dieu-chinh-chien-luoc-chung-de-doi-mat-voi-dai-dich-covid-19-n187352.html