Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến pháp luật khu vực phía Nam

Ngày 22-23/4/2019, tại thành phố Sóc Trăng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tham dự Hội nghị có gần 100 đại biểu là đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo, công chức Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp huyện của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) và đại diện Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam, giảng viên Trường Trung cấp luật Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị, cùng tham dự có các báo cáo viên trong và ngoài Bộ: Tiến sỹ Vũ Hoài Phương - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thạc sỹ Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Giang - Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.

Lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và trả lời kiến nghị của đại biểu

Lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và trả lời kiến nghị của đại biểu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc khẳng định, Hội nghị là dịp để các đại biểu đánh giá thực trạng triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo viên trình bày các chuyên đề: (i) Kỹ năng truyền thông chính sách pháp luật; nắm bắt và định hướng dư luận xã hội từ khâu xây dựng dự thảo văn bản; (ii) Giới thiệu nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn; (iii) Giới thiệu nội dung cơ bản của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật (Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg).

Cũng tại Hội nghị, để đáp ứng mong muốn của các đại biểu đến từ các địa phương, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã dành thời gian thỏa đáng để giải đáp những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, thể chế và thống nhất định hướng trong thời gian tới, như: Làm thế nào để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp trong công tác PBGDPL; phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; vấn đề bồi dưỡng, tập huấn cho báo cáo viên pháp luật cần phù hợp với các vùng miền; chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật còn hạn chế; tăng cường chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường (chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên môn pháp luật); việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL trước hết cần cải tiến nội dung, hình thức Trang thông tin điện tử về PBGDPL của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tiến tới xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế-xã hội của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; cần điều chỉnh lại tiêu chí về tủ sách pháp luật trong đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho phù hợp với Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg; thời hạn đánh giá còn chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính khả thi; cần giảm bớt đầu mối thực hiện nhiệm vụ này; đánh giá về sự hài lòng chưa cụ thể (hài lòng với thái độ phục vụ hay hài lòng với kết quả thực hiện thủ tục hành chính); một số tiêu chí trong đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn mang tính hình thức; việc sử dụng kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; hướng dẫn thực hiện cơ chế xã hội hóa tủ sách pháp luật đối với các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg; vấn đề công nhận vụ việc hòa giải thành ngoài Tòa án còn bất cập trong thực tiễn thi hành ...

Các đại biểu tham dự Hội nghi

Qua đó, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị và trao đổi thẳng thắn giữa Lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật với các đại biểu về các vấn đề chuyên môn. Các đại biểu coi đây là đợt tập huấn thực chất, hiệu quả, giúp cho việc triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương ngày càng tốt hơn.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và chia sẻ đối với những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đồng thời đánh giá cao chất lượng các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu đối với công tác này. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu trả lời bằng văn bản đối với các kiến nghị của địa phương tại Hội nghị. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Vệ Quốc trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng trong việc tổ chức thành công Hội nghị này.

Cũng tại tỉnh Sóc Trăng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật còn tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013”; Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và giải đáp vướng mắc về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đại biểu cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; tổ chức Đoàn đi tìm hiểu thực tế về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng./.

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/hoi-nghi-tap-huan-nghiep-vu-pho-bien-phap-luat-khu-vuc-phia-nam-449772.html