Hội nghị 'Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên'

Ngày 29/11, tại TP. Huế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng hầu hết các nơi trên thế giới và trở thành mối lo ngại của toàn cầu trong thế kỷ 21. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đang có xu hướng cực đoan hơn về tần suất, cường độ và không theo quy luật.

Để nâng cao nhận thức cũng như hiệu quả trong công tác phòng chống lũ lụt của các hồ chứa trên khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị “Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.

Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã báo cáo đánh giá về quá trình vận hành liên hồ chứa, những bất cập, tồn tại trong năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành liên hồ; nhận định xu thế thời tiết và khả năng diễn biến bão, lũ các tháng còn lại của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Công tác phối hợp, chỉ đạo vận hành xã lũ hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn hạ du khu vực miền Trung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngoài các bài báo cáo đánh giá trên, hội nghị còn được nghe các tham luận, bài học kinh nghiệm trong công tác vận hành xã lũ giữa chủ đập với các địa phương vùng hạ du Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng kiến thức, kỹ năng về công tác ứng phó bão, lũ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Phó trưởng ban thường trực BCH PCTT&TKCN Bộ Công thương cho biết, hội nghị lần này chúng ta bàn về việc vận hành hồ thủy điện như thế nào để đảm bảo vấn đề phát điện có hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, cấp nước dân sinh, đảm bảo vấn đề nông nghiệp.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên chiếm 50% các nhà máy thủy điện trên cả nước, trong đó có nhiều hồ lớn. Với đặc thù ở khu vực này là lưu vực các dòng sông có độ dốc cao, lòng sông hẹp chính vì vậy công tác điều hành mùa lũ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, cho công trình là vấn đề hết sức thách thức trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo cả Bộ Công thương, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong vấn đề điều chỉnh quá trình vận hành liên hồ phù hợp với điều kiện thực tế của địa hình cũng như sự phối hợp tốt giữa chủ hồ với UBND các tỉnh có hồ trên địa bàn nên đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Ông Trần Văn Lượng phát biểu tại hội nghị.

“Tuy nhiên, trước sự biến đổi khôn lường của thời tiết, việc vận hành trên cả hệ thống lưu vực sông làm sao cho tối ưu là vấn đề quan trọng nhất. Trong đó phải tính toán chính xác lượng nước về hồ để chúng ta có quyết định, điều hành an toàn nhưng cũng phải đảm bảo được tối đa nguồn nước, coi nguồn nước là một tài nguyên, không chỉ phục vụ cho vấn đề phát điện mà còn cho vấn đề xã hội.

Mục tiêu cuối cùng là phải hài hòa giữa vấn đề môi trường, xã hội và phát triển kinh tế. Thời gian tới chúng tôi sẽ đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc quan trắc các hồ thủy điện, đồng thời hướng dẫn xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du – đây là một trong những kịch bản quyết định đến phương án phòng chống thiên tai và ứng phó với thời tiết bất thường”, ông Lượng chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương – phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lí lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tỉnh chỉ đạo và phối hợp với các địa phương bố trí kinh phí thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Phương phát biểu.

Để thực hiện có hiệu quả, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu: Rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp công tác truyền thông, thông tin liên lạc ứng phó trường hợp vận hành xả lũ hồ chứa giữa chủ hồ chứa, chính quyền địa phương, đài truyền hình, truyền thanh địa phương. Kiểm tra, thử nghiệm các hệ thống liên lạc, hệ thống cảnh báo xả lũ khẩn cấp…

Đồng thời, tổ chức các buổi diễn tập ứng phó với kịch bản xả lũ, lồng ghép các hoạt động thông tin, truyền thông, tính đến phương án chuẩn bị khi bị gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc giữa các cơ quan chức năng và người dân.

Hữu Tin – Việt Dũng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/hoi-nghi-nang-cao-hieu-qua-chong-lu-cac-ho-chua-khu-vuc-mien-trung-va-tay-nguyen-49818