Hội nghị IMF-WB: Đầu tư vào con người là nhiệm vụ cấp bách

Ngày 12-10, phiên họp toàn thể Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF-WB) đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Bali Nusa Dua, Indonesia. Tại hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã công bố báo cáo cho biết, số lượng các robot trên toàn thế giới đang tăng lên nhanh chóng, làm dấy lên nguy cơ khủng hoảng việc làm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo bên lề Hội nghị IMF-WB

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo bên lề Hội nghị IMF-WB

Robot gây khủng hoảng việc làm

Trong khuôn khổ hội nghị thường niên IMF-WB 2018, chủ tịch WB Jim Yong Kim đã công bố “Báo cáo phát triển thế giới 2019” với những cảnh báo robot sẽ thay thế nhiều hoạt động của con người trong tương lai.

Trong Báo cáo phát triển thế giới 2019, WB cho rằng đầu tư lớn hơn vào sức khỏe và giáo dục con người là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh thị trường lao động phát triển nhanh chóng và ngày càng định hình theo công nghệ. Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhận định sự thay đổi công việc đang diễn ra nhanh chóng và trong tương lai sẽ có những công việc chưa từng xuất hiện. Thách thức lớn là trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết để có thể đảm nhận những công việc trong tương lai - trong đó, các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phê phán, đồng cảm và cộng tác là đặc biệt quan trọng. Bằng cách chỉ ra mức độ đầu tư vào con người của mỗi quốc gia, WB hy vọng sẽ có thể khuyến khích các chính phủ thực hiện các bước đi tích cực để chuẩn bị tốt hơn cho người dân để cạnh tranh trong tương lai.

Báo cáo cho biết số lượng các robot trên toàn thế giới đang tăng lên nhanh chóng, làm dấy lên nguy cơ khủng hoảng việc làm. Nhưng công nghệ cũng đang mở ra tiềm năng tạo việc làm, tăng năng suất và cung cấp các dịch vụ công hiệu quả. Công nghệ kỹ thuật số thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng nhanh chóng, phá vỡ các mô hình sản xuất cũ và làm mờ ranh giới giữa các công ty. Các mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn như các nền tảng kỹ thuật số phát triển với tốc độ chóng mặt từ các công ty khởi nghiệp địa phương đến những tập đoàn đa quốc gia. Nền tảng thị trường mới đang kết nối mọi người nhanh hơn bao giờ hết, mang lại cơ hội kinh tế cho hàng triệu người, bất kể họ sống ở đâu.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi robot có thể thay con người làm hết mọi việc?

Các thị trường và công việc mới đòi hỏi nhân viên có kỹ năng làm việc theo nhóm, có kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề. Chỉ riêng ở châu Âu sẽ có khoảng 23 triệu việc làm mới trong thế kỷ này.

IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Chiều 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2018, đánh giá cao IMF đã ủng hộ các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, tích cực hỗ trợ đào tạo và tư vấn cho Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh IMF đánh giá tích cực tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam; đề nghị IMF tiếp tục tăng cường hỗ trợ đào tạo, tư vấn chính sách cho Việt Nam về thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tranh thủ cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính…

Về phần mình, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đánh giá rất cao bài tham luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN với nhiều đề xuất, sáng kiến cụ thể, thiết thực. Bà Christine Lagarde khẳng định IMF tiếp tục hỗ trợ, tư vấn giúp Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm. Bà đánh giá cao và cảm ơn Việt Nam đã đóng góp cho Quỹ tín thác của IMF về ngăn chặn và cứu trợ thảm họa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai mạc Hội nghị thường niên IMF - WB với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà; gặp gỡ một số nhà lãnh đạo ASEAN: Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Philippines,… để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và giải quyết một số vấn đề cụ thể.
Thăm và làm việc tại Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo đã có cuộc hội đàm đạt nhiều kết quả tích cực. Hai bên nhất trí tạo đột phá mới và đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của Đối tác Chiến lược; phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng, tạo thuận lợi hơn nữa cho các cơ chế đối thoại doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - chính phủ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết nhanh chóng vướng mắc nảy sinh.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Ngurah Rai Bali, lên đường về nước, kết thúc thành công chuyến tham dự cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại thành phố Bali và thăm Indonesia.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hoi-nghi-imfwb-dau-tu-vao-con-nguoi-la-nhiem-vu-cap-bach-552244.html