Hội nghị - hội thảo

Sáng 5-4, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan phối hợp Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) tổ chức Hội thảo Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Ý kiến tham luận của các đại biểu cho rằng, bảo lãnh thông quan (BLTQ) là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được thông quan, giải phóng hàng, hoặc đưa hàng về bảo quản. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, BLTQ chỉ được sử dụng trong trường hợp người khai đã hoàn thành thủ tục hải quan. Vì vậy, để triển khai cơ chế BLTQ, cần rà soát, sửa đổi một số văn bản luật tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện, như: sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan theo hướng áp dụng bảo lãnh để cho phép doanh nghiệp đưa hàng về bảo quản trước, sau đó chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, hoặc chờ cơ quan quản lý cấp giấy phép nhập khẩu. Ðối với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cần bổ sung các điều kiện để hàng hóa thuộc các đối tượng không chịu thuế, miễn thuế cũng phải có bảo lãnh…

Theo GATF, BLTQ sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1 đến 0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5 đến 0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.

* Sáng 5-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Bình đẳng giới (BÐG) tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi - Cơ hội cho doanh nghiệp".

Theo thống kê, tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động ở Việt Nam hiện luôn giữ ở mức ổn định trên dưới 48%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chưa quan tâm việc thực hiện BÐG tại nơi làm việc, mặc dù việc này mang lại lợi ích kinh tế, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ý kiến tham luận của các chuyên gia về chính sách lao động, đại diện doanh nghiệp tại hội thảo đã tập trung thảo luận về những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đặt vấn đề BÐG là nội dung quan trọng cần được điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu, thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Ðồng thời, doanh nghiệp cần thiết kế chính sách hoạt động của mình theo hướng lồng ghép các nội dung BÐG tại nơi làm việc, hỗ trợ cho cả lao động nam và nữ có thể thực hiện trách nhiệm công việc và gia đình. Thực hiện BÐG không chỉ là mục tiêu, mà còn là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng nền quản trị tốt.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/39762702-hoi-nghi-hoi-thao.html