Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám khóa XII

Thực hiện chương trình công tác Đảng năm 2018 của Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 29/11/2018, Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Mai Ngọc Bích, Vụ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan; các đồng chí ủy viên Ban chấp hành các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ; lãnh đạo các đơn vị cùng các đồng chí Ủy viên Ủy ban kiểm tra các cấp và các đơn vị báo chí trong Bộ. Về phía khách mời có đồng chí Vũ Đức Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Trung cho biết, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua ba văn kiện quan trọng, gồm: Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 37-KL/TW về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Các nghị quyết, quy định, kết luận lần này là những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, người đứng đầu, học tập nghiêm túc, nắm vững các nội dung được phổ biến, quán triệt tại Hội nghị. Sau đó, tổ chức thực hiện phổ biến, quán triệt tại các đảng bộ, chi bộ, đồng thời ban hành chương trình hành động gắn với nhiệm vụ chuyên môn và đáp ứng được yêu cầu của cấp trên.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Vũ Đức Nam phổ biến những nội chính của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW và Kết luận số 37-KL/TW. Theo Quy định số 08-QĐi/TW, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.

Về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, Nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện.

Ban Chấp hành Trung ương đưa ra năm quan điểm về phát triển kinh tế biển, đồng thời đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đưa ra một số chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển và ven biển; Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; Nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương xác định ba khâu đột phá về phát triển kinh tế biển.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Trung ương đưa ra bảy nhóm giải pháp gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; Hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; Phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển; Chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.

Về tình hình tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đánh giá, với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế,… tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2018 đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Trung ương xác định chỉ tiêu và một số giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, năm 2019, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; Tạo chuyển biến rõ nét hơn trong tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với phát triển kinh tế, cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Mai Ngọc Bích, Vụ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, ngay sau khi tiếp thu đầy đủ những nội dung của các nghị quyết, kết luận, quy định, các Đảng bộ, Chi bộ thông qua những hình thức khác nhau phải phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ đảng viên để mỗi cán bộ đảng viên có tư duy, hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện tốt các văn kiện tại đơn vị.

Đồng thời đề nghị, ngay sau khi Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Đảng ủy cơ quan được ban hành, các Đảng bộ, Chi bộ phải xây dựng chương trình hành động của mình phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ được giao. Theo đó, đối với Nghị quyết số 36-NQ/TW, cần tập trung vào những vấn đề liên quan đến quy hoạch; thu hút nhà đầu tư lớn; cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước phát triển ngành kinh tế biển để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Đối với Kết luận số 37-KL/TW, các Đảng bộ, Chi bộ cần tiếp tục nghiên cứu sâu những nội dung được đưa ra, đặc biệt là những đánh giá về những tồn tại, hạn chế. Đối với Quy định số 08-QĐi/TW, cần tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung xây và chống của cán bộ, đảng viên trong việc nêu gương, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, các Đảng bộ, Chi bộ phải gắn việc nêu gương với chương trình kiểm tra, giám sát và đưa ra các tiêu chí cụ thể để thực hiện đánh giá vào cuối năm. Qua đó, tạo sức mạnh, tinh thần chung trong việc thực hiện các quy định của Đảng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41721&idcm=188