Hội nghị G7: Mỹ quyết liệt kêu gọi các nhà lãnh đạo chỉ trích Trung Quốc

Lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo nhóm G7 trong cách tiếp cận Trung Quốc về vấn đề nhân quyền.

Hãng AP hôm 13-6 đưa tin mặc dù các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển nhằm tạo đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, tuy nhiên các nhà lãnh đạo này hiện đang còn bất đồng về cách tiếp cận vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo nhóm G7. Ảnh: Leon Neal/POOL/AFP/GETTY IMAGES

Các nhà lãnh đạo nhóm G7. Ảnh: Leon Neal/POOL/AFP/GETTY IMAGES

Các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn các nhà lãnh đạo của các quốc gia nhóm G7 có tiếng nói chung chống lại các hành vi cưỡng bức lao động nhắm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và các dân tộc thiểu số khác.

Ông Biden hy vọng thông điệp trên sẽ đưa vào tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh nhưng một số đồng minh châu Âu lại không muốn chia rẽ mạnh mẽ với Bắc Kinh.

Theo các quan chức này, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ủng hộ lập trường của Mỹ, trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Mario Draghi và lãnh đạo EU tỏ ra lưỡng lự.

Các quan chức giấu tên này cũng cho biết tuyên bố về các cam kết của cuộc họp đang được soạn thảo và nội dung sẽ không rõ ràng cho đến khi được công bố sau Hội nghị Thượng đỉnh. Tuy nhiên, họ tin rằng Trung Quốc, bằng một hình thức nào đó, có thể được đưa vào vì “các chính sách phi thị trường và vi phạm nhân quyền”.

Một quan chức cấp cao chính quyền ông Biden nhận định rằng mặc dù nêu tên Trung Quốc trong tuyên bố chung không tạo ra bất kỳ hình phạt lập tức nào cho Bắc Kinh, thế nhưng hành động này sẽ gửi đi thông điệp rằng các nhà lãnh đạo nhóm G7 nghiêm túc trong việc bảo vệ nhân quyền và cùng nhau xóa bỏ tình trạng cưỡng bức lao động.

Theo các nhà nghiên cứu, ước tính có khoảng một triệu người trở lên, hầu hết trong số họ là người Duy Ngô Nhĩ, đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương (phía tây Trung Quốc) trong những năm gần đây. Các nhà chức trách Trung Quốc đã bị cáo buộc áp đặt lao động cưỡng bức, kiểm soát sinh sản, tra tấn và tách trẻ em khỏi cha mẹ đang bị giam giữ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trên.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/hoi-nghi-g7-my-quyet-liet-keu-goi-cac-nha-lanh-dao-chi-trich-trung-quoc-992443.html