Hội nghị G20 đối mặt nhiều nỗi lo

Căng thẳng thương mại là một trong những thủ phạm khiến kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng chậm lại, theo Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế

Tranh cãi thương mại leo thang giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều nước đã phủ bóng lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) diễn ra tại TP Fukuoka - Nhật Bản cuối tuần này.

Những vấn đề nóng như thương chiến Mỹ - Trung, nguy cơ xung đột tiềm tàng giữa Washington và châu Âu về xe hơi và nông nghiệp, lời đe dọa đánh thuế Mexico của ông Trump… có nguy cơ khiến các cuộc hội đàm tại Hội nghị G20 chìm trong mâu thuẫn giữa lúc chủ nghĩa bảo hộ đe dọa làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu. "Căng thẳng đang gia tăng với sự leo thang sử dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan ở nhiều nơi trên thế giới" - Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso bày tỏ lo ngại trước thềm Hội nghị G20, diễn ra từ ngày 7 đến 9-6.

Trong diễn biến tích cực hiếm hoi đối với nền kinh tế thế giới, Mỹ và Mexico hôm 7-6 đạt được thỏa thuận giúp ngăn nguy cơ xảy ra cuộc chiến thuế quan giữa 2 nước láng giềng này, với việc Mexico City đồng ý đẩy mạnh nỗ lực đối phó dòng người di cư. Lạc quan hơn, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati thậm chí cho rằng động thái này báo hiệu Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc về thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 8-6 cho biết sẽ thảo luận vấn đề thương mại khi gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang bên lề hội nghị một ngày sau đó. Thế nhưng, ông nhấn mạnh bất kỳ tiến triển nào chỉ có thể diễn ra tại cuộc hội đàm tiềm tàng giữa lãnh đạo 2 nước tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này. Ông Mnuchin cũng đối mặt sức ép từ quan chức các nước tại hội nghị về chương trình nghị sự thương mại và tác động của cuộc chiến thuế quan mà ông Trump đang phát động đối với các thị trường và chuỗi cung ứng.

Các quan chức chuẩn bị dự một cuộc họp tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 hôm 8-6Ảnh: Reuters

Các quan chức chuẩn bị dự một cuộc họp tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 hôm 8-6Ảnh: Reuters

Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế trong tuần này đều cảnh báo về nguy cơ kinh tế toàn cầu chậm lại và một trong những "thủ phạm" là căng thẳng thương mại. Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế, cảnh báo các biện pháp thuế quan công bố gần đây của Mỹ và Trung Quốc đe dọa khiến GDP toàn cầu năm 2020 giảm 0,3%.

Bất chấp cảnh báo u ám này, giới chức Mỹ nhận định đại diện các nước không dễ nhất trí về một tuyên bố chung tại hội nghị do vẫn còn quan điểm khác biệt về thương mại. Theo Reuters, văn kiện này nhiều khả năng không có cam kết nói không với mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ. Trước đó, các nhà lãnh đạo G20 đã buộc phải thay thế nội dung trên sau khi gặp phải sức ép của chính quyền ông Trump tại hội nghị diễn ra năm 2017.

Trong lúc chia rẽ về thương mại, quan chức các nước G20 hôm 8-6 đã nhất trí soạn thảo bộ quy định chung nhằm ngăn chặn tình trạng các tập đoàn công nghệ toàn cầu lợi dụng lỗ hổng về luật lệ để giảm gánh nặng đóng thuế. Theo Reuters, các cuộc thảo luận của G20 tập trung vào hai trụ cột. Trụ cột đầu tiên là đánh thuế công ty theo nơi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ngay cả khi họ không đặt văn phòng ở đó. Trong trường hợp các công ty vẫn có thể tìm cách chuyển lợi nhuận ra các thiên đường thuế nước ngoài, trụ cột thứ hai cho phép các quốc gia áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu cần được nhất trí trong thời gian tới.

Theo Reuters, Anh và Pháp thuộc số những nước ủng hộ mạnh mẽ "thuế kỹ thuật số", lấy lý do luật thuế truyền thông không còn phù hợp trong bối cảnh nhiều dịch vụ, sản phẩm được kinh doanh trực tuyến. Trước khi có thỏa thuận tại hội nghị G20 nói trên, Washington lo ngại loại "thuế kỹ thuật số" có thể bất công với các đại gia công nghệ Mỹ. Những công ty như Facebook, Google, Amazon đang bị chỉ trích vì hành vi chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế để giảm nghĩa vụ tài chính - một bước đi bị xem là không công bằng.

Thỏa thuận nói trên đồng nghĩa các tập đoàn đa quốc gia có thể phải đóng nhiều thuế hơn nhưng cũng khiến những thiên đường thuế doanh nghiệp, như Ireland, mất đi sức hút đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hoi-nghi-g20-doi-mat-nhieu-noi-lo-20190608220938064.htm