Hội nghị G20 bế mạc: Mỹ - Trung ngưng đánh thuế mới trong 90 ngày

Đêm 1/12 (giờ Argentina), sau bữa cơm tối và đàm phán hai tiếng rưỡi đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã nhất trí ngưng tăng mức thuế mới đánh vào hàng nhập của nhau trong vòng 90 ngày để tiến tới đàm phán. Động thái này làm dịu đi tình hình căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Được biết trước đó, bầu không khí căng thẳng bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc ngày 30/11 (giờ địa phương) tại Buenos Aires. Trong các cuộc gặp tay đôi bên lề Hội nghị, vương quốc Anh giải quyết vụ Malvinas với nước chủ nhà. Vì vụ eo biển Kerch, ông Trump hủy cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin.Hy vọng hội nghị có thể mở đường cho một thỏa thuận thương mại giữa hai nước đã bị suy yếu bởi những đe dọa mới đây của ông Trump.

Chiến tranh thương mại: Ván bài lớn

Chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Argentina, ông Trump cho biết mức thuế hiện hành đánh trên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 25% vào tuần đầu của tháng 1/2019. Ông cũng đe dọa đánh thêm thuế lên các mặt hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.

Những nhà lãnh đạo G20 tại Buenos Aires (Ảnh: AFP)

Sau đó, ngay trước khi đáp máy bay tới Buenos Aires, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng trong khi Trung Quốc quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận, "Tôi không biết tôi có muốn làm điều đó hay không" và "Tôi thích thỏa thuận hiện tại của chúng tôi". Bối cảnh này có thể tạo tình trạng leo thang chiến tranh mậu dịch giữa hai quốc gia.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng hai phu nhân tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Getty Images)

Có thể đạt được gì sau Hội nghị?

Tổng thống Trump đã khơi mào mâu thuẫn với Trung Quốc đầu năm nay, cáo buộc nước này thực hiện các hành vi thương mại "không công bằng" và trộm cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế trên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ông Trump đã đưa ra một tia hy vọng hồi đầu tháng 11, khi nói ông nghĩ rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Nhưng chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh, ông Trump dội gáo nước lạnh vào sự lạc quan này.

"Tôi nghĩ rằng kịch bản có khả năng nhất là Tập Cận Bình không nhượng bộ đủ đối với Trump, và do đó không đạt được gì nhiều từ G20" - Julian Evans-Pritchard từ Capital Economics nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình “sẽ không nhượng bộ đủ” với Tổng thống Trump tại cuộc gặp bên lề hôm 1/12 ở Buenos Aires (Ảnh: Getty Images)

Các hội nghị gần đây cũng không báo trước điều gì tốt đẹp cho một quyết định nào ở G20: Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc hôm 18/11 mà không có tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo vì chia rẽ Mỹ - Trung do chiến tranh mậu dịch. Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada vào tháng 6 đã kết thúc trong tình trạng hỗn loạn khi ông Trump rút lại sự tán thành của ông về tuyên bố chung.

Valerie Mercer-Blackman - chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho biết: "Tôi cho rằng rất không may là giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa trong các vấn đề đằng sau xung đột thương mại. Việc không đưa ra được thỏa thuận chung tại APEC cũng cho thấy có khoảng cách khá lớn giữa hai bên, và dường như không có đề xuất cụ thể nào được bàn thảo để chấm dứt sự bế tắc".

Ván bài lớn tới cỡ nào?

Ông Evans-Pritchard nói: "Nếu cuộc họp không đưa ra một thỏa thuận đình chiến thì Mỹ sẽ tăng thuế xuất [đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa hiện tại của Trung Quốc] vào tháng Một và việc mở rộng thêm thuế quan là rất có thể".

Ông Michael Hirson - Giám đốc khu vực Châu Á của Eurasia Group cho biết, việc tăng thuế suất sẽ khiến nhiều công ty đa quốc gia đẩy mạnh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, trong khi thuế nhập khẩu bổ sung đánh lên hàng Trung Quốc sẽ đặt ra một "nguy cơ đáng kể về kinh tế và chính trị" cho Trump.

Hai nhà lãnh đạo Trump – Tập tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: POOL)

Hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng. Các gia đình Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hơn, sẽ cảm thấy tác động nhiều hơn lần này so với các gói thuế quan được áp dụng trước đó''.

Hội nghị thấp thoáng hình bóng trật tự thế giới mới?

Ông Trump có lịch trình bận rộn với 7 cuộc gặp song phương trong vòng 48 giờ. Trong số này, không có cuộc gặp nào với Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng mọi người đều đang chờ đợi xem ngôn ngữ cơ thể của ông Trump và bà May sẽ như thế nào khi họ nhìn thấy nhau.

Hồi đầu tuần, Tổng thống Trump đã thẳng thắn chỉ trích thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) mà chính phủ Anh đạt được với EU, ông cho rằng thỏa thuận này sẽ ngăn cản một Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Anh sắp tới. Trong bối cảnh này, nhân vật đáng chú ý nhất của Hội nghị G20 năm nay là Thái tử Mohammed bin Salman, 33 tuổi, sau khi xảy vụ nhà báo Jamal Khashoggi (viết bài cho tờ Washington Post) bị giết. Những cuộc gặp của Thái tử Saudi với bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ được truyền thông theo dõi đặc biệt.

Liệu có những cái bắt tay hay những nụ cười? Liệu vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi có được nhắc đến? Nếu không thì tại sao? Rất nhiều những câu hỏi và kỳ vọng sẽ được đặt ra và mọi con mắt sẽ hướng về các hoạt động của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này.

Mohammed bin Salman - Thái tử Saudi Arabia, xuất hiện trong sự kiện quốc tế đầu tiên tại Buenos Aires kể từ khi xảy ra vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Putin cũng là nhân vật quan trọng không kém trong bối cảnh vừa có đụng độ giữa tàu Nga và Ukraine trên eo biển Kerch. Phản ứng vụ này, Tổng thống Trump đã hủy cuộc gặp dự kiến với ông Putin. Điều này có nghĩa cả hai bên sẽ không thể tiếp tục các cuộc đàm phán mà Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã khởi xướng vào mùa Hè năm nay nhằm giải quyết các vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân và Trung Đông.

Thượng đỉnh Trump - Tập có bước đột phá?

Rất nhiều người mong chờ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump - Tập, không ai muốn căng thẳng tiếp tục vì điều đó sẽ là tin xấu với mậu dịch thế giới. Khác với ông Trump, ông Tập sẽ còn lãnh đạo trong nhiều năm tới và sẽ tham dự những hội nghị G20 tiếp theo, khi mà ông Trump đã kết thúc nhiệm kỳ, không biết nhiệm kỳ II có ra tái tranh cử hay không.

Vì thế, theo AP, ông Trump sẽ còn được nhắc đến nhiều trong tương lai nếu như ông đưa ra những quyết định góp phần định hình thương mại thế giới trong thế kỷ 21. Ông Larry Kudlov - Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump đã cố gắng cải thiện bầu không khí trước cuộc gặp Mỹ - Trung khi nhận định “nhiều khả năng” hai bên sẽ đạt được thỏa thuận nếu như Trung Quốc chấp nhận các điều kiện của Mỹ về sở hữu trí tuệ, tài sản công nghệ và một số lĩnh vực khác để đảm bảo thương mại “công bằng”.

Vì vụ Nga – Ukraine tại eo biển Kerch, vào giờ cuối, ông Trump (phải) cắt cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Vladimir Putin tại Buenos Aires (Ảnh: AFP)

Các cuộc gặp của ông Trump với các nhà lãnh đạo thế giới khác sẽ tiếp tục xoay quanh chính sách “Nước Mỹ trên hết” (American First) của ông, đặc biệt là trong vấn đề thương mại. Điều này nhiều khả năng sẽ ngăn cản Hội nghị G20 đưa ra một tuyên bố chung, như đã từng xảy ra tại hai Hội nghị APEC và G7.

Việc Tổng thống Trump tăng cường bảo hộ và chống lại chủ nghĩa đa phương bắt đầu tạo ra những diễn biến kịch tính trong quan hệ toàn cầu, sẽ làm nhiều người chú ý đến những gì đang diễn ra tại Buenos Aires. Trong bối cảnh diễn ra Hội nghị G20, thị trường chứng khoán Wall Street khởi sắc với tất cả giá cổ phiếu của Mỹ tăng khá cao. Sau khi Mỹ - Trung đồng ý không tăng mức thuế và ngưng việc đánh thuế vào hàng nhập khẩu của nhau, giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Wall Street tiếp tục tăng cao.

Lê Miên Tường

(Theo AFP, BBC News)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hoi-nghi-g20-be-mac-my--trung-ngung-danh-thue-moi-trong-90-ngay-d72985.html