Hội nghị COP 25: Hoãn lại những tham vọng lớn

Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) trong năm nay tại Madrid, cuộc họp dài nhất trong gần 25 năm tiến hành gần như thường niên, kết thúc ngày 15/12. Các nước gây ô nhiễm chính phản đối lời kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực hạn chế tình trạng Trái Đất ấm dần lên.

Hội nghị COP 25 kết thúc với kết quả hạn chế.

Hội nghị COP 25 kết thúc với kết quả hạn chế.

Đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc điều tiết các yêu cầu của giới khoa học, những người biểu tình trên đường phố và đại diện các chính phủ trở về nhà, các nhà đàm phán cuối cùng khiến nhiều người thất vọng và "để dành" các cuộc đàm phán về những vấn đề quan trọng sang cuộc họp năm tới tại Glasgow (Scotland).

Trong khi việc đưa ra mục tiêu rõ ràng hơn không được chính thức đề cập đến trong chương trình nghị sự, hầu hết các đại biểu và những nhà quan sát đều nhất trí các cuộc đàm phán của LHQ cần phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng các nước sẵn sàng cam kết các mục tiêu rõ ràng hơn trong việc giảm hiệu ứng nhà kính. Điều đó còn tham vọng hơn nhiều so với mục tiêu được đặt ra bởi tuyên bố Thời điểm để hành động Chile-Madrid, theo đó chỉ đơn thuần kêu gọi khẩn cấp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính phù hợp với các mục tiêu mà Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu đã đặt ra.

Các nhà khoa học cho rằng cần bắt đầu giảm nhanh lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và các khí thải gây ô nhiễm khác càng sớm càng tốt để đáp ứng mục tiêu trong Hiệp định Paris nhằm duy trì sự ấm lên của Trái Đất thấp hơn 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C, vào cuối thế kỷ. Với việc các mục tiêu về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay đặt thế giới vào tiến trình tăng từ 3-4 độ C vào năm 2100, các nhà khoa học cho biết việc giảm mạnh hơn nữa là cần thiết và nên được thông báo trước thềm hội nghị khí hậu vào năm tới tại Glasgow.

Giới khoa học nhấn mạnh các nước càng chần chừ lâu trong việc giảm khí thải, thế giới sẽ càng khó đạt mục tiêu của Hiệp định Paris. Giám đốc Viện Postdam nghiên cứu sự tác động của khí hậu, Johan Rockstrom - cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần bị cắt giảm 50% vào năm 2030 và mục tiêu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng ở mức "0" phải được hiện thực hóa vào năm 2050. Ông cho rằng mục tiêu này có thể đạt được với những công nghệ và điều kiện kinh tế hiện nay của chúng ta, đồng thời lưu ý: “Cánh cửa cơ hội đang mở ra, nhưng chưa nhiều".

T. Hằng

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hoi-nghi-cop-25-hoan-lai-nhung-tham-vong-lon-117451.html