Hội nghị Cấp cao ASEAN 34: Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 từ 22-23/6 tại Bangkok, Thái Lan. Nhân dịp này, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Trần Đức Bình đã trả lời phỏng vấn báo TG&VN. Xin trân trọng giới thiệu.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 diễn ra từ ngày 22-23/6 tại Bangkok, Thái Lan.

Xin Đại sứ cho biết những trọng tâm của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này?

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ diễn ra từ ngày 22-23/6 tại Bangkok, Thái Lan. Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan dưới chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững”.

Tinh thần đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN luôn được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh như là ưu tiên then chốt, xuyên suốt, định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cùng chia sẻ ý kiến và thảo luận các định hướng chỉ đạo cho hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN, xử lý các thách thức đối với việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, củng cố đoàn kết ASEAN, duy trì tăng trưởng và liên kết kinh tế, gia tăng thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, ứng phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường, an ninh mạng, khủng bố....

Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ thảo luận cách thức gia tăng tính tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030, nâng cao chất lượng và môi trường sống an toàn, bền vững cho người dân ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ và hiệu quả hợp tác của ASEAN với các đối tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác cho xây dựng Cộng đồng, ứng phó với những thách thức đang nổi lên, đồng thời củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ xem xét và thông qua một số văn kiện quan trọng làm cơ sở cho hợp tác ASEAN trong thời gian tới nhằm thực hiện các trọng tâm và ưu tiên trên, bao gồm Tuyên bố tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững, Tuyên bố Cấp cao về năm Văn hóa ASEAN 2019 và Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải nhựa trên biển, và Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN.

Đại sứ nhận định như thế nào về vai trò và sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thời gian qua?

Trong suốt gần 25 năm qua kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm, và có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển của Cộng đồng. Trong nhiều năm, Việt Nam luôn là nước đạt tỷ lệ cao nhất khi thực hiện các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, minh họa rõ nét nhất về sự tham gia tích cực của Việt Nam là Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong những tháng vừa qua, chúng ta đã tích cực cùng với các nước tiếp tục triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN trong năm vừa qua, như việc triển khai Mạng lưới các Thành phố Thông minh ASEAN, các sáng kiến nêu tại Hội nghị WEF-ASEAN 2018 giúp các quốc gia và doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.... Chúng ta cũng ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Thái Lan và các nước thành viên nhằm đạt được các ưu tiên đề ra cho năm 2019, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực cho triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột. Việt Nam cũng tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan, và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Chúng ta cũng tham gia và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thông qua Tài liệu “Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” giúp hình thành lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở phù hợp với trên cơ sở các giá trị, nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của ASEAN. Chúng ta cũng cùng các nước ASEAN tham gia tích cực và xây dựng trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, chúng ta đã tích cực thúc đẩy việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) vào tháng 3/2019, hoàn tất và ký kết Hiệp định Hợp tác Kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản tháng 5/2019, và triển khai nhiều hoạt đông quan trọng nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản, trong đó có việc tổ chức thành công Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Hà Nội ngày 4/6/2019 vừa qua.

Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Phái đoàn đã có những chuẩn bị như thế nào để phối hợp với trong nước thực hiện tốt vai trò này?

Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Phái đoàn đã có những chuẩn bị như thế nào để phối hợp với trong nước thực hiện tốt vai trò này?

Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN là một thành viên của Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR) với chức năng và nhiệm vụ giám sát và thực thi các quyết định của Lãnh đạo, thực hiện các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN, giúp các Bộ trưởng trong điều phối các vấn đề liên ngành, liên trụ cột, và thúc đẩy quan hệ và các hoạt động hợp tác cụ thể giữa ASEAN với các đối tác, phối hợp chuẩn bị nội dung và tổ chức cho các Hội nghị Cấp cao và cấp Bộ trưởng ASEAN, hỗ trợ đồng thời giám soát hoạt động của Ban Thư ký ASEAN. Bên cạnh đó, Phái đoàn cũng đại diện cho Việt Nam tại các cơ chế như Ủy ban điều phối về Kết nối ASEAN (ACCC), Nhóm đặc trách về Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI Task Force), Ủy ban Điều hành Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN (ASEAN-IPR), Ủy ban Quản trị Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation), Ban quản trị Trung tâm ASEAN-Trung Quốc.

Theo đó, thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, ngoài nhiệm vụ phối hợp với trong nước, Phái đoàn chủ trì các cuộc họp thường kỳ của CPR, các cuộc họp Đại sứ các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS), Đại sứ các nước ASEAN+3, các cuộc họp với các nước đối tác kiểm điểm hợp tác và soạn thảo các văn kiện Hội nghị Cấp cao và Bộ trưởng Ngoại giao trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Ủy ban ASEAN về Kết nối, Hội đồng điều hành Viện Hòa bình Hòa giải ASEAN..., và các cuộc họp về liên quan đến hoạt động của Ban Thư ký ASEAN như ngân sách, đấu thầu, kiểm toán.... Theo đó, mỗi tuần Phái đoàn sẽ phải chủ trì 2-3 cuộc họp định kỳ cấp Đại sứ và 3-4 cuộc họp cấp nhóm công tác theo từng vấn đề, và các cuộc họp bất thường để xử lý các vấn đề nảy sinh. Trong năm 2018, Phái đoàn đã tham dự khoảng hơn 350 cuộc họp các cấp.

Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Phái đoàn phải thường xuyên thông tin và phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN Quốc gia của Việt Nam, các cơ quan chuyên ngành trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước để chuẩn bị kỹ nội dung cho mỗi cuộc họp và lập trường cho từng vấn đề, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung cho mỗi cuộc họp, thách thức lớn nhất có lẽ là việc duy trì tham vấn, chia sẻ và phối hợp lập trường để bảo đảm đạt được đồng thuận trong rất nhiều vấn đề giữa Phái đoàn Việt Nam với Phái đoàn các nước thành viên ASEAN và Phái đoàn các nước đối tác tại Jakarta.

Hiện nay, Phái đoàn đang củng cố và kiện toàn lại tổ chức, nhân sự, bồi dưỡng cán bộ mới sang thay các cán bộ hết nhiệm kỳ, xây dựng kế hoạch và lịch cho các cuộc họp, thiết lập cơ chế phối hợp thông tin và phân công công tác với Ban Thư ký ASEAN Quốc gia của Việt Nam. Phái đoàn cũng đang trao đổi với các nước đối tác về kế hoạch hợp tác và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho năm Chủ tịch của ta. Nhưng quan trọng nhất, Phái đoàn đang tập trung chuẩn bị kỹ nhất về các nội dung, cách thức tiến hành các cuộc họp sao cho hiệu quả nhất, bảo đảm phù hợp với hợp tác của ASEAN và nhất là các ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tất cả các cán bộ, nhân viên Phái đoàn đều ý thức được nhiệm vụ, vinh dự và trách nhiệm của cả tập thể và mỗi cá nhân, và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp cho thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Xin cảm ơn Đại sứ!

PHẠM HẰNG

(thực hiện)

PHẠM HẰNG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-cap-cao-asean-34-thuc-day-quan-he-doi-tac-vi-su-ben-vung-96183.html