Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về chấm dứt bệnh lao

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Y tế Liên Bang Nga và Tổ chức Y tế Thế giới, đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam do GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ 1 về Phòng chống Lao, tại Maxcova, Liên Bang Nga từ 16 -17/11/2017. Hội nghị do Chính phủ Liên bang Nga và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của hơn 1000 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới

Có 82 Bộ trưởng và nhiều Thứ trưởng các Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, đồng thời có sự tham gia của Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, lãnh đạo của các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc liên quan, Đặc phái viên của Liên hiệp quốc về phòng chống lao tham gia hội nghị

Trong 1000 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia hội nghi, có 82 Bộ trưởng và nhiều Thứ trưởng các Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, đồng thời có sự tham gia của Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, lãnh đạo của các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc liên quan, Đặc phái viên của Liên hiệp quốc về phòng chống lao, các đối tác quốc tế cũng như đại diện người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Chủ đề của Hội nghị là Chấm dứt bệnh lao trong kỷ nguyên phát triển bền vững: nâng cao trách nhiệm đa ngành.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Trong bài phát biểu của mình Tổng thống Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết chính trị trong công tác phòng chống Lao và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên toàn cầu để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững do liên hợp quốc đề ra, trong đó có mục tiêu Chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, Tổng Giám đốc của Tổ chức tế thế giới Tedros Adhanam đánh giá cao nỗ lực của nước chủ nhà Liên bang Nga trong việc phối hợp với WHO để tổ chức hội nghị oàn cầu cấp Bộ trưởng lần đầu tiên về phòng chống lao trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Tổng Giám đốc WHO cũng đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và sự quan tâm sâu sắc của chính phủ các quốc gia trong công cuộc phòng chống căn bệnh này, thể hiện qua sự tham dự của các Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Kết quả đầu ra của hội nghị là bản Tuyên bố chung Moscow về Chấm dứt bệnh lao vào 2030, thể hiện cam kết mạnh mẽ của toàn cầu về mục tiêu này. Đây là tiền đề quan trọng để Liên hợp quốc ban hành một Nghị quyết về Chấm dứt bệnh lao vào 2030, dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng Lên hợp quốc vào tháng 9/2018 tại New York.

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và chia sẻ về các nội dung sau:

- Bao phủ sức khỏe toàn dân trong phòng chống bệnh lao và chăm sóc bệnh nhân lao

- Tài chính bền vững và đầy đủ cho công tác phòng chống lao

- Đẩy mạnh đáp ứng đa ngành: đối thoại giữa các nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương

- Khoa học, nghiên cứu và đổi mới phát minh trong công cuộc phòng chống lao

- Lồng ghép giữa phòng chống lao và các bệnh không lây nhiễm

- Hành động để ứng phó với lao đa kháng thuốc trong bối cảnh kháng kháng sinh và các đe dọa về an ninh y tế

- Đẩy mạnh đáp ứng phòng chống lao - HIV

- Đẩy mạnh hợp tác công tư trong tiến trình chấm dứt bệnh lao.

Hội nghị gồm1000 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới

Trong bài phát biểu của Việt Nam tại phiên thảo luận về chủ đề ứng phó với lao đa kháng thuốc, GS. TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ về các kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới theo khuyến cáo của WHO trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở Việt Nam.

Năm2014, chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào 2030 của WHO. Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020.

Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Đồng thời Chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.

Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng chia sẻ với hội nghị về thành công của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà APEC 2017 trong việc tổ chức Đối thoại chính sách về tăng cường hành động phòng chống lao và lao đa kháng thuốc trong khu vực châu Á Thái bình dương.

Kết quả và khuyến cáo của Đối thoại chính sách này đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao về y tế và các nền kinh tế lần thứ 7, trong đó khẳng định bệnh lao là một vấn đề y tế công cộng ưu tiên trong khu vực APEC và kêu gọi các nền kinh tế APEC đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế để thanh toán bệnh lao trong khu vực.

Hội nghị đã thông qua ‘Tuyên bố chung Moscow về chấm dứt bệnh lao”, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của toàn cầu với những khuyến cáo và hành động cụ thể cho các nước thành viên trong thực hiện tiến trình chấm dứt căn bệnh này trên toàn cầu. Kết quả của hội nghị đã mở ra những cơ hội lớn cho những người mắc lao và cho cộng đồng không còn bệnh lao trên toàn thế giới. Tất cả đang còn ở phía trước đòi hỏi trách nhiệm và hành động cấp cao của mỗi quốc gia thành viên.

PGS.TS.Trần Thị Giáng Hương-Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế Bộ Y tế (từ Maxcova)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hoi-nghi-cap-bo-truong-toan-cau-lan-thu-nhat-ve-cham-dut-benh-lao-n138575.html