Hội nghị ASEM về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng 19-6, tại TP Cần Thơ, Hội nghị ASEM (Diễn đàn hợp tác Á–Âu) về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững – định hướng tương lai khai mạc tại Cần Thơ.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo.

Dự hội nghị có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp do biến đổi khí hậu, trong đó có 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hội nghị ASEM (Diễn đàn hợp tác Á–Âu) về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững – Định hướng tương lai là sáng kiến chung của Australia, Bỉ, Đan Mạch, Italia, Phần Lan, Hà Lan, Myanmar và Việt Nam, cũng như mong muốn của nhiều quốc gia thành viên ASEM khác về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là sáng kiến đầu tiên của ASEM nhằm hiện thực hóa thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 và hướng tới Chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris với mục tiêu đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển định hướng phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị đã chuyển đi thông điệp về vai trò tiên phong và đóng góp hiệu quả của ASEM cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu – thách thức lớn nhất đang đặt ra trong thế kỷ 21.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Đối với Việt Nam, hội nghị là hoạt động lớn nhất của ASEM Việt Nam phối hợp với các thành viên tổ chức trong năm 2018; là một trong gần 25 sáng kiến Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ Diễn đàn ASEM. Hội nghị không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà còn tạo điều kiện để Đồng bằng sông Cửu Long tranh thủ ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ của các đối tác Á-Âu, thiết thực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham gia hội nghị có đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và chỉ rõ, biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Năm 2018 được xác định là năm then chốt hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Vấn đề này không phải vấn đề riêng của mỗi quốc gia, mà là của toàn cầu. Chính vì thế, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó là cần thiết không chỉ vì các thỏa thuận, mà phải là sự vào cuộc của cả nhân loại.

“Chúng tôi coi vấn đề biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu… Và việc chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực của các nước để giải quyết vấn đề này là cần thiết”, bà Andrea Faulkner, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết.

Về vấn đề này, ông Sein Htoon Linn, đại biểu Bộ Tài nguyên và Bảo tồn môi trường Myanmar phát biểu: “Biến đổi khí hậu đang thể hiện rõ ràng với các hiện tượng nước biển dâng, thời tiết cực đoan trong giai đoạn gần đây. Việc ứng phó với chúng không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia”.

Ông Sein Htoon Linn phát biểu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 vấn đề chính: Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu; hành động ứng phó biến đổi khí hậu và định hướng tương lai. Các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết của hội nghị với vai trò chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, cũng như mở ra cơ hội hợp tác đa quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển xanh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, sự tham dự đông đủ của các thành viên ASEM tại hội nghị đã thể hiện quyết tâm cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu – một trong những giải pháp quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hướng tới.

“Chúng ta có thể tự hào vì những đóng góp quan trọng, thiết thực của ASEM trong ứng phó với các vấn đề môi trường trong suốt hai thập kỷ qua. Nổi bật là nỗ lực hợp tác về quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên nước”, đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, các thành viên ASEM đã nhận thấy rõ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu qua các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc ứng phó với vấn đề này cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế, trong đó ASEM là một trong những tổ chức đi đầu.

Để hội nghị và những hoạt động liên quan đạt được kết quả cao nhất, đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Hội nghị cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững; thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó biến đổi khí hậu; đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về biến đổi khí hậu; nhanh chóng áp dụng các sáng kiến xanh của quốc gia thành viên vào cuộc sống, điển hình là Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa ra đại dương do Việt Nam đề xuất và được nhóm G7 ủng hộ.

Ngay sau lễ khai mạc, 10 hoạt động chuyên đề của hội nghị với sự tham gia của các thành viên ASEM sẽ diễn ra trong chiều 19 và sáng 20-6.

Tin, ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hoi-nghi-asem-ve-hanh-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-541834