Hội nghị An ninh Munich: Mỹ kêu gọi đương đầu với Trung Quốc, châu Âu hưởng ứng đẩy mạnh an ninh xuyên Đại Tây Dương

Ngày 19/2, tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các đồng minh châu Âu cùng nhau đương đầu với những thách thức kinh tế và chính trị to lớn từ phía Trung Quốc.

Ngày 19/2 đã diễn ra Hội nghị An ninh Munich (MSC), một trong những hội nghị quan trọng nhất thế giới về chính sách an ninh và quốc phòng, thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà chính trị và chuyên gia nổi tiếng trên toàn thế giới để trao đổi ý kiến và điều phối quan điểm về những vấn đề quốc tế cấp bách trên toàn thế giới.

Mỹ kêu gọi châu Âu đối phó với thách thức từ Trung Quốc, EU, Đức muốn đẩy mạnh hợp tác an ninh

Mỹ kêu gọi châu Âu đối phó với thách thức từ Trung Quốc, EU, Đức muốn đẩy mạnh hợp tác an ninh

Phát biểu tại Hội nghị, ông Biden nói: "Chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho sự cạnh tranh chiến lược dài hạn từ Trung Quốc. Chúng ta phải đảm bảo rằng, các lợi ích tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi và công bằng, không chỉ bởi một số ít. Chúng ta có thể đẩy lùi những hành vi không công bằng trong kinh tế, ép buộc và hạ thấp các nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế".

Trong vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thống Biden kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường các cam kết nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện hữu".

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ chính thức tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, ông Biden nói: "Chúng ta không thể trì hoãn hoặc hành động ở mức tối thiểu để giải quyết biển đổi khí hậu. Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện hữu. Tất cả chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả".

Ngoài ra, ông Biden cũng nhấn mạnh, Mỹ bắt buộc phải phối hợp với các cường quốc hàng đầu thế giới khác để ngăn chặn tham vọng hạt nhân "gây mất ổn định" của Iran. Ông cho hay chính quyền Mỹ đã "sẵn sàng tái tham gia đàm phán" với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân của Tehran. Ông nêu rõ: "Chúng ta phải giải quyết những hành động gây mất ổn định của Iran trên khắp Trung Đông. Chúng tôi sẽ phối hợp với châu Âu và các đối tác khác khi chúng tôi tiến hành".

Phát biểu đáp lại phía Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, Đức đã sẵn sàng cho một chương mới trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, châu Âu và Mỹ cần có một nghị trình rõ ràng cũng như một cách tiếp cận chung trong các vấn đề quốc tế, trên cơ sở đối thoại cởi mở, tôn trọng các giá trị, sự khác biệt và phải có niềm tin về một nền tảng chung tốt đẹp.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, châu Âu và Mỹ cần chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đi đến nhất trí về một khuôn khổ mới cho thị trường kỹ thuật số, nhằm hạn chế sức mạnh của các công ty công nghệ lớn.

Theo bà von der Leyen, cần phải đẩy mạnh cuộc chiến chống thù hận trên không gian mạng vì bạo lực kỹ thuật số cũng có thể biến thành bạo lực trong đời thực. Để giải quyết vấn đề này, bà von der Leyen tin tưởng, EU và Mỹ có thể hợp tác thông qua một "bộ quy tắc kỹ thuật số" có giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập đến sự khác biệt giữa châu Âu và Mỹ, cũng như tính cấp thiết của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và việc cần xây dựng một "chương trình nghị sự mới trong vấn đề an ninh" với châu Âu gánh phần trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề quốc phòng để đạt được mức độ tự chủ chiến lược nhất định. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cũng kêu gọi các nước công nghiệp cần hợp tác cung cấp 13 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho châu Phi, nhằm bảo vệ lực lượng nhân viên y tế của lục địa Đen.

(theo Reuter/AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-an-ninh-munich-my-keu-goi-duong-dau-voi-trung-quoc-chau-au-huong-ung-day-manh-an-ninh-xuyen-dai-tay-duong-137144.html