Hội nghị 30 năm thu hút FDI: Cơ hội xúc tiến đầu tư ở tầm quốc gia

Cùng với ý nghĩa tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đề ra định hướng chiến lược trong tình hình mới, thì Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI có thể nói đã trở thành một chương trình xúc tiến đầu tư ở tầm quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI sáng ngày 4/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một mặt đánh giá cao Báo cáo tổng kết 30 năm thu hút FDI, đồng thời biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị tổng kết gắn liền với nhiều hoạt động bên lề, như Triển lãm thành tựu 30 năm FDI; chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài; cũng như các cuộc gặp giữa các nhà đầu tư với các bộ, ngành, địa phương,...

Thủ tướng thăm gian hàng triển lãm của Doanh nghiệp FDI

Thủ tướng đã nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị như một “hoạt động xúc tiến đầu tư cấp quốc gia”.

Điều này là hoàn toàn chính xác nếu nhìn vào số lượng đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài tham dự Hội nghị, cũng như tham dự Triển lãm. Không chỉ có những tên tuổi nước ngoài lớn, như Samsung, như Nissin, Hanwha, Cargill…, mà cũng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hồ hởi tham gia các hoạt động bên lề, với kỳ vọng có thể hợp tác kinh doanh và đầu tư với các doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, Công ty Geleximco, 4P Electronics, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao…

Sáng nay, tại Hội nghị, Tại Hội nghị, Công ty cổ phần VNG (VNG) và Quỹ đầu tư Singapore Temasek Holdings đã trao biên bản ghi nhớ (MOU) về việc đầu tư và hợp tác song phương. Theo đó, Temasek Holdings và VNG sẽ cùng nhau tìm kiếm cơ hội đầu tư chiến lược và mở rộng hợp tác kinh doanh trong thời gian tới, trong các lĩnh vực dịch vụ công nghệ, như dịch vụ đám mây…

Đây là văn kiện hợp tác duy nhất được trao tại Hội nghị về lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực đang được Chính phủ ưu tiên chú trọng để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, hàng loạt MOU và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng đã được trao cho các dự án, với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới gần 10 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý có các dự án đầu tư cảng cạn 1,5 tỷ USD, dự án Vietnamobile tăng vốn thêm 800 triệu USD ở Hà Nội, hay các dự án Hyosung 1,3 tỷ USD ở Quảng Nam, dự án điện khí 4 tỷ USD của Delta Offshore Energy ở Bạc Liêu…

Buổi chiều, là các cuộc tiếp xúc, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Trong một gian phòng khá rộng, những chiếc bàn tròn được kê sát liền nhau, nhưng đều kín chỗ. Mỗi khu vực dành riêng cho các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ du lịch và dịch vụ, logistics, công nghiệp chế tạo đến công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, nông nghiệp…, để bất cứ doanh nghiệp nào quan tâm, có thể tới trao đổi, thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Chưa thể sớm khẳng định hiệu quả của chương trình kết nối này, nhưng khi thấy các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước và cả đại diện các địa phương cùng bắt tay nhau rất chặt, cùng hồ hởi trao đổi, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt ra. Sẽ có thêm nhiều thỏa thuận được ký kết, sẽ có thêm nhiều dự án được đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam đang hội tụ nhiều cơ hội lớn để thu hút đầu tư nước ngoài. Phát biểu tại Hội nghị, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thể hiện mối quan tâm với điểm đến đầu tư Việt Nam, coi Việt Nam như một địa điểm đầu tư hàng đầu.

“Với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư về Việt Nam, coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất của mình trên toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI đã được tổ chức thành công. Nhiều kỳ vọng mới đang mở ra cho thu hút FDI của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoi-nghi-30-nam-thu-hut-fdi-co-hoi-xuc-tien-dau-tu-o-tam-quoc-gia-d88855.html