Hồi này sao khổ bằng hồi xưa!

Đám cưới thằng út tổ chức ở Sài Gòn. Sẵn dịp, ba má và anh em tôi vào thành phố chơi một chuyến. Sáng cuối tuần, cả nhà đi uống cà phê. Em gái nhìn menu, lướt sơ chưa biết chọn món gì. Ba tôi mắt đã kèm nhèm, vẫn kịp hốt hoảng: 'Chu cha, sữa chua hột đác mắc dữ hả con? Không bù ngày xưa'…

Sữa chua hột đác. Ảnh minh họa, nguồn: JAMJA.

“Ngày xưa” là khi năm anh em chúng tôi còn quá nhỏ, má quanh quẩn ở nhà chăm con, mình ba gánh hết mọi chuyện. Sau Tết, khi mùa gió Nam về, miền Trung nắng đến rộp da, làng quê xơ xác, chẳng còn việc gì làm để có thể ra tiền mua gạo, ba và một vài người trong làng rủ nhau đi rừng hái hột đác hoặc tìm quả ươi.

Ba kể, sau một ngày đi bộ thì tới rừng, nhóm của ba đốt lửa, bỏ nắm gạo mang theo vào nồi nấu cháo. Mỗi người một bát, nước lõng bõng, húp cái rột là hết.

Một ngày đi bộ ròng rã, chân mỏi nhừ nhưng chẳng ai ngủ được, phần do đói, phần tại muỗi. Muỗi rừng to như con ong, có người đi về, bị muỗi đốt, sốt rét hành hạ cả năm trời.

“Cây đác cao như cây dừa, ra buồng tuốt trên ngọn. Ba và các bác chia nhau, người phát bụi rậm, xua đuổi rắn rết. Người hạ cây, lấy buồng. Hột đác nhiều nhựa, đụng phải là ngứa tuột mình. Để bớt nhựa và dễ lấy hột, mình chất buồng đác tươi lên đốt cháy, sau đó ép lấy hột” - ba kể, những ngày tháng cơ cực hiện về trên khuôn mặt đầy vết nhăn của ông.

Hột đác trắng trong, ấm nóng, ăn sần sật, béo và bùi. Nhóm người sau một đêm ngủ đói, bốc ăn lia lịa. Có ông Chín, ăn nhiều đến mức đi không nổi, nằm rên hừ hừ, mắt trợn ngược, phải móc họng ói ra. Sau bận đó, mỗi lần nhắc đến hột đác, ông Chín tái hết mặt. Một ngày ròng rã, chặt, đốt, mang vác. Nhóm của ba ngủ lại rừng một đêm nữa. Sáng hôm sau cuốc bộ về làng. Một balô hột đác, bán chưa được chục nghìn đồng, đong được vài ký gạo cho lũ con nheo nhóc.

Ba bảo: “Ngoài đác còn trái ư (trái ươi - người quê tôi phát âm vần “ươi” thành “ư”). Tìm trái ư thì đỡ hơn, mình không phải trèo. Cây ư 10 năm mới cho quả, 4 năm ra quả một lần. Ư già chín rụng xuống gốc, mình lượm bỏ balô. Lượm ư chỉ sợ trời mưa, vì ư gặp mưa là nở bung bét, giẫm phải ư nở trượt té bể đầu. Thời của ba, năm nào dân chúng đổ xô vào rừng hái đác, tìm ư là năm đó hạn hán, đói kém lắm. Mà gần đây, ba xem tivi, đọc báo, thấy người ta cũng đi rừng tìm ư nhưng họ không có lượm mà chặt hạ, non già vặt hết. Người ta nói ư là “trái vàng” bởi bán được nhiều tiền, nhưng ư non đâu có ngon. Hái ư kiểu như vầy, sau còn ư đâu nữa. Hồi này sao khổ bằng hồi xưa mà mình làm cái gì cũng kiểu tận diệt.

Nghĩ thấy buồn, con ha”.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/hoi-nay-sao-kho-bang-hoi-xua-613637.ldo