'Hồi mã thương': Pakistan dùng độc chiêu lạ để giải quyết nạn châu chấu tệ hại nhất nhiều thập kỉ

Ngoài những cách xử lí châu chấu thông thường, Pakistan sẽ biến hàng trăm nghìn tấn châu chấu thành phân bón thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng.

Ý tưởng táo bạo

Để đối phó với nạn châu chấu xâm chiếm vùng Pakistan, chính phủ nước này đã quyết định sẽ biến những đàn côn trùng này thành phân bón. Được biết, châu chấu là mối đe dọa đối với kinh tế của Pakistan còn hơn cả đại dịch do virus corona gây ra.

Theo thông báo chính thức, Bộ An ninh và Nghiên cứu Lương thực Quốc gia Pakistan (NFS&R) đã đề xuất khuyến khích người dân thu thập châu chấu thông qua huy động chiến dịch cộng đồng để kiểm soát tận gốc nạn châu chấu.

NFS&R sẽ tiên phong trong việc biến cuộc khủng hoảng châu chấu trở thành cơ hội để bắt đầu phát triển phân hữu cơ sinh học nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng.

"Phân bón tổng hợp từ châu chấu sẽ có thêm lượng N (9%) và P (7%) so với phân bón thông thường. Đầu tiên, châu chấu sẽ được tiếp tục cho phát triển theo chương trình huy động cộng đồng," thông báo cho hay.

Các chuyên gia cũng sẽ tham gia vào quá trinh nghiên cứu, mở rộng và xử lí các loại phân bón. Sau đó, phân bón tiêu chuẩn sẽ được tạo ra từ hỗn hợp châu chấu và các nguyên liệu thải sinh học khác.

"Sẽ có hệ thống thị trường và phân phối để khuyến khích việc sử dụng loại phân bón này trong nông nghiệp giá trị cao và nông nghiệp sinh học. Các cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Cholistan và sa mạc Thar trong 3-4 mùa hè tiếp theo".

Ảnh: CGTN

Ảnh: CGTN

Các cơ sở khác cũng sẽ phát triển bẫy châu chấu (đào rãnh bẫy, bẫy lưới, dùng máy hút...) và có khoảng 50 công trình được sử dụng làm kho chứa và xử lí châu chấu.

Các văn phòng tại Viện Nghiên cứu Tài nguyên Đất (LRRI) sẽ hỗ trợ khoa học cho quá trình sản xuất phân bón tiêu chuẩn. Công ty PARC Agrotech (PATCO) sẽ hợp tác với các ngành tư nhân để dán nhãn, đóng gói, quảng bá và tạo thương hiệu ở cấp quốc gia. Ngoài ra, các sản phẩm phân bón được chứng nhận sẽ được khuyến khích cho mục tiêu xuất khẩu.

Theo dự kiến, dự án phân bón châu chấu sẽ giúp tăng sản lượng các vụ mùa thêm 10-15%, giảm việc sử dụng phân bón hóa học tới 25%, cải thiện lượng vật chất sinh học trong đất, độ màu mỡ và dinh dưỡng của đất.

Thông báo cho biết chương trình này sẽ được khuyến khích trên toàn Pakistan. Các cơ sở sẽ tiếp tục sản xuất phân bón cho dù có hay không có châu chấu. Trong năm đầu tiên, dự án dự kiến sẽ sản xuất được khối lượng phân bón trị giá gần 6 triệu USD.

"Với 100.000 tấn châu chấu, có thể sản xuất được 70.000 tấn phân bón. Dự án sẽ hoàn vốn trong vòng 3 năm và hiện đang trong giai đoạn chấp thuận."

Châu chấu tại Ấn Độ

Theo Sở Nông nghiệp bang Rajasthan (Ấn Độ), bang này đang phải đối diện với một đợt tấn công từ các đàn châu chấu mới.

"Châu chấu đã liên tiếp tấn công mùa màng trong 1,5 tháng qua. Rajasthan là một trong những bang bị tấn công nặng nề nhất - tại các quận Jodhpur, Jaisalmer, Barmer, Ganganagar giáp biên giới với Pakistan," BR Kadwa, phó giám đốc Sở Nông nghiệp Rajasthan, trả lời hãng tin ANI.

"Các chiến dịch đang được tiến hành để kiểm soát châu chấu. Vấn đề nằm ở chỗ, khi chúng tôi tiêu diệt một đàn, lại có những đàn châu chấu khác xuất hiện. Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ sử dụng máy bay trực thăng của hải quân để tấn công chúng".

Châu chấu tại bang Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: PTI

Theo ông Kadwa, biên giới Ấn Độ - Pakistan là vùng "ổ sinh sản" của châu chấu. Gió mùa sẽ bắt đầu tại Rajasthan trong khoảng ngày 24-25/6 và chính quyền tại Tổ chức Cảnh báo Chấu chấu (LWO) sẽ chuẩn bị các kế hoạch nhằm kiểm soát số lượng của châu chấu tại những vùng sa mạc giữa Ấn Độ và Pakistan.

Hiện tại, phương pháp được các quận ở Ấn Độ sử dụng chủ yếu là dùng thiết bị bay (drone) để phun thuốc trừ sâu trên diện rộng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể phun được thuốc ở độ cao dưới 10m và các drone vẫn khó tiếp cận được nhiều khu vực hiểm trở cũng như không thể phun ở trên các cây quá cao.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hoi-ma-thuong-pakistan-dung-doc-chieu-la-de-giai-quyet-nan-chau-chau-te-hai-nhat-nhieu-thap-ki-82020256194844872.htm