Hội Luật gia Việt Nam từng chỉ ra nhiều sai phạm trong vụ cổ phần hóa HACINCO

Văn bản của Hội Luật gia Việt Nam nêu rõ: 'Việc các nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần tại Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội là vi phạm quy định quy chế đấu giá và sẽ không được chấp nhận'.

Như báo Gia đình và Xã hội đã thông tin, ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO với một số nội dung chính như sau: Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: 31/12/2004; Giá trị thực tế doanh nghiệp: 260.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước: 7.189.588.114 đồng; Vốn điều lệ dự kiến: 50 tỷ đồng; Giá khởi điểm cổ phần chào bán: 10.000 đồng/1 cổ phần.

Ngày 25/10/2005, hàng chục nhà đầu tư đã mua cổ phần của HACINCO trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Các nhà đầu tư này đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần theo đúng các quy định với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.

Ngày 01 - 02/12/2005, HACINCO đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Công ty cổ phần.

Tuy nhiên, 10 năm sau đó, đến tận ngày hôm nay, HACINCO vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật dù đã được các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương ra nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục.

Liên quan đến vụ cổ phần hóa tại Công ty HACINCO, từ năm 2008, UBND TP Hà Nội đã gửi Công văn số 575/UBND-CN tham vấn ý kiến của Hội Luật gia Việt Nam liên quan đến quá trình cổ phần hóa HACINCO.

Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đối chiếu với các quy định pháp luật, đại diện Hội Luật gia Việt Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam - GS.TSKH Đào Trí Úc đã ký ban hành văn bản số 228/CV-HLGVN đưa ra quan điểm chính thức của Hội Luật gia Việt Nam như sau:

Văn bản của Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm về vụ cổ phần hóa HACINCO

"1. Về việc tính trùng cổ phần bán theo giá ưu đãi cho người lao động khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, thời gian xác định được mua cổ phần ưu đãi của người lao động trong công ty là 5.590 năm, trong đó có 3.278 năm đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp của công ty là Khách sạn Hacinco.

Về nguyên tắc, sau khi Khách sạn Hacinco được cổ phần hóa sẽ trở thành công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội là cổ đông của Khách sạn Hacinco sau khi được cổ phần hóa, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội không phải là cấp trên với đơn vị này và số cán bộ công nhân viên của đơn vị này cũng không phải là của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội.

Như vậy số năm công tác được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội chỉ còn 2.312 năm. Chúng tôi cho rằng cách tính này sẽ có một số cổ đông được xét 2 lần cổ đông ưu đãi như vậy là sai quy định, không hợp lý.

Vì vậy, theo ý kiến chúng tôi các cán bộ công nhân viên đã mua cổ phần của Khách sạn Hacinco sau khi được cổ phần hóa sẽ không có quyền mua cổ phần ưu đãi của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội.

2. Theo quy định tại điểm 5.1 và điểm 5.3 mục B Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính quy định: “Trong phạm vi 15 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả đấu giá, cơ quan thực hiện bán đấu giá và nhà đầu tư (gồm cả người lao động và nhà đầu tư chiến lược) có trách nhiệm hoàn tất việc mua bán cổ phần và chuyển tiền mua cổ phần về tài khoản của doanh nghiệp cổ phần hóa”.

Nếu quá thời hạn 15 ngày mà nhà đầu tư (cả người lao động trong doanh nghiệp và nhà đầu tư chiến lược) vẫn không nộp và nộp không đủ so với số tiền phải thanh toán mua cổ phần thì số cổ phần chưa thanh toán được coi là số cổ phần đầu tư từ chối không mua hết và được xử lý theo quy định của Điều 6, Phần B, Mục 5 của Thông tư số 126/2004/TT-BTC.

Như vậy, đối với các nhà đầu tư trúng đấu giá phải có trách nhiệm nộp tiền tại nơi mình đăng ký mua cổ phần đó là Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt hoặc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Sau khi hoàn tất việc thanh toán này thì Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tiếp tục thực hiện việc chuyển toàn bộ số tiền bán cổ phần đó vào tài khoản của doanh nghiệp.

Việc nhà đầu tư không thực hiện việc thanh toán số tiền mua cổ phần tại nới đăng ký mua mà nộp vào tài khoản của doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội là không đúng quy định.

Trong trường hợp này, việc các nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần tại Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội là vi phạm quy định quy chế đấu giá và sẽ không được chấp nhận.

3. Theo quy định của pháp luật: Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp được phép chuyển nợ thành vốn góp nhưng các khoản nợ đó phải được xác định trong hồ sơ công nợ bao gồm: hợp đồng hoặc khế ước vay, thống kê các khoản nợ, lập danh sách đối chiếu có đầy đủ cơ sở đúng thủ tục pháp lý chứng minh khoản nợ đó là có thật trước thời điểm cổ phần hóa.

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ quy định thì việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần được xác định thông qua kết quả đấu giá bán cổ phần hoặc do doanh nghiệp và chủ nợ thỏa thuận để xác định giá tham gia đấu giá.

Trong khoản 2 điều này còn quy định: Trong quá trình cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn do kinh doanh thua lỗ thì xử lý nợ theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng. Nếu các khoản nợ xác định sau thời điểm cổ phần hóa sai với các quy định nêu trên thì các khoản nợ đó không được chuyển thành vốn góp.

4. Về việc UBND TP. Hà Nội dự kiến điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội tại Quyết định số 7867/QD-UB ngày 30/11/2005 của UBND TP. Hà Nội.

Theo quan điểm của Hội Luật gia Việt Nam: Việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn góp phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này việc cổ phần hóa đã để kéo dài nhiều năm vì có một số sai phạm, nếu tiếp tục kéo dài thì sẽ bất lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Việc điều chỉnh vốn mà Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội sẽ phải góp thêm 18.711.843.478 đồng vào Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội là trái với Điều 3, Nghị định 187/2004 NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về hình thức cổ phần hóa công ty nhà nước.

Việc tăng vốn do đại hội đồng cổ đông hợp pháp của công ty cổ phần quyết định theo điều lệ của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh vốn điều lệ Công ty Đầu tư xây dựng số 2 cần phải xem xét cẩn trọng bảo đảm hài hòa lợi ích và quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư (đó là các cổ đông, bao gồm cả cổ đông Nhà nước) hợp pháp trực tiếp tham gia đấu giá lần đầu”.

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hoi-luat-gia-viet-nam-tung-chi-ra-nhieu-sai-pham-trong-vu-co-phan-hoa-hacinco-20171228154356555.htm