Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý năm 2019

Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý năm 2019 cho 85 đại biểu là lãnh đạo hội Luật gia các tỉnh, thành phố phía Bắc và các chi hội trực thuộc Trung ương hội.

Thực hiện Quyết định số 705/QĐ – TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017- 2021, Kế hoạch năm 2019 triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021", sáng 29/11, tại Khách sạn Ánh Phương, Khu du lịch Hải Tiến (Thanh Hóa), Trung ương hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị Tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Hội Luật các tỉnh, thành thuộc hội phía Bắc và các chi hội trực thuộc Trung ương hội năm 2019.

Tham dự hội nghị có 85 đại biểu đại diện cho lãnh đạo hội Luật gia Việt Nam các tỉnh, thành phố phía Bắc và các chi hội trực thuộc Trung ương Hội.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam đã thay mặt Trung ương Hội phát biểu khai mạc và điều hành chương trình làm việc của hội nghị.

Theo sự phân công của ban tổ chức, Tiến sĩ Trần Văn Quảng, Phó trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật trình bày chuyên đề “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở góp phần thực hiện xã hội hóa” tới các đại biểu tham dự hội nghị.

Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, năm 2014, hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương hội để thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Hội xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình, giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội.

Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các tỉnh, thành thuộc hội phía Bắc và các chi hội trực thuộc Trung ương hội năm 2019.

Ở địa phương, hội Luật gia các tỉnh, thành phố đều là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp. Đại diện của hội Luật gia các tỉnh, thành phố tham gia tích cực và có trách nhiệm vào hoạt động của hội đồng, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Tiến sĩ Trần Văn Quảng đã truyền tải tới các đại biểu kinh nghiệm trong thực tiễn về lựa chọn phương pháp, cách thức để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao như: Tổ chức các hội thi ở các cấp cơ sở nhằm tạo sự hứng khởi, lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Ngoài ra, các cấp hội cần tận dụng ứng dụng của công nghệ thông tin làm phương tiện nhằm truyền tải đưa pháp luật về với người dân được tốt hơn.

Tiến sĩ Trần Văn Quảng, Phó trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật hội Luật gia Việt Nam trình bày báo cáo tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, hội Luật gia Việt Nam đã trình bày Báo cáo khảo sát một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của hội Luật gia cơ sở và việc xây dựng mô hình trung tâm pháp luật cộng đồng.

Qua công tác nghiên cứu, khảo sát của hội Luật gia Việt Nam trong thời gian qua nhận thấy, hội Luật gia TP.Hà Nội đã thành lập và triển khai, áp dụng mô hình Tổ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của thành phố và 30 xã phường trực thuộc.

Mục đích của Tổ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở. Quá trình hoạt động, các tổ tuyên truyền này đã đạt được hiệu quả rất tốt nhằm thực hiện mục tiêu đưa pháp luật đến với người dân.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, hội Luật gia Việt Nam trình bày Báo cáo khảo sát một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của hội Luật gia cơ sở và việc xây dựng mô hình trung tâm pháp luật cộng đồng.

Tại TP.Hồ Chí Minh: Hội Luật gia Việt Nam quận 6 đã thành lập được Tổ pháp luật cộng đồng của quận và 14 phường trực thuộc. Cán bộ nòng cốt các Tổ pháp luật cộng đồng là các hội viên hội Luật gia cơ sở, các luật gia và sự tham gia của cán bộ địa phương …

Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết, theo thống kê, hiện tại, có 3,5% hòa giải viên cơ sở có chuyên môn luật nên nhiều biên bản hòa giải không được tòa án các cấp chấp nhận vì trái luật. Điều này cho thấy sự cần thiết của các luật gia, những người có chuyên môn, kiến thức về pháp luật tham gia vào các tổ hòa giải tại cơ sở để công tác này đạt hiệu quả cao và thiết thực.

Ông Dương Đình Khuyến, Trưởng ban tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hội Luật gia Việt Nam thay mặt Trung ương hội trình bày báo cáo sơ kết Công tác trợ giúp pháp lý của hội Luật gia các cấp sau 2 năm thực hiện luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Ông Dương Đình Khuyến, Trưởng ban tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hội Luật gia Việt Nam, hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã chủ động chỉ đạo các trung tâm trợ giúp pháp lý trực thuộc củng cố tổ chức, sắp xếp, bổ sung các điều kiện tối thiểu theo quy định tại Điều 14, luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 về các điều kiện để lựa chọn, ký hợp đồng trợ giúp pháp lý.

Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, ông Nguyễn Đình Lục, Chủ tịch hội Phổ biến và tham vấn pháp luật Việt Nam trình bày tham luận Nâng cao kỹ năng cho báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật. Theo ông Lục, đầu tiên, người báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cần trau dồi kỹ năng về tuyên truyền bằng miệng. Để có kỹ năng này, người trình bày là các báo cáo viên phải có kỹ năng sư phạm, phải có sự chuẩn bị kế hoạch chu đáo, phải xác định được trọng tâm về vấn đề định phổ biến ...

Các đại biểu chăm chú lắng nghe phần trình bày về các kỹ năng cần thiết cho báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật.

Chủ tịch hội Phổ biến và tham vấn pháp luật Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, tùy từng điều kiện, địa phương cụ thể, người tuyên truyền có thể sử dụng từ địa phương để tăng tính tương tác, đồng thời phải có kỹ năng gây ấn tượng với người nghe để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Ngoài ra, người tuyên truyền cần tạo được độ tin cậy, tin tưởng cho người nghe, cử chỉ, phong thái, nét mặt buổi giao tiếp ban đầu cũng rất quan trọng ...

Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoi-luat-gia-viet-nam-to-chuc-tap-huan-kien-thuc-ky-nang-pho-bien-giao-duc-phap-luat-va-tro-giup-phap-ly-nam-2019-a458054.html