Hội LHPN Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tập trung ứng phó mưa lũ lớn tại miền Trung

Theo Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, hiện nhiều địa phương trong tỉnh bị lũ ngập nặng nề, trong đó phải kể đến huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh… Riêng huyện Minh Hóa có 16 bản của xã Trọng Hóa (Lòm, Cây Dừa, Pa Chong…); các bản Tà Rà, Hà Nông, Ka Vi, Oóc, Ka Ai của Dân Hóa và các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa bị ngập, cô lập và chia cắt.

 Mưa khiến các địa phương vùng "rốn lũ" Quảng Bình bị nhấn chìm trong biển nước

Mưa khiến các địa phương vùng "rốn lũ" Quảng Bình bị nhấn chìm trong biển nước

Tại khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, mưa lớn xuất hiện từ đêm qua đến sáng nay với lượng phổ biến 100-200mm, một số nơi trên 300mm. Nhiều địa phương của các tỉnh miền Trung bị cô lập hoàn toàn, có nơi bị nhấn chìm trong biển nước.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 6 đến 9/10/2020, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 100mm, có nơi như huyện Minh Hóa lượng mưa vượt mức 740mm.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ đã làm cho 12.616 ngôi nhà của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập trên 2m.

Tại vùng "rốn lũ" xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, có 550 nhà bị ngập sâu từ 1 - 2,5m, trong đó nhiều nơi ngập sâu gần 3m. Xã Yên Hóa có 50 hộ bị ngập đến 1m; thị trấn Quy Đạt 17 hộ ngập lũ….Các trường học, trụ sở làm việc bị ngập từ 0,5 - 1m.

Đến 10 giờ sáng nay (9/10), nước sông Kiến Giang tại Lệ Thủy dâng 2,8m trên mức báo động III, sông Gianh tại xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, dâng cao 1m vượt mức báo động II và xuống chậm gây chia cắt nhiều khu dân cư ở các xã trong tỉnh.

Theo Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, hiện nhiều địa phương trong tỉnh bị lũ ngập nặng nề, trong đó phải kể đến huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh… Riêng huyện Minh Hóa có 16 bản của xã Trọng Hóa (Lòm, Cây Dừa, Pa Chong…); các bản Tà Rà, Hà Nông, Ka Vi, Oóc, Ka Ai của Dân Hóa và các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa bị ngập, cô lập và chia cắt.

Người dân xã Minh Hóa, Quảng Bình phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Bà Đinh Thị Ngọc Lê - Chủ tịch hội LHPN huyện Minh Hóa - cho biết, hiện vùng "rốn lũ" Tân Hóa đã có hơn 550 ngôi nhà dân bị ngập sâu. Trong đó có nhiều nhà ngập sâu đến 2m. Nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt gia đình bị nước nhấn chìm và cuốn trôi. Trước tình hình đó, Hội LHPN huyện đã đôn đốc, tuyên truyền đến chị em chủ động ứng phó, tích trữ lương thực. Đến 10h sáng nay (9/10), mặc dù mực nước lên cao nhưng ở các cơ sở vẫn đảm bảo an toàn, chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Trước đó, chính quyền địa phương và người dân Tân Hóa cũng đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 2.000 con của xã lên vùng cao để tránh lũ. Cùng với đó, hiện toàn bộ người dân trong xã đã có nhà phao, nhà bè để "sống chung với lũ" nên không có thiệt hại về người.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, cho biết, Tỉnh Hội đã chỉ đạo Hội LHPN cơ sở, các địa phương túc trực, hỗ trợ bà con đi lại và phối hợp với các ban ngành cung cấp lương thực cho người dân. Các cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để túc trực 24/24 sẵn sàng ứng phó các sự cố và vận động người dân đến các nơi ở cao, không qua lại các điểm ngập tràn nguy hiểm.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa vẫn tiếp tục trên diện rộng, lũ trên các sông có xuống nhưng rất chậm, thời điểm hiện tại ở nhiều nơi vẫn trên mức báo động 3. Đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông quan trọng vẫn đang trong tình trạng bị tê liệt do ngập lụt nặng và bị hư hỏng nghiêm trọng do mưa lũ gây ra. Đến 11h trưa ngày 9/10, địa bàn huyện Triệu Phong có 5.902 hộ dân bị ngập lụt; 283 hộ ở nơi thấp trũng phải di dời; 193ha nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch ở các xã Triệu Phước, Triệu An, Triệu Trung, Triệu Độ… bị nước cuốn trôi.

Mưa lũ lớn tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề

Tại huyện Hải Lăng, đến trưa nay nước lũ đã lên cao hơn ngày hôm qua từ 30 -50cm. Toàn huyện có 2.954 hộ bị ngập, các địa phương đã di dời, sơ tán 991 hộ đến nơi an toàn. Các xã vùng thấp như Hải Sơn, Hải Hòa, Hải Chánh, Hải Phong…, nước đã ngập sâu trong khu dân cư. Tại 2 thôn Mai Đàn và Thượng Nguyên, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, có khoảng 80 hộ dân bị nước ngập sâu từ 1,5 - trên 2m. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Hải Lăng mới di dời được một số hộ dân, số còn lại chưa chịu sơ tán khi được cảnh bảo nên khi nước lên nhanh đã mắc kẹt.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Hội LHPN các địa phương tuyên truyền chị em và người dân thực hiện phương án an toàn. Theo đó, tùy thuộc vào tình hình lũ lụt ở mỗi địa phương, Hội phụ nữ các cơ sở phối hợp với các lực lượng tiếp tục di dời, sơ tán, ứng cứu những hộ dân còn lại đang bị ngập lụt và sắp ngập lụt ở các thôn xã để trú tránh an toàn, đảm bảo không bị đói, rét. Hội LHPN tỉnh Quảng Trị cũng đang chờ mưa lũ rút để giúp dân khắc phục, hỗ trợ sửa sang nhà cửa của các hội viên bị mưa lũ làm hư hỏng; gió lốc làm tốc.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nước lũ trên sông Bồ ở huyện Phong Điền chỉ còn cách báo động 3 là 0,4m. Khi nhận được thông báo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hồ thủy điện Hương Điền sẽ xả lũ với lưu lượng lớn từ 1.400 m3/giây-1.800 m3/giây bắt đầu từ 6 giờ ngày 9/10, hệ thống chính quyền cơ sở của Phong Điền đã nhanh chóng vào cuộc để thông tin kịp thời đến người dân thông qua hệ thống loa phát thanh, loa cầm tay cũng như qua tin nhắn, mạng xã hội.

Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế, bị ngập sâu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, từ ngày 7/10 đến nay huyện đã tổ chức di dời 599 hộ với 1.771 khẩu ở các điểm thấp trũng. Nhiều xã của huyện như Phong Hòa, Phong Bình đang bị cô lập bởi nước lũ, các tuyến đường vào xã đều bị ngập sâu gần 1m, các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế phải sử dụng ghe thuyền hoặc canô.

Tại TP Huế, đến 13 giờ ngày 9/10, có trên 30 tuyến đường ở đây bị ngập lụt, có nơi ngập sâu hơn 1m. Trước tình hình đó, Công an TP Huế đã triển khai lực lượng di dời 32 hộ dân, 6 dãy trọ hơn 130 người ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. Hiện đơn vị đang tiếp tục khảo sát di dời những hộ trong vùng thấp trũng có nguy cơ bị ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đối với các tuyến đường bị ngập lụt và đoạn qua khu vực Đập Đá, công an chốt chặn, tuần tra kiểm soát nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

"Hiện nay ở địa phương mưa rất lớn, cộng với nước lũ về nên người dân đang khẩn trương di dời những tài sản lên cao, đề phòng nước lũ tiếp tục lên. Hiện Tỉnh Hội đã khuyến cáo các hội viên và người dân ở những nơi thấp trũng, gần sông suối di chuyển, sơ tán đến vùng cao, nhà cao tầng gần nhất. Nhưng không được di chuyển khi nước lũ dâng cao, phải gọi điện nhờ giúp đỡ, trợ giúp từ chính quyền và người thân. Bên cạnh đó, chủ động tích trữ lương thực, nước sạch, năng lượng dự phòng, sạc đầy điện thoại... đề phòng trường hợp xấu xảy ra", bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết.

Đình Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-lhpn-quang-binh-quang-tri-thua-thien-hue-tap-trung-doi-pho-mua-lu-lon-tai-mien-trung-20201009145021016.htm