Hội & Ký ức một thời để nhớ!

Hơn 3 thập kỷ trước, Ban Bí thư Trung ương Đảng Quyết định lấy ngày xuất bản sốđầu tiên Báo Thanh Niên 21/6/1925 là ngày kỷ niệm truyền thống của làng báo Cáchmạng Việt Nam.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày tại Nhà truyền thống Hội Nhà báo Việt Nam tại Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Sơn Hải

Sự ra đời của Báo Thanh Niên là chân trời mới, là suối nguồn cách mạng, để sau đó 25 năm, ngày 21/4/1950 của thế kỷ trước, Hội Nhà báo Việt Nam ra đời và trở thành“ngôi nhà chung” của những người làm báo nước ta.

68 năm trước, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh, Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được thành lập vào ngày 21/4/1950 tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa thuộc An toàn khu (ATK) thời kháng chiến 9 năm trường kỳ.

Tháng 8/2004, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận nơi “chào đời” của giới báo chí cả nước là Di tích lịch sử quốc gia. Trân trọng, tri ân nơi “chôn rau, cắt rốn” của làng báo Việt, Hội Nhà báo Việt Nam đã dựng bia di tích cùng nhà hai tầng làm nơi trưng bày những ký ức đáng nhớ về sự kiện trọng đại của Hội. Hỗ trợ, giúp đỡ địa phương một số hiện vật phục vụ đời sống tinh thần của bà con từng chia sẻ ngọt bùi với mình thời chinh chiến “nếm mật nằm gai” nơi thủ đô gió ngàn.

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 68 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 21/4, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội dẫn đầu đoàn cán bộ, phóng viên... với 68 người (tương ứng 68 năm thành lập Hội) hành hương về xã Điềm Mặc ôn cố tri tân. Không ít nhà báo trẻ lần đầu đến đây đã rơi lệ bởi ký ức của lớp người đi trước.

Dừng chân và như tắm mình bởi ký ức nhân bản tại nhà lưu niệm Bác Hồ thời 9 năm trường kỳ đặt ở Đèo De, các thế hệ làm báo, làm công tác Hội nhận thức thêm vẻ đẹp cao sang đến lãng mạn cách mạng một thời làm báo gian khổ, rất đỗi tự hào, ở chiến khu của lớp trước. Ai đó đã thốt lên: “Thời làm báo 9 năm gian khổ mà tự hào bởi có Bác Hồ dẫn dắt và luôn ở cạnh mình trong rừng già: Bác ở bên này Đèo De, con cháu làm báo ở bên kia núi Hồng”.

Các thế hệ làm báo Việt Nam luôn tâm niệm, đời đời nhớ ơn, tri ân Bác Hồ, Người không chỉ là lãnh tụ anh minh, anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới mà còn là người Thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Sự ra đời, sự cống hiến vô giá của tờ Thanh Niên ra đời cách đây 93 năm, chính là đột phá của thế kỷ XX, tạo nền móng về chính trị, tư tưởng, tổ chức để Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau đó 5 năm.

Tri ân Người, làng báo Việt trong nhiều năm qua ra sức học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Tất cả đều hướng tới “Chân, Thiện, Mỹ” để đồng hành cùng sự nghiệp dựng xây, bảo vệ đất nước.
Hòa bình lập lại vào tháng 7/1954, từ núi ngàn Việt Bắc trở về Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đặt đại bản doanh tại 59 phố Lý Thái Tổ, tên vị vua ra chiếu dời đô từ Hoa Lư về nơi rồng cuộn hổ ngồi. Dịp lễ, Tết, ngày Quốc khánh hay mở Đại hội toàn quốc, Hội lại tổ chức vào Lăng viếng Bác, báo công với người Thầy vĩ đại đã dầy công chỉ vẽ tận tình đội ngũ làm báo; nhưng Bác Hồ rất mực khiêm tốn chỉ nhận mình là người “có duyên nợ với báo chí”. Thiên tài như thế rõ ràng cực hiếm.

Tự hào thay, đúng như lời của Bác, “Tờ báo là ngọn cờ cách mạng. Nhà báo cũng là chiến sỹ”. 62 năm trước, khu vực phố Lý Thái Tổ cùng Đông Kinh Nghĩa Thục gọi là Liên khu I nằm lọt trong vành đai lửa cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không, chỉ 60 ngày đêm ác liệt. Các nhà báo Hoàng Phong, Hải Ly tham gia chiến đấu với các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô tương lai tại phố Hàng Bè, Phát Lộc. Tại Liên Khu II (phía Nam) có các nhà báo Như Phong, Hồng Hà. Liên khu III (phía Tây Hà Nội) có nhà báo Lưu Động và Thanh Đạm... Ngày đó, nói chung các nhà báo vừa làm tin, viết bài vừa chắc tay súng cùng bộ đội bảo vệ từng tấc đất của Hà Nội.

Miền Nam, là tiền tuyến lớn của thời kháng chiến chống Mỹ, ngày 11/11/1961 Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam cũng ra đời. Trong khói lửa chiến tranh, Hội cùng các nhà báo yêu nước trong rừng già, bưng biển ĐBSCL hay trong các đô thị tạm chiếm, họ đã sống, chiến đấu và cống hiến những giá trị báo chí rất đỗi tự hào và hãnh diện, sản sinh ra không ít nhà báo liệt sĩ tên tuổi, với những Dương Tử Giang, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi...

Vài ba năm lại nay, Hội có thêm trụ sở mới ở đường Dương Đình Nghệ thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Nơi đây có thể gọi là “kinh đô” các ấn phẩm báo chí của Hội: Báo Nhà báo & Công Luận, Tạp chí Người Làm Báo, Cổng Thông tin điện tử. Cạnh đó là Bảo tàng Báo chí; Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Nhà Văn hóa của Hội...

Tòa nhà này đã diễn ra Hội Báo toàn quốc; Hội thảo các nhà báo cách mạng; Trao giải báo chí về Ảnh của Liên đoàn Báo chí ASEAN. Không xa mấy tòa nhà của Hội là phố mang tên nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến, nguyên Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, liệt sĩ đầu tiên của làng báo, hy sinh năm 1947 trên đường ra trận.

Không biết có phải là phúc đức, hay cái gì cũng không biết nữa, hoặc về phong thủy trong thuyết Thiên Địa Nhân (nhìn từ duy vật biện chứng) những nơi đặt cơ ngơi của Hội đều gắn liền với lịch sử dân tộc, cách mạng. Xin ghi chút ít về lai lịch ông Tướng Nghệ họ Dương: Năm Mậu Tuất 938, Ngô Quyền đánh bại giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Tháng 4/937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, tên hào trưởng Phong Châu giết và tước đoạt luôn chức Tiết độ sứ. Ngày đó, Ngô Quyền vừa là bộ tướng vừa là con rể của Dương Đình Nghệ lập tức tiến quân ra Bắc diệt trừ kẻ phản bội. Trong lâm nan, tên Kiều Công Tiễn cầu cứu quân Nam Hán, nhưng Ngô Quyền đã trừ khử được Tiễn ở ngay thành Đại La; còn Hoàng Thao chỉ huy quân Nam Hán cũng bỏ mạng trên sông Bạch Đằng.

Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, với những địa danh Trụ sở Hội, cùng ký ức một thời không thể nào quên là như thế!

Xuân Lương

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/hoi-amp-ky-uc-mot-thoi-de-nho-n10012.html