Hồi hộp ở chung cư, ký túc xá

Người dân ở các chung cư cũ lo cháy bởi hạ tầng xuống cấp đã đành, ngay cả chung cư cao cấp và ký túc xá sinh viên cũng đối mặt với nỗi lo hỏa hoạn

Chung cư Nguyễn Thiện Thuật đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ Ảnh: SỸ ĐÔNG

Ở các quận trung tâm TP HCM như 1, 3, 5, 10 có nhiều chung cư xây dựng trước năm 1975, đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Vào thời điểm xây dựng, công tác phòng cháy ở các chung cư này chưa được coi trọng nên không có hệ thống báo cháy. Không chỉ vậy, sau hàng chục năm sử dụng, người dân tự ý cơi nới thêm khiến nguy cơ cháy nổ càng tăng cao.

Sợ nhưng phải ở liều

Điển hình là chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3). Theo ghi nhận, ở khu vực hành lang tầng trệt nhiều dãy nhà bị chiếm dụng làm chỗ kinh doanh. Thậm chí, các hộ này còn nhận giữ xe máy khiến lối đi bị thu hẹp, gây khó cho xe chữa cháy vào hiện trường nếu xảy ra cháy nổ.

Ở tầng lầu, bên ngoài hành lang, các hộ gắn thêm khung đỡ và đặt máy lạnh trong khi dây điện, cáp viễn thông chằng chịt khắp nơi. "Người dân ai cũng lo sợ cháy nổ nhưng chung cư cũ quá rồi, không có tiền chuyển chỗ mới mà chờ xây dựng lại thì không biết bao giờ nên cứ ở liều vậy thôi" - bà Nguyễn Thị Thanh Hà, ngụ lô E, chia sẻ.

Tình trạng cơi nới chung cư cũng xảy ra ở chung cư Ngô Gia Tự. Thậm chí có nhà chiếm dụng chỗ giữa 2 cầu thang rồi dựng thành phòng để ở. Điều đáng nói, dọc hành lang, cầu thang ở chung cư này hoàn toàn không có dụng cụ chữa cháy.

Mặc dù mang tiếng là cao cấp nhưng kể từ sau vụ cháy ở chung cư Carina Plaza (quận 8), người dân ở chung cư số 1 Tôn Thất Thuyết (quận 4) không khỏi lo lắng khi nhìn thấy trụ cứu hỏa bị mất nắp nhưng không có nước chảy ra. Theo ghi nhận, một họng nước ở lô M2 bị mất nắp từ lâu, các họng khác dùng tay cũng có thể xoay nắp khá dễ dàng. Bà Lê Thị Tuyết Mai, ngụ lô M2, cho biết sau hơn 2 năm bàn giao cho ban quản trị thì chung cư mới được tổ chức kiểm tra PCCC 1 lần. Thêm vào đó, nhiều lần cư dân nghe chuông báo cháy nhưng chạy ra thì mới biết đó là báo giả. "Nếu xảy ra cháy nổ, chuông có réo hay không và lấy nước ở đâu dập lửa khi họng nước khô queo" - bà Mai đặt vấn đề.

Chưa cháy nên chưa để ý

Theo ghi nhận của phóng viên chiều 29/3, bình chữa cháy hầu như vắng bóng ở chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh). Không những thế, tại đây quạt tăng áp cũng không hoạt động. "Từ khi về sinh sống ở đây, chúng tôi cũng không thấy bình chữa cháy. Hơn nữa, cũng chưa khi nào xảy ra cháy nên cũng không để ý" - một người dân sống tại chung cư này cho biết.

Gần đó, chung cư Phạm Viết Chánh không chỉ thiếu bình chữa cháy mà tất cả lối thoát hiểm của chung cư này đều bị đóng kín, cửa gỉ sét. Phía dưới cầu thang lên chung cư là hệ thống điện đặt ngay cạnh các vật dụng dễ cháy như dây điện, quần áo… "Trước giờ không thấy ban quản lý chung cư để sẵn bình chữa cháy, nhà nào muốn đề phòng thì tự sắm và để ngay trong nhà" - một hộ dân nói.

Tại chung cư An Khánh (quận 2) cũng trong hoàn cảnh tương tự, tất cả đều không có bình chữa cháy, quạt tăng áp và lối thoát hiểm cũng không. Nhiều người dân ở đây tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi hỏi tại sao chung cư không có bình chữa cháy, nếu có sự cố thì xử lý thế nào. Nhiều người nói có biết nhưng không để ý tới chuyện đó dù đã về đây ở gần 10 năm nay.

Còn ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), nhiều lầu không có bình chữa cháy, các lối cầu thang đi xuống bị chiếm dụng. "Sau vụ cháy ở quận 8, chúng tôi đã yêu cầu ban quản lý chung cư buộc các hộ dân phải trả lại sự thông thoáng tại các lối thoát hiểm, nhất là phải lắp đặt đầy đủ các thiết bị PCCC. Họ đồng ý rồi nhưng chưa thấy thực hiện" - bà Nguyễn Thị Bình, người dân sống ở chung cư này, nói.

"Nấu ăn chui" đe dọa ký túc xá

Khu ký túc xá (KTX) sinh viên ĐHQG TP HCM cấm sinh viên nấu ăn để phòng ngừa cháy nổ nhưng nhiều sinh viên vẫn bất chấp và "nấu ăn chui". Những dụng cụ nấu ăn như bếp gas, bình gas, nồi cơm điện, bếp điện được cất giấu ngay trong phòng, vô tình trở thành những nguồn cháy chực chờ đe dọa đến sự an toàn của cả tòa nhà. Bạn N.T.H.Y (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nói: "Biết là sai quy định nhưng nhiều bạn vẫn lén lút nấu ăn trong phòng nên chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ bình gas không may phát nổ. Thói quen dùng bàn ủi, quạt điện, ấm nước điện quá nhiều cũng dẫn đến nguy cơ cháy bất cứ lúc nào".

Hệ thống PCCC tại KTX được trang bị khá đầy đủ như bình chữa cháy, chuông báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà... nhưng sinh viên lại không được tập huấn cách sử dụng. Bạn Đ.T.L nhớ lại lần đầu tiên nghe chuông báo cháy hồn vía lên mây, chạy ra nhưng chẳng thấy có gì lạ. Thế là các lần sau đó, nghe chuông reo, Đ. yên tâm là... chuông hỏng.

Chi 9 tỉ đồng phòng chống cháy nổ

Ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐHQG TP HCM, cho biết công tác phòng chống cháy nổ ở KTX rất được coi trọng. Nhờ vậy mà trong các năm gần đây không xảy ra vụ cháy nào trong các phòng. Hiện 2 khu A và B của KTX với 47 tòa nhà cao từ 5 đến 16 tầng là nơi ở của hơn 24.000 sinh viên. Trong năm 2018, KTX dự kiến sẽ chi 9 tỉ đồng để sửa chữa các hạng mục và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống cháy nổ cho các tòa nhà.

Theo NLĐ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/hoi-hop-o-chung-cu-ky-tuc-xa-3442605.html