Hồi hộp nhân vật đăng quang Fair Play 2019

Ban tổ chức giải thưởng Fair Play 2019 sẽ vinh danh những cá nhân, tập thể có hành động đẹp và cao thượng trong bóng đá lúc 9 giờ ngày 9-6 tại hội trường báo Pháp Luật TP.HCM, 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.

Hội đồng thẩm định đã chọn ra năm đề cử chính thức phù hợp với tiêu chí, đồng thời có giá trị về mặt tinh thần, có ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam, có những tác động xã hội lớn. Ban tổ chức giải thưởng Fair Play 2019 đã gửi phiếu đến 155 thành viên gồm các chuyên gia, HLV, trọng tài, giám sát và những phóng viên phụ trách lĩnh vực bóng đá để̀ bầu chọn danh hiệu Fair Play 2019.

Hãy nghe chính những người trong cuộc chia sẻ cảm xúc của mình trước giờ G.

Hai chiến sĩ cơ động cứu em bé trên sân Thiên Trường. Ảnh: TUẤN HỮU

Hai chiến sĩ cơ động cứu em bé trên sân Thiên Trường. Ảnh: TUẤN HỮU

Hai chiến sĩ cảnh sát cơ động cứu em bé trong biển người sân Thiên Trường

Buổi chiều 4-8-2019 trên sân Thiên Trường chật kín 30.000 khán giả, một em bé theo người thân đi xem trận Nam Định - HA Gia Lai bất ngờ bị lên cơn động kinh. May mắn cho em bé này khi hai cảnh sát cơ động tỉnh Nam Định kịp thời có mặt, tìm mọi cách để sơ cứu và đưa em đi cấp cứu kịp thời.

Đại úy Trần Đức Giảng - người đưa những ngón tay vào miệng em bé chịu đau để cấp cứu - khi một đồng đội của anh bế em bé đến chỗ nhân viên y tế, bùi ngùi xúc động: “Khi nghe trên khán đài có những giọng la thất thanh “có người bị co giật” tôi chạy ngay về nơi ấy. Người ta chuyền tay nhau đưa một em bé từ trên xuống, theo phản xạ tự nhiên, tôi vội đưa mấy ngón tay vào miệng cháu, sợ cháu cắn lưỡi thì nguy. Tôi nhờ Trung sĩ Trần Thanh Hiếu bế cháu, còn mình cứ giữ nguyên bàn tay cho cháu cắn, rồi đi đến chỗ bác sĩ.

Tôi chưa từng gặp trường hợp này lần nào. Nhưng tôi vẫn nhớ hồi xưa, người ta hay chia sẻ với nhau về câu chuyện gặp tình huống co giật, phải tìm ngay vật gì đưa vào miệng người bị nạn. Khi ấy, tôi không có thời gian tìm gì nữa, chỉ còn cách để tay cho cháu bé cắn thôi”.

Nghĩa cử đẹp của hai nữ CĐV mang 60 kg thực phẩm cho các tuyển thủ dự SEA Games. Ảnh: CTV

Nghĩa cử đẹp của hai nữ CĐV Vũ Thanh Thúy và Bùi Thị Hồng Hạnh

Hai nữ cổ động viên (CĐV) này biết tin các tuyển thủ Việt Nam thiếu thốn về thực phẩm, đã lặn lội mang 60 kg thực phẩm cho hai đội tuyển bóng đá nam nữ tại SEA Games 30. Những món ăn mang hương vị quê nhà đã được các cầu thủ cảm kích đón nhận.

Chị Thanh Thúy (quê Quảng Ninh) có thâm niên theo chân các đội tuyển quốc gia thi đấu ở nước ngoài tâm sự: “Thực sự tôi thấy để mang theo 1 kg thực phẩm tươi ngon ra nước ngoài cũng phải khai báo mệt mỏi, huống hồ 60 kg. Nhưng vì tình yêu dành cho đội tuyển, chúng tôi quyết làm mọi cách và vượt qua mọi thứ. Mong muốn của chị em CĐV là làm sao cho các cầu thủ ăn ngon miệng, có sức khỏe thi đấu tốt mà thôi.

Một vài lần chúng tôi ra nước ngoài xem bóng đá, nghe các em, các cháu chia sẻ thèm đồ ăn mang hương vị quê nhà, ai cũng bùi ngùi. Đợt SEA Games 30 vừa rồi, chị em tôi rủ nhau mua thực phẩm về tự chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn tuyệt đối, chuyển cho đội nữ. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu bóng đá của chúng tôi”.

Trọng tài Ngô Duy Lân kịp thời cứu cầu thủ Thiện Đức cắn lưỡi một cách vô thức. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Trọng tài Ngô Duy Lân giúp cầu thủ thoát cảnh nguy hiểm

Tình huống này diễn ra trên sân Bình Dương tại vòng 8 V-League 2019 ngày 5-5-2019. Sau pha va chạm mạnh với Pape Omar của đội Hà Nội, hậu vệ trẻ Nguyễn Hùng Thiện Đức bị choáng và có dấu hiệu mất kiểm soát. Rất nhanh chóng, trọng tài Ngô Duy Lân đã lao đến sơ cứu cho Thiện Đức đang trong tình trạng vô thức.

Trọng tài FIFA Ngô Duy Lân nhớ lại: “Lúc đó, tôi đứng rất gần tình huống va chạm này và thổi còi tạm dừng trận đấu. Bỗng dưng tôi thấy Thiện Đức mặt méo sệch đi, miệng co giật như bị động kinh. Tôi vội vàng chạy lại đỡ đầu em, đưa mấy ngón tay vào miệng Đức để ngăn em cắn lưỡi. Tôi nhờ Thành Lương lật nghiêng người Đức để hàm răng không bị nghiến lại.

Tôi bị xước mấy ngón tay chảy máu nhưng chẳng thấy đau đớn gì cả, có thấm gì với nỗi đau của Đức.

Tôi hành động hoàn toàn do bản năng và cảm tính mách bảo, chỉ mong cầu thủ thoát qua cơn ngặt nghèo. Mẹ của Thiện Đức và em có cám ơn tôi nhưng tôi nghĩ khi gặp hoàn cảnh ấy, ai cũng sẽ làm như mình thôi”.

Tinh thần đồng đội và fair play của các cầu thủ U-22 Việt Nam tại SEA Games. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Tinh thần đồng đội của tập thể U-22 Việt Nam tại SEA Games 30

Xuất sắc giành bộ huy chương vàng SEA Games 30, bên cạnh tài cầm quân của HLV Park Hang-seo, nổi bật lên là tinh thần đồng đội, tương trợ lẫn nhau để làm nên chiến thắng lịch sử. Từ hình ảnh những chiếc áo đấu của đồng đội không may chấn thương xuất hiện trên sân đấu, đến mối liên kết gắn bó từ tình thầy trò đến tình đồng đội.

Nhớ trận lội ngược dòng thắng Indonesia 2-1, thủ môn Bùi Tiến Dũng bắt vuột bóng khiến đội nhà thủng lưới trước. Lúc ấy, cả sân bóng Rizal Memorial với đông đảo CĐV Việt Nam lặng ngắt. May sao trong hiệp 2, lần lượt Thành Chung ghi bàn gỡ hòa và Hoàng Đức ấn định 2-1 cho đội nhà.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng chia sẻ: “Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tinh thần đoàn kết của cả đội để cùng vượt qua mọi thách thức. Tôi sai đã có các bạn sửa. Chúng tôi luôn cố gắng vì một lá cờ trên ngực áo. Cám ơn đồng đội của tôi và cám ơn mọi người”.

Trung vệ Chương Thị Kiều chịu đau với mảng rách lớn ở đùi cùng đội tuyển nữ đoạt HCV SEA Games. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Trung vệ Chương Thị Kiều nén đau đớn sát cánh cùng đồng đội

Trong trận chung kết bóng đá nữ Việt Nam - Thái Lan tại SEA Games 30, sau một pha cản phá bóng quyết liệt, trung vệ Chương Thị Kiều không may bị rách một mảng da đùi chảy máu nhưng cô gái dân tộc Khmer vẫn kiên cường cắn răng nén đau, sát cánh với đồng đội chiến đấu suốt 120 phút cùng đội tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 30.

Quả bóng bạc Việt Nam 2019 kể lại: “Vì cứu nguy trong pha bóng ấy, em chấp nhận. Trời ơi lúc da đùi mất một mảng, em đau nhức quá mà ráng cắn răng chịu đựng. Khi có bóng chạy hoặc lúc cản phá đối phương thì không sao, khổ nhất là chưa có bóng mà phải di chuyển, bắt bài cầu thủ Thái, vết thương không diễn tả nổi.

Sau trận đấu về khách sạn, em còn ám ảnh hơn nữa. Bác sĩ đội tuyển tháo miếng băng ra rửa vết thương, vẫn còn những cọng cỏ nhựa bị dính chặt vào thịt, sợ nhiễm trùng. Mỗi sợi cỏ gắp từ trong thịt ra làm em đau thấu xương. Giờ nghĩ lại vừa sợ vừa mắc cười. Có lúc đau chịu không nổi, em khóc và gào thật to, làm đồng đội ở các phòng bên hoảng hốt chạy sang, tưởng em bị gì. Mất mấy ngày em không ngủ được”.

Kiều tinh nghịch phá ra cười: “Cũng còn may cho em quá anh à, mất miếng thịt đùi không sao, chỉ sợ vết thương dính trên mặt bị thẹo chắc em ế dài dài. Em nói chơi cho vui, thường con gái người ta hay sợ bị thẹo xấu đi chứ em thấy chị em đam mê bóng đá rồi thì người đầy thẹo chả sao cả, anh ơi!”.

CÔNG TUẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/hoi-hop-nhan-vat-dang-quang-fair-play-2019-917418.html