Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng mang cảnh trí các nước lân cận để chia sẻ với du khách không về nước dịp Tết

Ban tổ chức hội hoa này cho biết, việc giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc trong ngày Tết của các quốc gia lân cận ngoài thể hiện tinh thần giao lưu, giao thoa văn hóa, góp phần để người dân trong nước có thêm những trải nghiệm mới, đồng thời giúp cho du khách đang sinh sống tại TPHCM đã không thể về nước trong dịp Tết này được ấm lòng khi phải đón Tết xa nhà.

Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Tân Sửu 2021 vừa khai mạc tối 5/2 tại tại khu vực hồ Bán Nguyệt (quận 7, TPHCM). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng được tổ chức với quy mô vừa phải, đồng thời áp dụng một số biện pháp chống dịch đối với khách tham quan.

Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng diễn ra đến ngày 10/2 (tức 29 tháng Chạp); riêng khu vực Đường xuân sẽ trưng bày đến ngày 16/2 (Mùng 5 Tết).

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban tổ chức Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng quyết định thực hiện với hình thức đơn giản, tiết giảm một số hạng mục so với những năm trước, đồng thời triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, năm nay, Hội hoa xuân này chỉ còn giữ lại 2 hạng mục là Đường xuân (trang trí tiểu cảnh, cảnh trí Tết các vùng miền, các nước tại cung đường ven hồ Bán Nguyệt) và Chợ xuân (khu vực bày bán hoa, kiểng, gian hàng thương mại…), với tổng diện tích khoảng 3ha. Những năm trước, hội hoa này được tổ chức qua 4 hạng mục (thêm khu Bến xuân và Vườn xuân) trên diện tích khoảng 10 ha.

Tại không gian Đường xuân, các tiểu cảnh được bố trí cách xa nhau, đồng thời mở rộng các lối đi… để khách du xuân có được không gian lưu lại những khoảnh khắc đẹp mà vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống dịch bệnh theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài ra, khách tham quan khi đến đây cũng được yêu cầu đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn được bố trí ở các cổng ra vào… Trong khu vực tổ chức, nhiều bảng thông tin về cách phòng chống COVID-19 cũng được bố trí để hướng dẫn du khách.

Ngay từ cổng vào, Ban tổ chức bố trí khu vực để người dân và du khách thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho khách trước khi vào tham quan.

Ngay từ cổng vào, Ban tổ chức bố trí khu vực để người dân và du khách thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho khách trước khi vào tham quan.

Nhóm bạn trẻ không rời khẩu trang cả lúc chụp ảnh lưu niệm tại các tiểu cảnh trên đường hoa xuân Phú Mỹ Hưng.

Trước đó, trong buổi chiều cùng ngày, nhiều bạn trẻ đã tìm đến đây thưởng ngoạn và chụp ảnh bên các tiểu cảnh và không gian trưng bày hoa kiểng.

Nhóm bạn Minh Thư (bìa phải), Xuân Thảo và Mai Quỳnh cũng hẹn nhau đến đây trẩy hội, vui chơi.

Các bạn trẻ này đã luôn cẩn thận, tuân thủ các phương pháp phòng dịch. "Dù hơi ngột ngạt khi phải liên tục đeo khẩu trang để phòng dịch, nhưng đây là việc cần thiết giúp mình an toàn hơn giữa lúc dịch bệnh đang phức tạp", Minh Thư chia sẻ và cho biết, trước khi vào tham quan, cô và các bạn đã được yêu cầu đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế.

Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng mang đến những hình ảnh dung dị, gần gũi của làng quê Việt, như xe thồ chở hoa, thuyền hoa, cổng tre ngày Tết, bánh tét, bánh chưng, các chậu hoa, cây kiểng quen thuộc… góp nên một bức tranh mùa xuân tươi tắn, rực rỡ

Và hình ảnh những khóm lúa đang độ trổ bông làm nên đặc sản tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng nhiều năm qua.

Người dân lưu lại những khoảnh khắc ngày xuân khi đến thưởng ngoạn, vui chơi tại đây.

Lấy ý tưởng Tết là thời khắc của sum vầy, thời khắc để hướng về gia đình, quê hương, nguồn cội, năm nay Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng mang đến những không gian trang trí với hình ảnh Tết đặc trưng ba miền Bắc – Trung – Nam, tương ứng với những tiểu cảnh mô phỏng gian nhà ba gian - phố cổ Hội An - chợ Bến Thành.

Hình ảnh chú Trâu vàng, linh vật của năm Tân Sửu, được trưng bày gần cổng đường hoa xuân.

Bên cạnh không gian Tết đậm đà truyền thống Việt, không gian Đường xuân Phú Mỹ Hưng còn có sự góp mặt của những hình ảnh đặc trưng ngày Tết ở một số quốc gia trong khu vực châu Á, như khu vực Tết Hàn Quốc được trang trí những biểu tượng đặc trưng ngày Tết của xứ sở Kim chi với trống buk, túi vải may mắn, dải lụa ngũ sắc. Trong khi đó, khu vực Tết của Trung Quốc có các dãy đèn lồng đỏ, cổng chợ đêm, cầu đi bộ…

Còn khu vực Tết Nhật Bản được bài trí với những hình ảnh ngày xuân như cổng trời, đèn Chouchin, vườn hoa anh đào, những chú mèo Maneki neko…

Theo Ban Tổ chức, việc giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc trong ngày Tết của các quốc gia lân cận thể hiện sự giao lưu, giao thoa văn hóa, góp phần cho du khách trong nước có thêm những trải nghiệm mới, đồng thời giúp cho cộng đồng khách nước ngoài đang sinh sống tại quận 7 nói riêng và TPHCM không thể về nước trong dịp Tết này được ấm lòng khi phải đón Tết xa nhà.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hoi-hoa-xuan-phu-my-hung-mang-canh-tri-cac-nuoc-lan-can-de-chia-se-voi-du-khach-khong-ve-nuoc-dip-tet-1789823.tpo