Hối hận vì đã không tiêm phòng sởi cho con

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sởi đã bùng phát triên diện rộng, lan ra 44 tỉnh, thành trên cả nước. 50% số trẻ đến khám ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bị biến chứng sau sởi. Biến chứng sau sởi tăng mạnh, nguy cơ tử vong cao vì bội nhiễm, nhưng nhiều người vẫn lơ là với tiêm phòng.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cơ sở y tế lớn như: Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện dịch sởi đang có những diễn biến khó lường với số ca mắc bệnh tăng nhanh, đặc biệt là biến chứng sau sởi tăng mạnh.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chúng tôi gặp người mẹ trẻ Dương Thị Bang (Hưng Yên) đang chăm sóc con gái Lê Dương Bảo Ngọc (27 tháng tuổi) do mắc sởi. Chị Bang cho biết, cách đây gần 1 tuần cháu Ngọc sốt cao 39 - 40 độ, húng hăng ho, sau 3 ngày phát ban đỏ, lợi đỏ, miệng lở những nốt trắng. Vừa đưa con tới phòng khám tư, bác sĩ hỏi con đã tiêm phòng sởi chưa. Chị Bang lắc đầu, bác sĩ yêu cầu chị đưa con ngay vào viện. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi thăm khám, bác sĩ đã cho cháu bé nhập viện vì biến chứng viêm phế quản phổi sau sởi.

Khi chúng tôi hỏi vì sao không tiêm phòng cho con, chị Bang nghẹn ngào: “Lúc 9 tháng tôi cho cháu đi tiêm nhưng cháu bị sốt lại quay về. Công việc bận rộn khiến tôi sao nhãng mà quên mất. Hôm nay là ngày thứ 3 con nằm viện, sáng nay tôi nhận được điện thoại ở nhà gọi, nói em sinh đôi với cháu cũng đang sốt, chắc lây sởi từ chị”. Vợ chồng chị Bang lên Hà Nội làm thuê, việc con mắc sởi biến chứng đã khiến cả gia đình lao đao. Chị rất hối hận khi không tiêm phòng cho con.

Bác sĩ đang thăm khám cho cháu Bảo Ngọc

Bác sĩ đang thăm khám cho cháu Bảo Ngọc

Cùng phòng có bé N.M.N (4 tháng tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) mắc sởi do lây từ mẹ. Trước đó, hai mẹ con cháu N nhập Bệnh viện Phú Xuyên điều trị bệnh khác, trong quá chăm con ở viện, mẹ cháu bị mắc sởi phải lên Hà Nội điều trị. Theo chị Ngô Thị Miền (dì cháu N) kể lại, cháu N xuất viện về nhà được hai ngày thì ho, hơi sốt, nổi nốt ban, gia đình cấp tốc đưa đến đây. Mẹ cháu sợ lây bệnh nặng cho con, chị Miền phải lên chắm sóc cháu. Theo bác sĩ ở Khoa Nhi, cháu M đang được theo dõi viêm tiểu phế quản trên sởi.

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, năm nay nhiều trẻ em dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, thậm chí cả hai mẹ con cùng mắc, hoặc mẹ mắc con lây theo. Tại các tỉnh phía Nam, trên 90% người mắc sởi do chưa tiêm phòng, đặc biệt người mẹ chưa tiêm phòng không có kháng thể nên trẻ dưới 9 tháng tuổi rất dễ mắc sởi.

Sau ca bệnh nam thanh niên 28 tuổi ở Hà Nội bị viêm não - viêm màng não sau sởi đầu tiên thì biến chứng xuất hiện chủ yếu là viêm phổi. Bệnh nhân viêm não nếu điều trị tích cực có thể phục hồi, nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong, hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất.

Biến chứng sau sởi rất nguy hiểm, trong khi dịch sởi đang lan nhanh trên diện rộng. GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, nếu năm 2018 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ ghi nhận 86 ca mắc sởi, nhưng chỉ trong tháng 1-2019 đã có hơn 200 ca mắc tới khám và điều trị, chủ yếu ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc…Bệnh nhân biến chứng do sởi chiếm 50% tổng số ca bệnh tới khám và điều trị tại bệnh viện.

Theo GS Kính, bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi mắc sởi do sức đề kháng kém, nguy cơ xuất hiện biến chứng rất lớn. Các ca bệnh nhi nhập viện biến chứng nhiều nhất là viêm phổi và viêm thanh quan, nhiều cháu nhập viện trong tình trạng tắc họng, ngừng thở, các bác sĩ phải cấp cứu rất lâu. Biến chứng sau sởi gây nguy hiểm tới tính mạng là tiêu chảy và viêm não.

GS Kính cho rằng, nhiều phụ huynh có quan niệm sai lầm, khi con bị sởi lại kiêng kỵ quá, cả tuần không cho trẻ tắm, không vệ sinh răng miệng cho trẻ dẫn tới trẻ bị biến chứng, nhiều cháu khi vào viện bị thối xương hàm do viêm lợi, sau này tạo hình rất mệt mỏi; có cháu biến chứng viêm loét giác mạc, viêm kết mạc nếu không điều trị kịp thời khả năng gây mù cao. Những trường hợp này phải điều trị bổ sung ngay vitamin A.

Cháu bé 4 tháng tuổi lây sởi từ mẹ

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh sởi. Nhưng hiện nay có nhiều phụ huynh không tiêm phòng cho con, thậm chí còn theo trào lưu bài xích tiêm chủng. PGS Bùi Vũ Huy, cố vấn Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Kháng sinh và vaccine là trí tuệ cao của nhân loại, nếu chúng ta có vũ khí để chống lại mà từ chối là thiếu hiểu biết”.

Kể về quá trình công tác trong ngành y, PGS Huy đã chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong do viêm não, bại liệt, bạch cầu, ho gà, sốt xuất huyết… Nhưng từ ngày có vaccine, ngành y tế, bác sĩ rất hạnh phúc vì không còn chứng kiến nhiều ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm gây ra. Dịch sởi bùng phát năm 2014, qua khảo sát tại bệnh viện, 50% phụ huynh nhìn thấy bác sĩ cấp cứu ngày đêm cho trẻ thì rất sợ, nhưng khi hỏi thì vẫn không đồng ý tiêm phòng cho con. Nếu người dân bài xích vaccine, dịch bệnh bùng phát rất nguy hiểm, hậu quả khôn lường. Do vậy, để phòng chống bệnh sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, người dân cần đi tiêm phòng đầy đủ, đúng liều để bảo vệ sức khỏe.

*GS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo: Phụ nữ trước kết hôn chưa tiêm phòng sởi, chưa bị sởi nên tiêm phòng, bởi phụ nữ mang thai bị sởi dễ gây nguy cơ sảy thai, đẻ non. Mẹ chưa tiêm phòng sởi nên không có miễn dịch, dễ truyền sang con. Người đã tiêm phòng sởi nên tiêm nhắc lại sau 5 năm để bảo vệ sức khỏe. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 2 cơ sở tiêm vaccine dịch vụ, người bệnh nên đến các cơ sở tiêm vaccine có uy tín tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh sởi.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/bien-chung-do-soi-tang-manh-nguoi-dan-van-lo-la-voi-tiem-phong-533791/