Hội đồng trường phải có thực quyền để tự chủ đại học thành công

Đó là nhấn mạnh của đại biểu Hoàng Văn Cường về quy định liên quan hội đồng trường trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Lời tòa soạn: Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang tiếp tục được lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục, người dân.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – đoàn Thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân về quy định liên quan hội đồng trường trong dự thảo.

Những điểm mới tích cực liên quan hội đồng trường

+ Quy định về hội đồng trường trong dự thảo Luật được cho là có nhiều điểm mới. Xin ông phân tích cụ thể các điểm mới trong dự thảo luật mới nhất?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi đánh giá là các quy định liên quan đến hội đồng trường tại dự thảo có nhiều điểm mới tích cực làm tăng tính thực quyền cho tổ chức này.

Trước hết là quy định về cơ cấu, thành phần của hội đồng trường được cụ thể hơn so với quy định cũ trong Điều lệ trường đại học.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá có nhiều điểm mới tăng thực quyền cho hội đồng trường trong dự thảo Luật. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Dự thảo quy định hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng là thành phần đương nhiên trong hội đồng trường.

Trong khi quy định cũ là hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng. Như vậy, giảm đi số lượng của ban giám hiệu trong hội đồng trường.

Tiếp đó là thành phần đại diện của người lao động là giảng viên. Trước đây đã có quy định giảng viên nhưng không cụ thể. Nay dự thảo quy định, tối thiểu thành phần này phải chiếm 25%.

Dự thảo đã tăng vai trò của người lao động là giảng viên để có tiếng nói lớn hơn trong hoạt động của nhà trường.

Thành phần thứ ba là người bên ngoài trường đại diện cho cộng đồng xã hội, các nhà quản lý, cựu sinh viên, người sử dụng lao động…đã được tăng lên. Tỷ lệ tối thiểu là 30% so với trước đây chỉ 20%.

Điều này sẽ giúp cho tiếng nói của các bên trong hội đồng trường được toàn diện hơn.

Điểm mới thứ hai là quy định bầu hội đồng trường trong dự thảo. Trước đây, chủ tịch hội đồng trường là do các thành viên bầu lên nhưng cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định bổ nhiệm trong khi đó dự thảo mới đã thay đổi.

Theo đó, chủ tịch hội đồng trường do các thành viên hội đồng trường bầu lên và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết của nhà trường, thành viên hội đồng trường cao hơn trong việc lựa chọn người đại diện cho hội đồng trường.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định chủ tịch hội đồng trường không được kiêm nhiệm các chức vụ quản lý khác do hiệu trưởng bổ nhiệm.

Điểm này tránh tình trạng như quy định cũ không quy định dẫn đến là nhiều cơ sở giáo dục đại học có chủ tịch hội đồng trường đồng thời là trưởng một đơn vị chức năng trong trường.

Chủ tịch hội đồng trường vừa có vai trò giám sát nhưng lại chịu sự chỉ đạo của hiệu trưởng. Đó là bất cập của quy định cũ.

Điểm mới thứ ba là quy định chức năng nhiệm vụ của hội đồng trường.

Hội đồng trường theo dự thảo đã làm rõ chức năng và tăng cường quyền hạn, thể hiện thực quyền trong công tác quản lý, lãnh đạo của nhà trường, kể cả với ban giám hiệu, cũng như hoạt động của trường.

Cụ thể, hội đồng trường thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cơ quan cấp trên chỉ có vai trò công nhận.

Như vậy, hội đồng trường có vai trò tìm ra và quyết định người quản lý. Nó cao hơn rất nhiều so với quy định trước đây.

Cùng với đó, hàng năm, hội đồng trường sẽ đánh giá, lấy tín nhiệm với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Như thế, hội đồng trường có quyền thay thế hoặc xử lý ban giám hiệu nếu hoạt động không hiệu quả, không thực hiện đúng nghị quyết của hội đồng trường đề ra.

Hội đồng trường cũng được quy định những nhiệm vụ rất cụ thể đối với quyết định chủ trương, phương hướng đường lối lớn của trường.

Cụ thể như hội đồng trường sẽ quyết định phương hướng, chiến lược, kế hoạch hoạt động của nhà trường, cơ cấu tổ chức, số lượng vị trí việc làm…phù hợp yêu cầu nhà trường.

Những việc này trước đây thuộc quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Quy định mới thể hiện tính tự chủ rất cao của hội đồng trường.

Đó là những điểm mới trong dự thảo. Theo tôi đánh giá là sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học tiến tới tự chủ thực chất.

+ Thực tế Luật Giáo dục Đại học hiện hành cũng đã có quy định về hội đồng trường. Nhưng nhiều trường không thành lập và thành lập thì hoạt động như bộ máy quản lý mở rộng của ban giám hiệu. Với quy đinh của dự thảo, theo ông có có chấm dứt được tình trạng này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rõ ràng với đổi mới như trên đặt ra vấn đề là có khắc phục được những tồn tại của hội đồng trường mà thực tế là trong Điều lệ trường đại học, Luật Giáo dục đại học hiện hành đều đã có quy định.

Thực tế, có nhiều cơ sở giáo dục đại học không thành lập, có nơi thành lập thì hoạt động mang tính hình thức.

Cá nhân tôi cho rằng, những đổi mới này là cơ sở để khắc phục các tồn tại thời gian qua của hội đồng trường.

Thứ nhất là với quy định chức năng và nhiệm vụ của hội đồng trường như dự thảo, các trường đại học phải thành lập hội đồng trường.

Bởi nếu không thành lập hội đồng trường, các trường sẽ không có căn cứ cơ sở để hoạt động. Ai là người phê duyệt cho kế hoạch về nhân sự, bổ nhiệm hiệu trưởng, ai phê duyệt quyết toán hàng năm…?

Vì vậy, buộc các trường muốn hoạt động thì phải thành lập hội đồng trường.

Trước đây, vì luật không quy định các nhiệm vụ đó của hội đồng trường nên có hội đồng trường cũng được, không có thì cơ quan chủ quản quyết định.

Điều này làm hội đồng trường tồn tại nhưng không có thực quyền.

Thứ hai là trước đây hội đồng trường không có thực quyền, vì quyền đó đang nằm ở cơ quan chủ quản hoặc quyền đó nằm ở ban giám hiệu mà không quy định cụ thể cho hội đồng trường.

Đến nay, dự thảo đã có quy định cụ thể cho hội đồng trường được làm những gì, làm đến đâu. Lúc đó, hoạt động của hội đồng trường sẽ không còn hình thức như hiện nay.

Thực quyền của hội đồng trường còn thể hiện ở việc quyết định bổ nhiệm cả hiệu trưởng. Nếu có quyền đó, khi hội đồng trường ra các nghị quyết, phương hướng hoạt động thì hiệu trưởng phải thực hiện theo. Nếu không, hội đồng trường có quyền đánh giá, phế truất.

Một điểm nửa là với thành phần cơ cấu như dự thảo sẽ tăng tính độc lập của hội đồng trường so với bộ máy quản lý của ban giám hiệu.

Lúc đó, hội đồng trường sẽ thể hiện ý chí, vai trò giám sát của người lao động, giám sát của các bên liên quan bên ngoài nhà trường.

Với tính giám sát cao hơn như thế, nó sẽ giúp hoạt động nhà trường minh bạch, chứ không phải tuân thủ ý kiến chủ quan của người quản lý.

Cần có thường trực hội đồng trường

+ Như ông phân tích ở trên, chủ tịch hội đồng trường thay vì được cơ quan quản lý bổ nhiệm thì giờ cơ quản lý chỉ công nhận. Nó có tác dụng ra sao đối với vấn đề tự chủ của các trường?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rõ ràng chủ tịch hội đồng trường, ban giám hiệu nhà trường không phải do cơ quan quản lý cấp trên bổ nhiệm mà giờ chỉ còn vai trò công nhận thì có sự khác nhau rất lớn so với trước đây.

Như dự thảo, cơ quan cấp trên chỉ có vai trò công nhận nghĩa là khi hội đồng trường tìm ra được nhân sự phù hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan thì cơ quan cấp trên phải chấp nhận kết quả đó.

Cơ quan có thẩm quyền không có cớ gì để phủ nhận ý kiến của hội đồng trường. Tính tự chủ về nhân sự của hội đồng trường cao hơn quy định hiện hành.

+ Ở góc độ đang là thành viên hội đồng trường, đại biểu có kiến nghị gì thêm để hội đồng trường thực sự hoạt động hiệu quả?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Theo tôi, để tăng cường quyền năng của hội đồng trường hơn nữa thì nên quy định thường trực hội đồng trường.

Bởi hội đồng trường đang hoạt động theo cơ chế hội đồng. Chủ tịch hội đồng trường chỉ là người đứng ra để ghi nhận các ý kiến, điều hành ý kiến hội đồng trường.

Bản thân chủ tịch hội đồng trường không thể quyết định nhiều việc như hiệu trưởng.

Trong khí đó, hội đồng trường có số lượng thành viên rất đông, mỗi người một ý và không phải lúc nào họ cũng thường trực ở đó làm mọi việc được.

Vì vậy, để hội đồng trường thực quyền hơn nữa, cần có bộ máy thường trực hội đồng trường. Bao gồm Chủ tịch hội đồng trường và một số thành viên.

Các thành viên này là người am hiểu rất kỹ ở từng lĩnh vực chính của trường như tài chính vật chất, chuyên môn, tổ chức hành chính…

Những người này cùng với chủ tịch hội đồng trường tạo ra bộ phận thường xuyên giám sát, kiểm tra lại hoạt động của ban giám hiệu.

Tôi cho rằng, việc này sẽ làm cho hoạt động của hội đồng trường thêm hiệu quả hơn.

+ Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoi-dong-truong-phai-co-thuc-quyen-de-tu-chu-dai-hoc-thanh-cong-post188322.gd