Hội đồng sách Quốc gia và GS Hồ Ngọc Đại 'đàm phán bất thành': Một hồi kết xa vời

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và GS.TSKH Hồ Ngọc Đại vẫn đang bất đồng quan điểm, chưa tìm được tiếng nói chung khi cả hai bên đều ra sức bảo vệ luận cứ của mình về bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục.

Trong cuộc đối thoại do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 3/1, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và những kiến nghị của PGS.TS Nguyễn Kế Hào, cộng sự của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại trong triển khai công nghệ giáo dục. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải tổ chức rà soát quy trình thẩm định và đối thoại về "chương trình thực nghiệm".

Bác bỏ quyết định của hội đồng

Tại cuộc đối thoại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng hội đồng thẩm định đã áp dụng quan điểm thẩm định sách giáo khoa chưa mềm dẻo, linh hoạt dẫn tới việc loại bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục. Việc làm này có thể sẽ khiến thành quả của Công nghệ giáo dục đã được chứng minh qua thực tiễn 40 năm dạy học ở nhiều địa phương phải dừng lại trong năm học tới đây.

Ông Nguyễn Kế Hào cũng cho biết đặt ra yêu cầu trẻ học lớp 1 là đọc thông, viết thạo tiếng Việt thì thực tế đã chứng minh tiếng Việt Công nghệ giáo dục làm rất tốt. Trẻ học đến đâu chắc tới đó, nắm vững quy tắc chính tả, không viết sai, không đọc ngọng.

Trong đó có nhiều tỉnh khó khăn phản hồi về sách tiếng Việt Công nghệ cũng rất tốt. Trẻ em học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nhanh, chắc, không tái mù, không nói ngọng. Vì thế nếu loại bộ sách Công nghệ giáo dục vì "không đạt yêu cầu mới" thì tôi thấy không thuyết phục và rất bức xúc” - ông Nguyễn Kế Hào nhắc lại.

GS.TS Hồ Ngọc Đại (trái) và PGS.TS Nguyễn Kế Hào (phải).

GS.TS Hồ Ngọc Đại (trái) và PGS.TS Nguyễn Kế Hào (phải).

Tiếp thêm ý kiến cho cộng sự, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ: "Tôi đến đây chỉ có một mục đích duy nhất là muốn xác nhận bộ SGK CNGD có thể sử dụng trong các nhà trường".

"Bộ sách bị loại, tôi không oán trách nào đối với các thành viên hội đồng thẩm định. Vì họ phải làm đúng trách nhiệm được giao. Cái quan trọng là nơi giao trách nhiệm cho họ" - GS Hồ Ngọc Đại nói điều này với ngụ ý trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xem xét lại sự việc để điều chỉnh những bất ổn trong quy trình thẩm định sách giáo khoa, thậm chí là bất ổn trong xây dựng chương trình giáo dục mới.

Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới

GS Hồ Ngọc Đại

Đó cũng là lý do ông không sửa sách giáo khoa để hợp với đề nghị của hội đồng thẩm định chỉ để nhận được một chữ "đạt".

Thậm chí GS Đại có phần gay gắt khi một mực nói: "Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới.

Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hi sinh hệ tư tưởng mới. Cách Bộ GD&ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới".

Phải chấp nhận luật chơi chung

Phản biện lại ý kiến của GS Đại, PGS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán cho rằng, Hội đồng thẩm định sách quốc gia đã trao đổi 2 lần với các chủ biên về vấn đề chỉnh sửa. Có thể quyết định của hội đồng chưa hoàn toàn đúng với ý muốn của các chủ biên nhưng nó sát đáng và bám sát với các tiêu chí của Bộ GD&ĐT đề ra.

Có những bộ sách giáo khoa rất hay khi dạy trong chương trình giáo dục hiện tại, nhưng khi chuyển sang chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn phù hợp nữa. GS Đại nên nghĩ lại cách viết, cách tiếp cận của sách Toán, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

PGS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán.

PGS Kiều cho rằng, hãy để môn Tiếng Việt, Toán lớp 1 đi vào nhà trường và học sinh thuần túy, nhẹ nhàng nhất thay vì lồng ghép những triết lý vào trong bài dạy như sách giáo khoa công nghệ giáo dục đang làm.

Chúng ta cần bám sát chương trình mới, căn cứ vào mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn học để viết sách. Không phải căn cứ vào sách viết để điều chỉnh chương trình khung của cả nước được.

Bộ GD&ĐT nên giữ vững nguyên tác, chương trình mới phải có sách giáo khoa mới. Sách giáo khoa đã cũ, không còn phù hợp nên loại bỏ” - PGS Kiều thẳng thắn bác bỏ những ý kiến bảo vệ của GS Đại.

PGS Kiều châm biếm: "Tôi không lạ gì những quyển sách viết như quyển sách của thầy Đại bây giờ. Hồi cuối những năm 70 của thập kỷ 70, tờ báo Le Monde của Pháp có "tiêu đề khủng" về những cuốn sách theo cách tiếp cận như vậy: 'Thảm họa trường học Pháp và châu Âu'. Tôi nghĩ GS Đại nên xem lại, đó không phải là xu thế nữa rồi. Tôi khuyên anh Đại chỉ nên viết sách tham khảo".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, việc cho sách Công nghệ giáo dục một cách thẩm định khác như ý kiến đề xuất của phía chủ biên bộ sách là khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ sách giáo khoa khác.

"Nếu được thì thầy nghiên cứu phương án điều chỉnh sách giáo khoa để đảm bảo yêu cầu. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ sách giáo khoa đa dạng sử dụng trong các nhà trường, bám sát mục tiêu của khung chuẩn," Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị với GS-TSKH Hồ Ngọc Đại.

Minh Khôi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-dong-sach-quoc-gia-va-gs-ho-ngoc-dai-dam-phan-bat-thanh-mot-hoi-ket-xa-voi-ar520239.html