'Hội đồng Quốc gia chỉ công nhận, còn bổ nhiệm hay không thì tùy các trường'

Hôm qua, 6.3, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Bùi Văn Ga đã chính thức đưa ra một số vấn đề cần làm rõ xung quanh lùm xùm về đợt xét chức danh giáo sư, phó giáo sư 2017.

Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Bùi Văn Ga. Ảnh: P.V

Không có chuyện Hội đồng công nhận là đương nhiên thành giáo sư, phó giáo sư

Theo ông Bùi Văn Ga: “Bối cảnh xét phong giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) 2017 chúng ta đang cố gắng ổn định xây dựng văn bản mới, quy định mới thay thế quy định đã ban hành cách đây 10 năm. Khi đó thì phù hợp, 10 năm sau thì khoa học phát triển, giới khoa học trẻ lớn mạnh hơn nhiều. Vì thế ngày càng nhiều ứng viên trẻ đáp ứng yêu cầu nên số ứng viên ngày càng tăng. Năm nay tăng hơn hẳn do quá trình xem xét có dài hơn 6 tháng so sới quy định nên số ứng viên tăng lên cùng chất lượng nhiều người trẻ đáp ứng được yêu cầu nên có số lượng lớn. Có thể nói là không hề đột biến và không có gì bất thường.

Về chất lượng thì chất lượng ngày càng cao so với trước. Mặc dù việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí nước ngoài chưa bắt buộc theo quy định hiện hành nhưng rất nhiều ứng viên có công bố nghiên cứu của mình trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong danh mục ISI và Scopus) của các ứng viên trong những năm gần đây tăng nhanh, nhất là trong các hội đồng khoa học tự nhiên và công nghệ (năm 2017 có 5.316 bài, trong khi năm 2016 chỉ có 2.510 bài).

Năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, của các ứng viên tốt hơn so với những năm trước, đặc biệt là các ứng viên trẻ đã đi du học ở nước ngoài. Các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành đặt ra yêu cầu cao khi thẩm định ngoại ngữ các ứng viên thông qua trình bày báo cáo và trả lời trực tiếp các câu hỏi của thành viên hội đồng. Nhiều ứng viên thành thạo 2 ngoại ngữ thông dụng”.

Về vấn đề dư luận quan tâm, ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh là “Không có chuyện Hội đồng công nhận thì đương nhiên người đó thành giáo sư, phó giáo sư”.

“Việc xét công nhận chỉ là bước 1, tức là xét các tiêu chí tối thiểu, còn việc bổ nhiệm GS, PGS trường nào, chức danh khoa học nào mới là yếu tố quyết định. Nghĩa là chỉ khi ứng viên nào được bổ nhiệm thì mới chính thức trở thành GS, PGS. Khi được công nhận do Hội đồng QG thì vẫn chưa phải là GS, PGS. Không có chuyện là Hội đồng công nhận thì đương nhiên là GS, PGS. Việc bổ nhiệm là của các trường, HĐ nhà nước chỉ đưa ra mức sàn chung” - ông Ga nói.

Không phải danh xưng suốt đời

Về câu hỏi khi đã nhận danh xưng giáo sư rồi thì đó sẽ là danh xưng suốt đời, ông Ga cho biết: “Từ giảng viên thành GS, PGS là do Hội đồng xét, không phải hàm có giá trị vĩnh viễn. Không giảng dạy nữa thì không còn là giáo sư. Khi anh không giảng dạy thì sẽ chuyển sang ngạch chuyên viên cao cấp chứ không phải cứ phong giáo sư là suốt đời. Thậm chí anh đã được bổ nhiệm làm giáo sư trường này nhưng khi chuyển sang trường khác, với những tiêu chuẩn cao hơn thì hoàn toàn có thể không còn là giáo sư nữa.

Việc xét phong GS, PGS trên 3 khía cạnh, tiêu chí chính. Một là phải giảng dạy, hai là có công trình nghiên cứu, ba là có đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội thông qua các đề tài nghiên cứu.

Việc cho các trường tự chủ phong GS, PGS thế giới cũng làm rồi. Trong dự thảo mới chúng tôi cũng thảo luận và có thể thí điểm một số trường đủ điều kiện. Tuy nhiên vấn đề là Luật Công chức, viên chức có cho phép như vậy hay không? Trong khi giảng viên chính do Bộ Nội vụ thi tuyển, còn GS, PGS giao các trường xét thì rõ ràng là còn bất cập. Không thể giải quyết ngay được, cần đồng bộ về văn bản.

Năm nay có tới 1.537 ứng viên do các trường gửi lên, nếu để các trường tự xét, tự phong thì sẽ có 1.537 GS, PGS. Hội đồng ngành không đưa hồ sơ nào, đều do trường và cơ sở đưa lên.

Sau đó Hội đồng GS nhà nước rà soát lại, từ 1.537 chỉ còn 1.226 đưa vào rà soát thì chỉ còn 1.131 hồ sơ không có khiếu kiện, đầy đủ các điều kiện thì công nhận ngay, còn lại 95 còn có những vấn đề chưa đủ về giờ giảng, đầy đủ thì cho thêm thời gian rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc này đã giao cho Thanh tra Bộ. Nếu sau khi rà soát mà các ứng viên này đầy đủ rồi thì công nhận, còn lại thì sẽ không công nhận”.

Ông Ga cũng thừa nhận: “Sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ thì thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư đã họp, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Một phần do Hội đồng Nhà nước chưa tập huấn kỹ với Hội đồng cơ sở nên đã đưa lên những hồ sơ còn khiếu kiện và chưa đủ tiêu chuẩn.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31.12.2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27.4.2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới. Đây là văn bản luôn có nhiều ý kiến khác nhau và cần có nhiều thời gian để tham khảo ý kiến xã hội”.

Lộ diện các cán bộ quản lý nằm trong 95 hồ sơ phải xét lại

Theo nguồn tin của Lao Động, có 11 hồ sơ của các cán bộ quản lý là ứng viên giáo sư trong tổng số 95 hồ sơ phải xem xét lại sau đợt rà soát đợt 1. Trong đó có các ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên GS Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ứng viên PGS Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, ứng viên PGS Hà Anh Đức - Thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên PGS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ứng viên PGS Lê Quang Minh - Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, ứng viên PGS Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế Kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ... Ngoài ra, danh sách ứng viên GS bị để lại còn có Nguyễn Duy Lâm (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT); Phạm Văn Toản (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam); Dương Tấn Nhựt (Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên); Hoàng Khắc Nam và Nguyễn Vũ Hảo (Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Lâm Quang Thành (Viện Khoa học thể dục thể thao); Nguyễn Huy Dân (Viện Khoa học vật liệu); Nguyễn Minh Hà (Viện Y học cổ truyền quân đội); Nguyễn Đức Trọng (Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội). HUYÊN NGUYỄN

LINH ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/hoi-dong-quoc-gia-chi-cong-nhan-con-bo-nhiem-hay-khong-thi-tuy-cac-truong-594438.ldo