Hội đồng quản trị các doanh nghiệp Việt hoạt động hiệu quả thấp nhất trong ASEAN 6

Dù đã có rất nhiều cải thiện trong vài năm gần đây, song hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT) các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Để có thể xây dựng một HĐQT theo quy chuẩn cơ bản, phải mất từ 2 đến 3 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao năng lực hiệu quả của hội đồng quản trị

Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang đầy tính cạnh tranh, khó dự đoán và dễ tổn thương. Vì vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức trong việc định hình phong cách quản trị, tạo dựng nền tảng năng lực để có thể duy trì vị thế cũng như đưa các doanh nghiệp phát triển trong môi trường như vậy.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống quản lý – điều hành của doanh nghiệp nói chung và công ty đại chúng nói riêng là: xây dựng được HĐQT hoạt động 1 cách hữu hiệu, cũng như duy trì được tính bền vững của các doanh nghiệp, thông qua hoạch định kế hoạch kế nhiệm.

“Trên thực tế, khi có sự thay đổi ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp, vì bất kỳ 1 lý do nào đó, nếu doanh nghiệp có sẵn 1 kế hoạch, thì việc chuyển giao – kế nhiệm sẽ diễn ra 1 cách suôn sẻ hơn.

Ngược lại, chúng ta đã có những bài học khác rất đáng suy ngẫm về sự trì trệ - gián đoạn –thậm chí sụp đổ của các doanh nghiệp khi có sự thay đổi đột ngột tại các vị trí chủ chốt”, ông Lê Hải Trà – Chủ tịch HOSE nhận định trong Tọa đàm Xây dựng và triển khai hoạt động HĐQT hiệu quả: Vai trò của Chủ tịch và kế hoạch kế nhiệm, do VIOD tổ chức.

Cũng theo ông Lê Hải Trà, dù đã có rất nhiều cải thiện trong vài năm gần đây, song hiệu quả hoạt động của HĐQT các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Nhìn vào các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, chúng ta thấy không hiếm doanh nghiệp đang có một hệ thống quản lý tốt, hoạt động của HĐQT hiệu quả.

Doanh nghiệp nào càng thu hút được nhiều vốn và nhiều quỹ đầu tư, tức năng lực quản lý của HĐQT doanh nghiệp đó càng được đánh giá cao. Chúng ta nên biết rằng, trước khi đầu tư vào bất cứ công ty nào, các quỹ đầu tư thường rà soát năng lực của HĐQT rất kỹ.

Tuy nhiên, khi HOSE tiến hành chấm điểm quản trị của các công ty thành viên và mang ra so sánh với các công ty khác trong khu vực ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam), điểm số của chúng ta thấp nhất.

Vậy, cấu trúc và hoạt động của các HĐQT tại Việt Nam thiếu chuyên nghiệp và thiếu hiệu quả cụ thể như thế nào?

Theo ông Phạm Phú Trường – Giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu GIBC thì: nhiều sếp trong HĐQT chỉ thích nói về quá khứ và báo cáo của các HĐQT thường chưa chuẩn, khiến GIBC luôn phải mất công rà soát lại.

Còn bà Tiêu Yến Trinh – CEO Công ty tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ, nguồn nhân lực cho các vị trí trong HĐQT tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Tiêu Yến Trinh – CEO Công ty tư vấn nhân sự Talentnet

Đầu tiên, các thành viên trong HĐQT ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết; thế nên họ không thể thực hiện tốt vai trò của mình, đóng góp vào việc phát triển chiến lược cho công ty một cách tốt nhất.

Talentnet đang tham gia vào một dự án ngân hàng nước ngoài đầu tư vào ngân hàng Việt Nam. Trước khi tiến hành kinh doanh, ngân hàng nước ngoài này đã làm 1 quy trình tuyển chọn – đào tạo bài bản nhằm gây dựng một HĐQT chuyên nghiệp và hiệu qua: thế nào là các kỹ năng cho từng vị trí, tiến hành tuyển chọn và đào tạo kỹ năng cần thiết cho từng vị trí cụ thể, cách đánh giá ứng viên để tuyển chọn vào các vị trí trong HĐQT… Đây có thể là một mô hình tốt rất đáng cho nhiều công ty Việt Nam học tập.

Thứ hai, nguồn nhân lực cho vị trí thành viên độc lập trong HĐQT ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu. Việt Nam có nguồn nhân lực quản lý rất tốt nhưng họ vẫn chưa được đào tạo cần thiết để đủ chuẩn tham gia các HĐQT.

Thứ ba, Việt Nam vẫn chưa có chương trình hoặc data – dữ liệu về lương bổng – phúc lợi cho các thành viên HĐQT. Người ta chỉ cống hiến hết mình khi nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng, nhất là với các thành viên độc lập.

Cuối cùng, các chương trình đào tạo - phát triển cho công việc kế nhiệm vẫn chưa được xem trọng.

Đại diện đến từ Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, đơn vị đã có nhiều năm làm công tác tư vấn quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, đã đưa ra nhiều giải pháp lý thú.

Với kinh nghiệm lâu năm làm công tác tư vấn, bà Nguyễn Nguyệt Anh – Chuyên gia Quản trị công ty của IFC chia sẻ: “IFC là một định chế tài chính phát triển đầu tiên trên toàn cầu, yêu cầu việc thực hiện phân tích quản trị công ty cho mọi giao dịch đầu tư vào quá trình thẩm định trước khi ra quyết định đầu tư vào các công ty.

Thông qua việc đầu tư, IFC cũng triển khai các hoạt động tư vấn theo phương pháp luận về quản trị công ty của IFC nhằm giúp HĐQT của các công ty là đối tượng đầu tư của chúng tôi áp dụng những thông lệ quản trị tốt.

Từ những kinh nghiệm làm việc với các công ty của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy: sự cam kết thực hiện quản trị tốt của cổ đông lớn và chủ tịch HĐQT hầu như đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi bản chất việc quản trị của các công ty”.

Ngoài ra, cũng theo bà Nguyễn Nguyệt Anh, để có một HĐQT làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả, các công ty cần chính thức hóa các quy định quản trị của mình bằng văn bản; bắt đầu từ việc phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên HĐQT cho phù hợp với các kỹ năng kinh nghiệm mà họ có thể tham gia đối với việc định hướng, giám sát hay hỗ trợ mang tính chiến lược đối với ban điều hành.

Khi thực hiện điều đó, bản thân các thành viên sẽ tìm được vai trò của mình, đóng góp hiệu quả hơn cho HĐQT. Có những thành viên HĐQT tưởng như không làm gì, nhưng thực ra khi được yêu cầu họ có thể đóng góp về mặt chiến lược, giới thiệu đối tác, chia sẻ nguồn lực.

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hoi-dong-quan-tri-cac-doanh-nghiep-viet-hoat-dong-hieu-qua-thap-nhat-trong-asean-6-1537934263059.htm