Hội đồng quân sự và phe đối lập tại Sudan nhất trí về tuyên bố Hiến pháp

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 1/8, Liên minh Tự do và Thay đổi (FFC), phe đối lập ở Sudan cho biết đã nhất trí với Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) về các vấn đề cơ bản liên quan đến tuyên bố Hiến pháp hướng dẫn điều hành giai đoạn chuyển tiếp.

Lãnh đạo của Liên minh Tự do và Thay đổi đối lập tại Sudan Ahmad al-Rabiah (trái) và Phó Chủ tịch TMC, ông Mohamed Hamdan Dagalo (phải) sau lễ ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực dưới sự chứng kiến của các bên trung gian hòa giải châu Phi ở thủ đô Khartoum ngày 17/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Lãnh đạo của Liên minh Tự do và Thay đổi đối lập tại Sudan Ahmad al-Rabiah (trái) và Phó Chủ tịch TMC, ông Mohamed Hamdan Dagalo (phải) sau lễ ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực dưới sự chứng kiến của các bên trung gian hòa giải châu Phi ở thủ đô Khartoum ngày 17/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại một buổi họp báo được tổ chức ở thủ đô Khartoum, ông Sati Al-Haj, một trong những lãnh đạo của FFC cho biết hai bên đã tìm được tiếng nói chung về tuyên bố Hiến pháp, đặc biệt là về việc thành lập Hội đồng bộ trưởng và quyền hạn của Hội đồng lập pháp. Ngoài ra, TMC và FFC cũng xóa bỏ được bất đồng về nội dung quyền miễn trừ tuyệt đối cho các thành viên của TMC.

Trước đó, ngày 17/7, TMC và FFC đã ký tuyên bố chính trị về việc chia sẻ quyền lực trong thời kỳ quá độ, theo đó hai bên đã thống nhất thành lập một hội đồng hỗn hợp gồm 11 thành viên để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp cùng với một hội đồng bộ trưởng.

Trong một diễn biến khác liên quan, 4 người đã bị bắn chết trong cuộc biểu tình tại thành phố Omdurman của Sudan trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của FFC và TMC đang đàm phán để giải quyết các bất đồng. Vụ việc xảy ra khi hàng nghìn người đang tập trung tuần hành tại một số tỉnh thành của Sudan để phản đối việc sinh viên bị sát hại trong cuộc biểu tình diễn ra hồi đầu tuần ở miền Trung nước này.

TMC nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền. Sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình do FFC phát động yêu cầu TMC chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, Ethiopia và Liên minh châu Phi (AU) đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên.

Các cuộc đàm phán đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở Khartoum hôm 3/6 và chỉ được nối lại hồi đầu tháng 7.

Ngày 5/7 vừa qua, sau 2 ngày đàm phán tại thủ đô Khartoum, hai bên đã đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp, theo đó, nhất trí thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc lâu hơn và một chính phủ kỹ trị độc lập.

Quang Trường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/hoi-dong-quan-su-va-phe-doi-lap-tai-sudan-nhat-tri-ve-tuyen-bo-hien-phap-20190802100926312.htm