Hội đồng Dân tộc của Quốc hội họp thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Ngày 22-9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 11 thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Trần Đức

Đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Trần Đức

Tại phiên họp, các đại biểu đã đi sâu phân tích, thảo luận các nội dung cơ bản của dự thảo Luật BPVN, xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ quyền hạn, chế độ chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Đặc biệt, các đại biểu đã phân tích, thảo luận, làm rõ quy định BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đồng thời, khẳng định việc ban hành Luật BPVN nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) trong trình hình mới.

Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tên gọi Luật BPVN đã được xác định trong Nghị quyết số 33 ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ BGQG và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Chiến lược Bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Luật BPVN điều chỉnh những vấn đề, lĩnh vực, phạm vi liên quan trực tiếp đến các quan hệ quốc tế, cần thể hiện rõ chủ quyền, chủ thể nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động biên phòng liên quan trực tiếp đến chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, do vậy, việc thể hiện rõ chủ quyền, chủ thể và cao hơn nữa là quốc thể Việt Nam ngay trong tên gọi của luật là cần thiết.

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Trần Đức

Ông Lê Việt Trường phát biểu thảo luận. Ảnh: Trần Đức

Về chính sách biên phòng cũng được các đại biểu quan tâm đề nghị cần làm rõ. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Trà Vinh, biên giới, biển đảo vẫn đang là những địa bàn khó khăn gian khổ, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng nói chung và BĐBP nói riêng luôn phải đối mặt với những khó khăn vất vả. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng BĐBP phải bám trụ 24/24 giờ trên biên giới, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, không để dịch lây lan qua biên giới. Do đó, phải có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở khu vực biên giới và có chính sách cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP… để mỗi cán bộ BĐBP yên tâm công tác.

Tại cuộc họp, một số đại biểu bày tỏ ý kiến băn khoăn về quy định tại Điều 15 của dự thảo Luật quy định hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới. Về vấn đề này, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, Thường trực Ban soạn thảo Luật BPVN giải trình: Thực tế quy định này không mới, đã được quy định trong Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh BĐBP và các Hiệp định biên giới đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới, nên muốn dừng hoạt động ở biên giới, cửa khẩu phải có sự đồng ý của hai nước. Mặt khác, việc thực hiện quy định này đều nằm trong quyền hạn nhất định như: Đồn trưởng đồn Biên phòng chỉ được phép dừng hoạt động vành đai biên giới, Chỉ huy trưởng BĐBP được tạm dừng hoạt động ở khu vực biên giới, đặc biệt ở cửa khẩu quốc tế thì quyền hạn tạm dừng hoạt động do Thủ tướng Chính phủ quyết định…

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Trần Đức

Đối với ý kiến về BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự tại khu vực biên giới, cửa khẩu, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh thêm, lực lượng BĐBP với hơn 61 năm chiến đấu và trưởng thành, có 28 năm trực thuộc Bộ Công an và trên 33 năm thuộc Bộ Quốc phòng, dù ở Bộ nào thì chức năng, nhiệm vụ của BĐBP không thay đổi; trong đó, BĐBP luôn được xác định nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Trần Đức

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Cao Thị Xuân đánh giá cao những ý kiến đóng góp có chất lượng của các đại biểu, các chuyên gia. Đồng chí Cao Thị Xuân đề nghị, trên cơ sở ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội khóa XIV thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoi-dong-dan-toc-cua-quoc-hoi-hop-thao-luan-ve-du-thao-luat-bien-phong-viet-nam-post433347.html