HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT TẠI THANH HÓA

Sáng ngày 31/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020.

Quang cảnh buổi giám sát

Quang cảnh buổi giám sát

Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Xác định khoa học công nghệ là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết, chương trình, quyết định nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2011-2020, kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa là 418,983 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn địa phương là 131,97 tỷ đồng. Đã ứng dụng 234 nhiệm vụ khoa học công nghệ tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, văn hóa - xã hội, công nghiệp. Đối với chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt và triển khai 8 dự án, với tổng kinh phí trên 95 tỷ đồng. Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 21 dự án với tổng kinh phí trên 244,76 tỷ đồng.

Qua triển khai các dự án đã đóng góp vào chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh; bước đầu hình thành khu vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa công nghệ cao liên hoàn, khép kín, tạo ra những mô hình điểm sáng áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ, tác động tích cực đến phát triển kinh tế vùng dự án, nâng cao đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, hoạt động khoa học công nghệ đã hình thành phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp phục vụ có hiệu quả cho phát triển vùng dân tộc miền núi; việc hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ trong nước và hợp tác nghiên khoa học và chuyển giao công nghệ nước ngoài được chú trọng đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung, khu vực miền núi nói riêng.

Tại buổi giám sát, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ cho Thanh Hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho khoa học công nghệ; trước mắt là cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng; tăng nguồn lực thực hiện các chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ nông thôn, miền núi; Bộ Khoa học và Công nghệ sớm có văn bản hướng dẫn việc tính toán và công bố các chỉ tiêu về khoa học công nghệ đã nêu trong Nghị quyết 20-NQ/TW, như chỉ tiêu về giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị.

Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu kết luận buổi giám sát

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020. Đồng chí đề nghị về phía tỉnh cần có sự phối hợp để xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ một cách trọng tâm trên cả 2 lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật chuyển giao công nghệ. Xác định cây, con chủ lực, định hướng hàng hóa chủ lực, tính đến quy mô, cấp độ, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh; hoàn thiện cơ sở pháp lý từ Trung ương và địa phương; nguồn vốn cho KH&CN cần được sử dụng có hiệu quả. Tỉnh cần phối hợp lồng ghép giữa các chương trình, đưa ra cơ chế mang tính đặc thù; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên nguồn nhân lực tại chỗ và phối hợp với các trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47895