Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Ngày 9/12, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long tổ chức Đại hội lần thứ 3, nhiệm kỳ 2019-2024.

Ban Chấp hành Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2019-2024 ra mắt đại hội.

Ban Chấp hành Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2019-2024 ra mắt đại hội.

Đại hội đã suy cử Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 29 vị, Ban Thường trực 11 vị. Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh tiếp tục được suy cử làm Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đề nghị trong nhiệm kỳ mới, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp và là cầu nối giữa sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tiếp tục phối hợp tuyên truyền, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc; cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân nỗ lực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Hội cũng đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng bảo tồn, giữ gìn các di sản, di tích lịch sử và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, Hội tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động chống Đảng, chế độ, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vĩnh Long hiện có 5.800 hộ dân Khmer với hơn 25.890 người, chiếm 2,1% dân số, tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình và thị xã Bình Minh. Toàn tỉnh có 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó có 6 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Với phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Hội phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xóa dần những tập quán lạc hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Khmer; vận động các sư sãi, đồng bào phật tử tham gia thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội với tổng kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng…

Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhiệm kỳ 2019-2024, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tích cực tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước cho sư sãi và phật tử nâng cao trình độ nhận thức để hưởng ứng và có trách nhiệm tham gia thực hiện tốt.

Hội tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho các chùa trong tỉnh mở các lớp ngữ văn Khmer, giúp cho con em dân tộc, sư sãi đều biết đọc, viết thành thạo cả hai ngôn ngữ Việt - Khmer. Mặt khác, Hội quan tâm tuyên truyền cho sư sãi và phật tử không tin vào luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu, luôn đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng tôn giáo, dân tộc gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dịp này, UBND tỉnh Vĩnh Long tặng Bằng khen 5 tập thể và 10 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tặng Bằng khen 9 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2014-2019.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/hoi-doan-ket-su-sai-yeu-nuoc-tinh-vinh-long-phat-huy-truyen-thong-tot-dep-cua-dan-toc-20191209161712809.htm