Hỏi đáp về Ngày Quốc tế: Chủ đề của Ngày Công bằng Xã hội Thế giới năm nay là gì?

Ngày 20/2 hàng năm là Ngày Công bằng Xã hội Thế giới. Bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra một chủ đề cho ngày quốc tế này năm nay là 'Lời kêu gọi công bằng xã hội trong nền kinh tế kỹ thuật số'.

Ngày 26/11/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua Nghị quyết A/RES/62/10 quyết định lấy ngày 20/2 hàng năm làm Ngày Công bằng Xã hội Thế giới.

Ngày Công bằng Xã hội Thế giới là ngày quốc tế nhằm đề cao những ý nghĩa, giá trị của công bằng xã hội trong quá trình xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững cho tất cả mọi người.

LHQ kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên kỷ niệm ngày đặc biệt này bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với từng quốc gia nhằm thúc đẩy các mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển xã hội tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 1995 và Nghị quyết ở khóa họp đặc biệt thứ 24 của ĐHĐ LHQ ở Geneva (Thụy Sỹ).

Chủ đề của ngày 20/2 năm nay là “Lời kêu gọi công bằng xã hội trong nền kinh tế kỹ thuật số”.

Nền kinh tế kỹ thuật số đã và đang thay đổi cách vận hành thế giới. Trong thập kỷ qua, sự mở rộng kết nối băng thông rộng, điện toán đám mây và dữ liệu đã dẫn đến sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số, thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội.

Kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 dẫn đến làm việc từ xa, kinh doanh online trở nên phổ biến, qua đó củng cố thêm sự tăng trưởng và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế kỹ thuật số. Bối cảnh này cũng đặt ra và làm trầm trọng thêm khoảng cách phát triển kỹ thuật số giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, đặc biệt là về tính sẵn có, khả năng chi trả, sử dụng công nghệ thông tin và truy cập Internet, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng hiện có.

Mặc dù các nền tảng lao động kỹ thuật số cung cấp cho người lao động các cơ hội việc làm và sắp xếp công việc linh hoạt, bao gồm cả phụ nữ, người khuyết tật, thanh niên và lao động nhập cư, chúng cũng đưa ra một số thách thức.

Hậu quả của đại dịch Covid-19 đã phơi bày những rủi ro và sự bất bình đẳng của những người lao động. Đối với các doanh nghiệp truyền thống, những thách thức bao gồm cạnh tranh không lành mạnh từ các nền tảng kỹ thuật số, chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số...

Nhiều quốc gia đã bắt đầu giải quyết một số vấn đề liên quan đến điều kiện lao động trên các nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, cần có sự đối thoại và phối hợp chính sách quốc tế vì các nền tảng lao động kỹ thuật số hoạt động trên nhiều khu vực pháp lý. Việc thúc đẩy đối thoại và phối hợp chính sách đa phương trong nước, khu vực và quốc tế cũng rất quan trọng để đảm bảo tính chắc chắn của các quy định và khả năng áp dụng các tiêu chuẩn lao động phổ thông.

Ngày Công bằng Xã hội Thế giới năm nay kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy việc làm, bình đẳng giới và tiếp cận phúc lợi xã hội một cách công bằng cho tất cả mọi người trong bối cảnh mới.

Do đó, các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác cần hành động để vượt qua khoảng cách kỹ thuật số, cung cấp cơ hội việc làm tốt, bảo vệ quyền lao động và quyền con người trong kỷ nguyên hiện đại của công nghệ kỹ thuật số.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-dap-ve-ngay-quoc-te-chu-de-cua-ngay-cong-bang-xa-hoi-the-gioi-nam-nay-la-gi-136922.html