Hỏi-đáp về các vấn đề nhân quyền của Luật An ninh mạng (Phần 2)

Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019. Dưới đây là các câu hỏi liên quan đến đảm bảo nhân quyền của luật an ninh mạng.

Câu 6: Luật An ninh mạng có ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận không?

Không. Các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh, thương mại vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng, không hề bị ngăn cản, cấm đoán miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Công dân có thể làm bất cứ điều gì trên không gian mạng mà pháp luật Việt Nam không cấm.

Ngược lại: Luật An ninh mạng bảo vệ cho các hoạt động tự do ngôn luận, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khi mua bán, kinh doanh, trao đổi, thương mại trên không gian mạng.

Luật an ninh mạng không ngăn cản quyền tự do ngôn luận.

Luật an ninh mạng không ngăn cản quyền tự do ngôn luận.

Câu 7: Luật An ninh mạng có cấm sử dụng internet và mạng xã hội không?

Không. Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube,… Người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng của Facebook, Google, Youtube hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước.

Ngược lại, Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google...

Tuy nhiên, người nào sử dụng những mạng xã hội trên hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Câu 8: Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An ninh mạng có vi phạm quyền con người, “bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận”, trùng dẫm với các văn bản quy phạm pháp luật khác không?

Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, gồm 06 nhóm hành vi chính, bao gồm các hành vi gây phương hại đến chế độ và nhà nước CHXHCN Việt Nam, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những hành vi bị nghiêm cấm này đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật trong nước như Bộ luật Hình sự (29 hành vi cụ thể). Do đa số là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định và dẫn chiếu từ đời sống thực tế lên không gian mạng, một số hành vi cũng được một số văn bản luật của quốc gia khác quy định nên không có căn cứ để cho rằng, các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An ninh mạng “có vi phạm quyền con người”, “bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận”. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản, việc quy định những nội dung này không chồng chéo và không ảnh hưởng tới các văn bản quy phạm pháp luật khác, vì đây là một miền mới, một không gian mới và chưa có quy định nào để ngăn cấm những hành vi này trên không gian mạng.

Câu 9: Luật An ninh mạng có tạo “sân chơi” bình đẳng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tham gia hoạt động trên không gian mạng?

Doanh nghiệp trong và ngoài nước được bảo vệ như nhau trước các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng như tung tin thất thiệt về sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh, chiếm đoạt tài sản, tấn công từ chối dịch vụ. Tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về thủ tục pháp lý, từ đăng kí kinh doanh, xin cấp phép dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, thuế, có điều kiện cạnh tranh công bằng, chống độc quyền, thao túng giá. Tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông và an ninh mạng khi Luật An ninh mạng hướng đến xây dựng nền công nghệ an ninh mạng tự chủ, sáng tạo.

Thu Hoài

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/hoi-dap-ve-cac-van-de-nhan-quyen-cua-luat-an-ninh-mang-phan-2-127212.html