Hỏi & đáp cùng ngài Luang Por Liem

Thưa sư, trong lúc ta đang trải nghiệm một cảm giác dễ chịu qua các căn như thế nào đó, thì phải có sự phát sinh của ký ức hay tưởng (sañnã̄) để báo cho tâm biết cảm giác dễ chịu này là cái ta muốn có được. Không thể khác cho đến khi ta đã phát triển khả năng nhìn sự vật một cách chánh niệm đúng lúc của tâm.

Ảnh minh họa

* Thưa có phải chính sañnã̄ đã làm nhiệm vụ báo cho ta “cảm giác này là cái chúng ta muốn có”?

Ta cần phải đặt mình ở vị thế không bị ảnh hưởng của ái lực. Ta thực hành chỉ vì mục đích thực hành, không vì muốn bất cứ thứ gì.

Hãy thử quán sát những thứ liên quan đến sự thực hành mà ta có thể thấy trực tiếp. Việc này có thể khiến ta phải quay nhìn về quá khứ, nhưng không sao, vì nó có thể cho ta những lời hướng dẫn trong việc thực hành. Thí dụ như ngài Ananda, vị thị giả của Đức Phật. Chúng ta đã biết theo kinh sách điều gì đã xảy ra sau khi Đức Phật nhập diệt. Đại đức Ananda khởi tưởng hay nhớ lại trong tâm điều Đức Phật đã nói với Đại đức rằng ông sẽ có thể thành tựu việc tu hành trong kiếp sống này.

Đến khi cuộc kết tập lần thứ nhất sắp diễn ra, Đại đức Ananda nhớ lại điều này rất rõ, nên ngài tăng tốc nỗ lực thực hành miên mật, thiền hành không mỏi mệt. Đại đức khiến thân mệt nhoài do chạy theo lòng ham muốn (trở thành bậc hoàn toàn giác ngộ) cho đến khi cuối cùng ngài buông mọi hy vọng có thể đạt được điều mình mong muốn, nghĩ rằng lời Đức Phật có thể chỉ là để khuyến khích ngài một cách bình thường. Nhưng ngay khi Đại đức Ananda thư giãn và buông mọi ái luyến, ngài rơi vào trạng thái tự nhiên không có ước muốn gì. Cảm giác bình an, tự tại phát khởi, và cuối cùng ngài dứt được mọi uế nhiễm trong tâm.

Bất cứ việc gì ta làm do ảnh hưởng của dục tham sẽ không đầy đủ trong một số khía cạnh nào đó. Trong việc ta làm, ta chỉ nên dựa vào chính việc đó theo lời chỉ dẫn. Giống như khi ta trồng cây. Bổn phận ta chỉ là đào lỗ, xuống giống, đắp đất, bón phân và tưới nước. Còn việc phát triển của cây, nó lớn lên như thế nào, đó là việc của cây. Chúng ta không thể can thiệp vào. Bổn phận của chúng ta ở đây có giới hạn.

Vì thế, nói là “buông tất cả” trong việc thực hành có nghĩa là hãy để sự việc diễn ra theo cách của chúng. Ta không mong muốn nó phải là hay không phải là thế này, thế kia. Việc thực hành là nghiêng theo dòng chảy tự nhiên của sự vật. Sự tiến bộ hay thành quả trong tu tập - những thứ này sẽ tự diễn ra. Nghĩ rằng mình là vĩ đại, tuyệt vời, hay là nhất, hoặc có những suy tưởng khác về bản thân có nghĩa là có điều gì không ổn trong việc thực hành của ta.

Nên nhớ rằng chính Đức Phật có luật cấm các Tỷ-kheo tuyên bố rằng mình có thần thông, dầu cho đó là sự thật. Tại sao như thế? Vì Đức Phật không muốn hướng dẫn người ta đi sai đường. Những tuyên bố này tạo cơ hội cho người ta nghe theo những điều không chính đáng.

Để thay đổi, tại sao quý vị không quán như thế này: Ở đâu có bụi bặm, ở đó cũng có sự sạch sẽ. Ở đâu có khổ, ở đó cũng có không khổ.

Ở ngay nơi ta đắm chìm trong ái thì phi hữu ái cũng có mặt. Chỉ cần ta quán sát cẩn thận.

Năm 1971 (Phật lịch 2514), sư trải qua mùa an cư với Đại đức Tan Ajahn Sumedho. Vào những ngày được giặt giũ, khi quý sư giặt y dùng nước nấu sôi từ vỏ cây mít, Tan Ajahn Sumedho lúc đó chưa biết giặt y theo cách đó. Khi Đại đức giặt y của mình, ngài nói, “Chất bẩn đi đâu? Chất bẩn còn nguyên ở đây” . (Luang Por cười). Dầu chiếc y vẫn còn bẩn, nhưng màu y trở nên đẹp tuyệt.

* Thưa sư, có phải đó là điều mà Đức Phật nói rằng tất cả chúng sanh đều có đầy đủ những thứ họ cần để tu tập, để thấy rằng Pháp đã sẵn có trong tâm? Nên ta chỉ cần nỗ lực, cố gắng thực hành thì ta sẽ thấy được điều đó.

Sự phát triển cần xảy ra theo quy định mà Đức Phật đề ra để hướng dẫn ta, mà Ngài thấy là phù hợp để thấy được chân lý - định luật “ariyavaṃsa” , truyền thống của các bậc Thánh. Đức Phật đã định nghĩa các vị thánh là những người bằng lòng với những gì họ có hay được tặng. Họ rất dễ thấy đủ và bằng lòng.

Tất cả chúng ta đều biết thấy đủ có nghĩa là: không thấy cần phải có thêm. Dễ bằng lòng, vui thích có nghĩa là chấp nhận những gì đang có hay những gì sẽ có bằng các phương tiện chân chánh. Vị thánh sống thu thúc và tự tại, vì đó là giới luật căn bản của một Sa-môn. Thí dụ điển hình là Đại đức Assaji trong thời Đức Phật còn tại thế. Ngài có thể được coi là một vị thầy và hình mẫu cho giới luật thu thúc. Bản thân sư cũng áp dụng giới luật này. Sư nghĩ rằng nó rất ích lợi và giúp ta thiết lập các thói quen mới để tránh các hành động sai trái và các thiếu sót không phát sinh. Hơn nữa, giới luật thu thúc này cũng tránh cho ta không ham muốn điều gì có thể khiến ta bị trói buộc, gò bó.

Thu thúc thân tâm và tự tại là những điều rất tuyệt vời. Nó giúp ta có những hành vi khiến người khác dễ chấp nhận. Ví như Đức Phật khi sinh ra trong hoàng tộc, thuộc hàng vua chúa, thì các cách hành xử, các uy nghi rất được chú trọng. Hành động của một vị vua hay vị tướng quân được coi là phải không có lỗi, không tì vết.

Thực ra tất cả là sự chánh niệm, tỉnh giác, và khả năng nhận biết sự vật xảy ra trong đời một cách đúng đắn. Phàm phu thì thường phán đoán sự việc một cách chung chung. Điều gì có vẻ chấp nhận được thì họ cho là “tốt”, ngược lại là “xấu”. Tất cả mọi người đều có cảm giác thích hay chấp nhận một số việc. Đôi khi chúng ta còn đồng ý làm điều sai trái hay gây nhiễu hại cho người. Đó có phải là cách hành xử tốt không? Ta phải quán xét về điều đó.

Hành vi của ta thực sự tùy thuộc vào các trạng thái tâm, vào cảm tính của ta. Trong một số trường hợp ta có thể thấy điều đó dễ dàng, thí dụ, khi ta trải nghiệm sự ham muốn, tình yêu, hay lòng ghen tỵ, thù địch, xung đột. Chính các cảm tính mà ta có thể thấy rõ ràng này thật phù hợp để ta quán sát, mổ xẻ và tìm hiểu chúng. Nếu bị các tình cảm này lôi kéo, ta sẽ sử dụng thứ gì để đoạn trừ chúng, để ngăn chặn, cản trở chúng phát sinh? Chúng ta cần sử dụng một số phương cách để đối phó với các tình cảm này, thực ra tựu trung là các phương pháp hành thiền truyền thống mà ta gọi là “kammaṭṭhāna”, pháp hành để phát triển bản thân và các trạng thái tâm. Khi ta sử dụng phương pháp này, các cảm tính bất thiện không phát khởi. Trong pháp hành thiền quán bất tịnh (asubha kammaṭṭhāna), ta sử dụng tính chất thô kệch, nhơ nhuốc của sự vật làm phương tiện. Đây có thể là một phương cách ta không thấy thích, không thấy phù hợp. Nhưng sau một thời gian thực hành, phương cách này rất hữu ích trong việc tạo nên một nền tảng căn bản để giải tỏa các cảm giác về tính dục, lòng ham muốn, nhục dục. Đây là một quy trình chuyển hóa, sửa đổi, giống như khi ta giặt một miếng vải dơ với bột giặt, để biến đổi nó thành sạch. Chúng ta cần các phương pháp thiền quán bất tịnh là vì lẽ đó.

Ta có thể thực hành phương cách này trong mọi oai nghi, đi, đứng, nằm và ngồi. Bất cứ khi nào một cảm tính phát khởi, ta dùng đối tượng thiền quán bất tịnh để quán sát, tìm hiểu nó. Giống như khi có thứ gì đó không bằng phẳng, thẳng hàng - thì ta cần chỉnh sửa để làm cho nó bằng phẳng, như khi ta sử dụng các vật liệu xây dựng để làm nhà ở. Vật liệu thô chưa thể dùng được ngay, ta cần chỉnh sửa chúng một chút.

Chỉnh sửa và kiềm chế việc thực hành theo cách này cho đến khi ta đạt được mục đích, đôi khi khó khăn và phiền nhiễu. Nhưng nó không vượt quá khả năng của ta. Nếu nó quá sức ta, chắc chắn là Đức Phật đã không truyền dạy điều đó cho ta.

Pháp là giáo lý mà chúng sanh có thể thấy, có thể hiểu. Ai là người đã đạt giác ngộ? Chúng sanh. Ai là người đã diệt được khổ? Chúng sanh. Có là cách ta phải suy nghĩ.

Ở đâu có hạnh phúc, ở đó có khổ đau, ở đâu có khổ đau, ở đó có bình an. Đó là chuyện tự nhiên. Ta cần phải quán sát một thời gian dài và nỗ lực để hiểu được vấn đề. Thực ra, sư nghĩ chỉ cần biết quán sát là đủ.

Nếu ta chỉ lướt nhìn, thì không có gì để thấy. Nếu ta quán sát nó, thì nó sẽ hiển hiện. Bất cứ thứ gì phát sinh cũng tạo cơ hội cho ta phát triển sự hiểu biết.

Chúng ta cần quán sát sự vật theo cách người ta quán sát thú hoang trong rừng, để biết chúng sống như thế nào, bản tính chúng ra sao. Vì thú rừng rất nhát và dễ sợ hãi, nên chúng thường tìm cách trốn đi. Chúng không muốn con người biết cách chúng sinh sống, hoạt động ra sao. Nên khi bước vào rừng, ta cần rất cẩn thận để không khiến các con thú này nghi ngại hay sợ hãi điều chi. Chúng ta không được khuấy động chúng. Nếu ta biết cách hành xử trong hoàn cảnh đó, dần dà các loài thú sẽ biểu hiện bản tánh và thói quen của chúng. Quy trình hành thiền quán bất tịnh cũng tương tự. Ta phải tiếp tục quán sát, và điều ta thấy được sẽ tự hiển bày bản tánh của nó. Chúng ta sẽ dần có thể thấy được những yếu kém của mình.

Rồi chúng ta sẽ có thể buông bỏ những gì cần buông bỏ như Đức Phật đã dạy. Khổ là cái ta cần chú tâm và khám phá.

* Thưa Luang Por, cô gái trẻ này bị ung thư não. Bác sĩ bảo ung thư sẽ khỏi, nhưng nó vẫn còn đó. Cô ấy phải làm gì trong hoàn cảnh này?

Tất cả chúng sanh đều bị “ung thư” - tất cả mọi người… (Luang Por cười). Mọi người đều bị “ung thư” - căn bệnh không thuốc chữa - đó là: Chết. Dầu con có chữa được "ung thư" này, ung thư kia cũng không hết. Con hiểu không?

Chúng ta không thể nghĩ là mình sẽ vượt qua mà không có vấn đề gì. Thân này là ổ bệnh. Đó chính là bản chất của thân vật lý này. Chớ lo âu… chỉ có thế. Hãy chấp nhận những gì ta có được và tận dụng chúng. Quá lo lắng, bức xúc chỉ đem lại lắm ưu phiền, và điều đó sẽ khiến cho các cơ quan trong thân không hoạt động tốt.

Sư, cũng vậy, sư cũng bị “ung thư”. Sư đi bác sĩ và ông khám thấy nhịp tim sư đập không bình thường. Nhưng sư nói, “Không, vậy là bình thường rồi. Trái tim tôi sử dụng quá lâu rồi, nên nó hao mòn đi”.

Suốt khoảng đời của một con người, cũng có lúc sự vật đổ vỡ. Tất cả mọi thứ cần theo định luật thiên nhiên - chớ lo âu. Khi đủ duyên, mọi thứ sẽ tự động làm những gì chúng cần phải làm (Luang Por cười…). Bình tĩnh. Nếu tâm ta thư thái, ta sẽ có thể cảm nhận hạnh phúc.

Dầu ta phải đối mặt với vấn đề gì, Đức Phật muốn ta phải là “người biết”, và hãy để mọi thứ ở đời đến rồi đi. Nếu ta có thể buông, thì không có gì nặng nhọc. Chỉ khi ta gánh vác nhiều việc thì chúng sẽ nặng nề. Gánh vác sự việc có nghĩa là bám chặt vào chúng như thể chúng là của ta, nhưng, thực ra, trên thế giới này, không có gì là của ta, thuộc về ta.

Có một thế giới ở bên ngoài, bề mặt của hành tinh Trái đất, và có một thế giới nội tại. Trong thế giới nội tại có các khía cạnh của thân, và các thành phần, kết hợp của một con người mà ta gọi là bản ngã. Nhưng chúng ta không thể gọi các thứ đồ được kết nối lại như là “của ta”. Tất cả mọi thứ rồi sẽ rã tan. Tất cả những hiện hữu sẽ hoại diệt. Dần dần mọi thứ chuyển đổi thành một trạng thái không có gì thuộc vào ta nữa.

Vì thế Đức Phật không muốn chúng ta nhìn cuộc đời theo quan điểm lầm lạc. Khi ta nhìn sự vật sai, ta bắt đầu nắm giữ chúng. Ta phát sinh nhiều mối ưu tư khiến ta cảm thấy như bị cầm tù, bị trói cột bằng mọi thứ phiền não, không có chút tự do gì.

Dầu ta có bị các bệnh thông thường gì - đừng nghĩ tới nó như một vấn đề quan trọng. Tất cả là chuyện tự nhiên. Mọi thứ, một khi đã phát sinh, phải luôn chuyển đổi. Đó là bình thường.

Bệnh hoạn là chuyện hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Do đó Đức Phật đã dạy ta nên coi đó là đối tượng tu tập, quán xét và tìm phương cách để hiểu nó. Như thế ta có thể hướng các cảm tính của mình đến một đạo pháp giúp ta giải thoát khỏi mọi trói buộc của uế nhiễm. Quán chiếu về thân bệnh có thể giúp ta được bình an, nhẹ nhõm.

Nhưng nếu ta bám víu vào sự vật, các yếu tố khác sẽ chế ngự ta: thí dụ sân, tham hay si. Ba thứ này là căn nguyên chánh của mọi vấn đề chế ngự ta. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta phải tu tập và quán xét để các trạng thái bất thiện không phát khởi.

Tất cả giáo lý của Đức Phật đều là về khổ và phương cách diệt khổ. Đức Phật chỉ dạy có thế, nếu ta muốn nói gọn về giáo lý của Ngài.

Khổ có mặt vì có ái. Ái trở nên mạnh mẽ khi ta để cho nó phát khởi. Nhưng nó sẽ giảm nếu ta biết cách ngăn chặn, chống đỡ nó. Ta sẽ không có khổ nếu ta biết cách buông bỏ.

Vì thế ta cần phải biết các phương cách buông bỏ và để sự vật như chúng là. Ta phát triển các phương cách chú tâm đến điều có thể làm giảm ngã tưởng, sự bám víu mà Đức Phật gọi là “attavādupādāna”, sự bám víu vào cái ngã.

Giáo lý mà Đức Phật dạy để làm giảm thiểu sự bám víu và các cảm giác của ngã chấp, đơn giản là trước tiên ta phải dừng lại, phải vun trồng một trạng thái tâm gọi là ekaggatā (nhất tâm), hay, nói cách khác, đó là pháp hiện-tại. Để trụ vững trong pháp của giây phút hiện tại, ta cần không chỉ sự quyết tâm cơ bản mà ta còn phải phát triển một sự hiểu biết bản thân.

Các phương cách Đức Phật dạy ta không phải là khó thực hành. Ta chỉ cần thu hẹp sự chú tâm và quán sát với tâm không lo âu, nghi hoặc, hay có bất cứ sự bất ổn nào.

Chú tâm vào tính chất của các thành phần vật lý, các uẩn và các trạng thái của thân. Bắt đầu bằng cách tự vấn về thân và thế giới quanh ta, quán xét xem có gì thuộc về ta không. Thân có thể được chia thành nhiều phần. Trên đầu có tóc, rồi lông tóc trên thân, móng, răng, da để bao bọc, che phủ toàn thân.

Đức Phật khuyên chúng ta quán sát, phân tích các thành phần của thân để thấy rằng chúng luôn ở trong trạng thái chuyển đổi, không lâu dài. Cuối cùng chúng sẽ tan rã thành nhiều yếu tố. Thấy được vậy, ta không thể xác lập sở hữu. Không có quyền cho rằng chúng vĩnh cửu. Chúng ta chỉ có sự liên hệ tạm thời đối với thân.

Ta có thể so sánh thân với một chỗ trọ qua đêm. Thí dụ, ta có thời hạn được ở đó một đêm. Khi đến hạn, chủ nhà sẽ bảo ta ra đi. Đối với cuộc đời ta cũng thế.

Đức Phật xem các quy trình này như là tính chất tự nhiên và là thực tại có mặt trong tất cả mọi thứ. Nếu có phát sinh, sẽ có lúc dừng, và cuối cùng chấm dứt. Quán chiếu như thế sẽ khiến ta sinh nhàm chán. Nó giúp ta không bám víu vật chất hay ngã mạn. Ta không phải lo lắng nếu bác sĩ bảo ta có bệnh này hay bệnh kia.

Ai cũng có bệnh. Ít nhất cũng là bệnh đói khổ mà ta cố gắng chữa hàng ngày bằng việc ăn uống - đó là cảm giác khổ đau khi đói. Khi ta đã đáp ứng nó bằng việc cho thân thực phẩm, nó lại xuất hiện qua các nhu cầu tiểu tiện, lại tạo ra các thứ khổ khác. Tất cả những thứ này là bệnh.

Bệnh là thứ ta cần nhận biết, cần quán chiếu về nó. Đức Phật dạy rằng ta không nên quá lo âu về nó. Ngài muốn ta tu tập theo trung đạo, vừa đúng, giống như hơi thở. Ta không gò ép hơi thở vào và hơi thở ra.

Tính chất của các thành phần và các uẩn trong thân sẽ tự điều hành. Đó là cách ta nên nhìn các hiện tượng này để ta không phát sinh sự bám víu, nắm níu sự vật. Ta đặt mình vào vị trí của buông xả.

Chính ta là người phải biết ngay các đặc tính phổ quát của sự hiện hữu của ta. Đó là ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ thế tâm bình an sẽ phát sinh. Không có gì bền vững và lâu dài. Ta quan sát và suy tư về các sự thật này để buông sự bám víu, để chấp nhận rằng thực tại là như thế. Đó là cách nhìn sự vật để có thể phát sinh chánh kiến:

“Bất cứ điều gì phát sinh cũng sẽ giúp ta phát triển trí tuệ”.

Hỏi & đáp cùng ngài Luang Por Liem (phần 1)

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Trích dịch từ NO WORRIES,

Nguồn:http://dhammatalks.net/Books/Luang_Por_Liem_No_Worries.pdf)

____________

(2) Cách giặt y theo truyền thống là dùng nước màu nâu nấu ra từ vỏ cây mít, thực ra là cách nhuộm lại y. Y được ngâm trong thau với ít nước nhuộm mà người ta cố giữ lại trong y áo. Không có việc xả hay vắt nước dơ ra khỏi áo. Nên chất bẩn bám vào áo, lâu dần làm đậm thêm màu áo.

(3) Bốn truyền thống bậc thánh (Ariyavaṃsa):

- Tri túc với y phục (Cīvarasantosa).

- Tri túc với vật thực (Piṇdạpātasantosa).

- Tri túc với sàng tọa (Senāsanasantosa).

- Vui thích tu tập thiện pháp và đoạn trừ ác pháp (Bhāvanāpahānārāmatā).

(Theo www.budsas.org)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//nguyetsan/vanhoa/2019/12/06/1254d2/