Hội đàm để hạ nhiệt căng thẳng

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hồi cuối tuần trước đã có cuộc hội đàm kéo dài 5 giờ đồng hồ bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali, Indonesia.

Đây được đánh giá là nỗ lực mới nhằm cố gắng kiềm chế hoặc ít nhất là kiểm soát sự đối đầu gia tăng trong quan hệ gần đây giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đang trở nên phức tạp hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine. Hay nói cách khác, cuộc gặp này là nhằm giữ quan hệ song phương ổn định, tránh căng thẳng leo thang thành xung đột.

Cuộc hội đàm mang tính xây dựng

Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ-Trung kể từ cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai bên vào tháng 10/2021, trong bối cảnh hai cường quốc tăng cường tương tác vào thời điểm phương Tây đang tập trung vào chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang thực hiện tại Ukraine. Sau hội đàm, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: “Bất chấp những phức tạp trong mối quan hệ của chúng ta, tôi có thể tự tin nói rằng các phái đoàn của chúng ta nhận thấy các cuộc thảo luận hôm nay là rất hữu ích, thẳng thắn và mang tính xây dựng.

Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Vương Nghị. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Vương Nghị. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn tới hai nước chúng ta cũng như tới thế giới. Chúng tôi cam kết quản lý mối quan hệ này - sự cạnh tranh này - một cách có trách nhiệm”. Ông hứa hẹn sẽ duy trì các kênh ngoại giao rộng mở với Bắc Kinh. Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, hai bên đã đồng ý làm việc để cải thiện mối quan hệ - nhưng cũng đưa ra một danh sách những điều “bất mãn” với Washington, cáo buộc Mỹ “bôi nhọ và tấn công” hệ thống chính trị của họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Hai bên đã đạt được nhất trí thúc đẩy tham vấn nhóm công tác chung Trung-Mỹ để đạt được nhiều kết quả hơn. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Cả hai bên đều tin rằng cuộc đối thoại này là thực chất và mang tính xây dựng, sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu hiểu lầm và đánh giá sai, tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước trong tương lai”.

Tuy không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào từ các cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Mỹ-Trung, nhưng giới chức hai nước hy vọng cuộc trao đổi này có thể giúp hai bên duy trì đường dây liên lạc cởi mở, tạo chỗ dựa vững chắc trong việc chỉ dẫn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp và có khả năng bùng nổ xung đột. Cuộc gặp được cho là bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc hội đàm trực tuyến cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, dự kiến diễn ra trong vài tuần tới. Các cuộc gặp giữa những quan chức quốc phòng, tài chính và an ninh quốc gia hàng đầu của hai nước cũng đã diễn ra trong hai tháng qua. Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, tương tác ngoại giao gia tăng “thể hiện hai bên đồng thuận tránh leo thang căng thẳng”.

Cuộc gặp lần này chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn sự cạnh tranh Mỹ-Trung dẫn tới xung đột không chủ ý. Tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo Trung Quốc, bình luận rằng các hoạt động ngoại giao ngày càng gia tăng “nhấn mạnh sự đồng thuận của hai bên về việc tránh leo thang đối đầu”.

Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc đã cứng rắn hơn trong những năm gần đây và Tổng thống Joe Biden phần lớn vẫn duy trì bản chất của cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump khi coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Antony Blinken trong một bài phát biểu gần đây đã nói rõ rằng Mỹ không tìm kiếm một “Chiến tranh Lạnh” mới. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ sớm giảm bớt một số thuế quan của người tiền nhiệm Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, một động thái có thể làm giảm lạm phát đang tăng vọt, vốn đã trở thành một vấn đề chính trị lớn ở Mỹ.

Và nỗi quan ngại của Mỹ

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông đã thảo luận thẳng với người đồng cấp Trung Quốc về việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đưạc biệt tại Ukraine; đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh “liên kết với Moscow”. Ông nói công khai rằng ông không tin Trung Quốc đang trung lập vì họ đã ủng hộ Nga ở Liên hợp quốc và “mở rộng các tuyên truyền của Nga”.

Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 13/6 đã thể hiện rõ rằng ông ủng hộ quyết định xây dựng mối quan hệ đối tác với Moscow. Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, cả Moscow và Bắc Kinh đều tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không có giới hạn” giữa 2 nước. Chính quyền Tổng thống Joe Biden bấy lâu nay hy vọng Trung Quốc với truyền thống phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ, cũng sẽ có sự phản đối tương tự đối với hành động của Nga ở Ukraine. Giới chức Mỹ đã cảnh báo về các hậu quả, bao gồm trừng phạt, nếu Trung Quốc dành cho Nga sự ủng hộ về mặt vật chất trong xung đột ở Ukraine.

Trên thực tế, Mỹ cũng chưa thấy Trung Quốc cung cấp cho Nga thiết bị quân sự hoặc lẩn tránh các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ ra không hài lòng trước thực tế Trung Quốc có quan điểm không rõ về vấn đề này. Theo Mỹ, như vậy có thể ảnh hưởng đến trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Ngoại trưởng Antony Blinken tin rằng, mọi nước, bao gồm cả Trung Quốc, đều bị ảnh hưởng nếu trật tự đó bị xói mòn. Theo ông, sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga trong xung đột Ukraine đang làm phức tạp quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh hai bên đã căng thẳng sẵn trong nhiều vấn đề. Mỹ đã theo dõi đầy cảnh giác khi Trung Quốc từ chối chỉ trích hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Không những vậy, Bắc Kinh còn lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow, đồng thời còn tố cáo Mỹ và NATO khiêu khích xung đột này.

Về phần mình, Trung Quốc cũng có những tuyên bố đáp trả Mỹ. Ngay tại Hội nghị G20, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã ngầm đề cập đến chính sách của Trung Quốc đối với sự ổn định toàn cầu khi nói rằng “đặt an ninh của riêng nước mình lên trên an ninh của các nước khác, tăng cường các khối quân sự sẽ chỉ chia rẽ cộng đồng quốc tế và làm cho bản thân thêm bất an”.

Thông cáo đồng thời tố cáo Mỹ “công kích” hệ thống chính trị của Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng bác bỏ một số quan điểm của Mỹ về Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông… đồng thời kêu gọi Washington dỡ bỏ các thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc càng sớm càng tốt, ngừng trừng phạt đơn phương các công ty của Trung Quốc cũng như ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị quy trách nhiệm cho Mỹ về tình trạng quan hệ song phương xấu đi. Theo góc nhìn của ông, chính sách của Mỹ đã bị “trệch ray” do quan niệm của họ coi Trung Quốc là mối đe dọa.

Mặc dù vậy, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn là đối tác thương mại chính của nhau. Tổng thống Mỹ Biden thậm chí còn tính đến việc dỡ bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng tại Mỹ ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Minh Hải (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/hoi-dam-de-ha-nhiet-cang-thang-i661027/