Hội của chúng ta

Vậy là lại sắp tới ngày kỷ niệm thành lập 'HNBVN - Hội của chúng ta'.

Mấy chục năm trước, chúng tôi những người làm việc ở Trung ương HNBVN - 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội đã dày công cùng cán bộ HNB Thái Nguyên tìm đến xóm Roòng Khoa (nay là xóm Đồng Lá 3), xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, xưa là rừng xanh núi thẳm, nơi trú ngụ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao từng che chở cho Bác Hồ và Trung ương Đảng chỉ huy cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp suốt 9 năm, được gọi là An Toàn Khu (ATK).

Gặp nhân chứng là các nhà báo “cây đa cây đề” từng ở ATK như Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Hoàng Tùng... rồi đến tận địa bàn để tìm chứng tích, để khảo cứu, thấu hiểu lý do thành lập Hội, nhận đúng nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất HNBVN là ngày 21/4/1950, để dựng Nhà Bia di tích, để lập Bảo tàng và viết lịch sử Hội.

Cho nên tháng năm đi cứ đầy thêm nỗi nhớ. Nơi đây, địa danh nguồn cội tổ chức Hội của chúng ta. Nơi đây, hằng năm, 21/4 lại đón hàng chục đoàn Nhà báo tỉnh, thành phố, cơ quan cùng hàng trăm hội viên trong Nam, ngoài Bắc tới “ôn cố tri tân”, để sốc lại hành trang cho nghề nghiệp nghiệt ngã nhưng rất đỗi vinh quang của mình.

Đến để nhận ra: Năm 1950 của thế kỷ trước, sau nhiều năm (kể từ ngày thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ) cuộc kháng chiến chống Pháp đã phát triển mạnh ở mọi miền đất nước, trong đó có sự đóng góp tích cực và quan trọng của báo chí. Đội ngũ làm báo cũng đông lên tới hàng trăm người, số tờ báo cũng nhiều lên xấp xỉ 120 tờ. Tiêu biểu là các tờ Cứu quốc, Sự thật, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Đài TNVN, TTXVN, Văn nghệ...

Bởi vậy Trung ương Đảng và Bác Hồ chỉ đạo cho thành lập tổ chức Hội của những người viết báo để đoàn kết, giúp đỡ nhau, phục vụ kháng chiến và cách mạng mạnh mẽ hơn. Đồng chí Xuân Thủy - Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, phụ trách Đoàn báo chí kháng chiến (thành lập năm 1948) được Tổng Bí thư Trường Chinh giao đứng ra tổ chức Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (nay là HNBVN).

Đại hội diễn ra tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là MTTQVN) ở xóm Roòng Khoa vào ngày 21/4/1950. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 10 nhà báo: Đồng chí Xuân Thủy là Hội trưởng; Phó Hội trưởng là Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục; Tổng Thư ký là Nguyễn Thành Lê... Vậy là cốt rễ Hội của chúng ta là đây và từ đây – dấu mốc quan trọng về bước trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam lại được bắt rễ sâu xa từ báo chí cách mạng với sự ra đời của tờ Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập và làm Chủ bút tại Quảng Châu (Trung Quốc). Số đầu tiên ra ngày 21/6/1925 được Ban Bí thư Trung ương Đảng lấy làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Và ngày 21/4/1950 là Ngày truyền thống HNBVN của chúng ta!

Vậy là Hội của chúng ta chính là sự kết tinh của nền Báo chí cách mạng do Bác Hồ khởi xướng từ những năm cách mạng dân tộc còn trong trứng nước. Tiếp nối, Hội của chúng ta ra đời và trưởng thành từ trong cơ cực của khó khăn, gian nan nguy hiểm của bom đạn chiến tranh, nhưng hết sức oanh liệt.

Chúng ta tự hào hãnh diện với lớp lớp đàn anh ở diện “Khai quốc công thần” đã lấy việc viết báo để làm vũ khí phục vụ cách mạng như: Trần Huy Liệu, Ngô Tất Tố, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Hồng Hà, Thép Mới, Trần Lâm, Hồng Chương, Đào Tùng, Lý Văn Sáu, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang...

Vâng lời Bác Hồ dạy tại Đại Hội III-HNBVN (1962) “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”! Lớp lớp nhà báo chúng ta nối tiếp nhau xung trận chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ xâm lược để non sông thu về một mối; để bảo vệ, gìn giữ biên cương phía Nam, phía Bắc, biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Gần nửa ngàn nhà báo đã anh dũng hy sinh. Nhiều nhà báo ngã xuống tại trận đánh thì cây bút, cuốn sổ vẫn trong tay, hoặc là chiếc máy ảnh, máy quay phim vẫn hướng cùng đồng đội xông lên.

68 năm qua, kể từ ngày HNBVN của chúng ta ra đời, báo chí Việt Nam đã có bước tiến dài, truyền thống hết sức vẻ vang, tạo hãnh diện cho mỗi hội viên nhà báo. 68 năm, với 10 kỳ Đại hội đều ghi dấu ấn sâu đậm về vai trò tổ chức và hoạt động của HNBVN.

Chúng ta tự hào, vinh hạnh khi lần lượt nhắc tên về các vị Chủ tịch HNBVN của chúng ta qua những chặng đường cách mạng: Ấy là Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Hồng Chương, Phan Quang, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh, Thuận Hữu- họ là nhà báo, nhà chính trị sáng danh, hết lòng với công việc và trọng trách của mình.

Bởi thế nên trong mọi thời kỳ cách mạng, hội viên hội nhà báo của chúng ta luôn đoàn kết, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo và chỉ đạo.

Bởi thế nên vị thế HNBVN luôn rạng ngời, thực sự là điểm tựa vững chắc và tin cậy của báo giới Việt Nam, xứng đáng là tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam.

Qua 68 năm, HNBVN của chúng ta đã trở thành đội quân chính trị thực sự hùng hậu, tin cẩn của Đảng và Nhà nước với 22.801 hội viên, 287 đơn vị cấp Hội trực thuộc. Trí tuệ, tư duy, tay nghề của những người làm báo đã và đang nhịp bước với hiện đại, với thời cuộc.

Hà Nội – Tháng 4/2018

Nguyễn Uyển (Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – Hội NBVN)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/hoi-cua-chung-ta-35328